Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến “Truy xuất nguồn gốc - Nâng tầm nông sản Việt” do Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia tổ chức.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng, truy xuất nguồn gốc chính là chìa khóa khởi tạo niềm tin cho người dùng, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của Việt Nam. Truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc đối với nông sản xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông nghiệp số Việt Nam, nhận định, minh bạch truy xuất nguồn gốc giúp xóa bỏ mù mờ thông tin, nhưng để truy xuất nguồn gốc nông sản, cần đến các công cụ số.
Thế nhưng có “muôn vàn khó khăn” khi thực hiện chuyển đổi số truy xuất nguồn gốc theo lời bà Thực. Khó khăn lớn nhất là quản lý Nhà nước còn yếu kém. Chúng ta có rất nhiều quy định về quản lý lưu thông hàng hóa nhưng với nông sản lại chưa làm nghiêm.
Bà Thực cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp coi việc truy xuất nguồn gốc giống như bị thanh kiểm tra, là việc buộc phải làm. Vẫn còn nhiều tình trạng ghi chép, lưu trữ hồ sơ theo cách chống đối, giả tạo.
Nhà vườn có sổ tay sản xuất, đến kỳ đánh giá tiêu chuẩn VietGAP hay mã vùng trồng, nhiều người đưa ra rất đối phó mà không hiểu đây là hồ sơ kinh nghiệm để đúc rút trong sản xuất. Họ không hiểu rằng truy xuất nguồn gốc chính là công cụ xây dựng thương hiệu cho chính mình, uy tín của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đoan, chuyên gia Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia, cũng nhận định, hoạt động truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam hiện vẫn còn sơ khai, chưa tuân thủ theo quy chuẩn nào.
Chỉ cần một thao tác tìm kiếm trên các kho ứng dụng, có thể thấy hàng loạt ứng dụng truy xuất nguồn gốc, thế nhưng tính xác thực lại thấp. Ông Đoan đã thử nghiệm truy xuất nguồn gốc trên một số sản phẩm trong một siêu thị lớn.
Kết quả thấy rằng, đa phần mới chỉ là điện tử hóa tem nhãn, nghĩa là mới thể hiện thông tin về sản phẩm chứ không phải lịch sử sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm. “Đây là tình trạng rất phổ biến. Đáng nói khách hàng cũng không hiểu đó chỉ là tem nhãn chứ không phải truy xuất nguồn gốc”, ông Đoan nói.
Thử nghiệm quét mã truy xuất nguồn gốc đối với nông sản cũng trong một siêu thị lớn, ông Đoan nhận thấy có một điều lạ. Tất cả các sản phẩm đều có thông tin về số ngày cách ly về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giống hệt nhau.
Sản phẩm nào cũng là 7 ngày với phân bón và 10 ngày với thuốc bảo vệ thực vật, dù đó là phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật gì. Trong khi có những loại phân bón, yêu cầu thời gian cách ly chỉ 3 ngày hay thuốc bảo vệ thực vật yêu cầu cách ly 14 ngày.
Ngoài ra, các thông tin truy xuất chưa có đầy đủ dữ liệu về ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao. Thậm chí một sản phẩm có thông tin truy xuất nguồn gốc rất bài bản là vải thiều Hải Dương, khi quét tem truy xuất nguồn gốc cũng không có các thông tin đầy đủ về sự tham gia của các bên trong chuỗi cung ứng, không có đơn vị sơ chế, vận chuyển.
Để khắc phục những điều này, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia đang phát triển, hoàn thiện hệ thống Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia NBC-TRACE. Hiện đã có trên website và app trên điện thoại.
Tại đây có sự tham gia của tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ… Mục đích nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.