Lép vế trên “sân nhà”
Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay tổng giá trị NK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt gần 21 tỷ USD – tăng gần 10% so với cùng kỳ. Các mặt hàng NK tăng mạnh là thủy sản, lúa mỳ, rau quả và sản phẩm chăn nuôi… Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Thương mại tự do (FTA) hàng hóa NK được hưởng thuế suất ưu đãi, hàng ngoại ồ ạt nhập về với giá rẻ hơn nhiều so với mặt hàng trong nước. Trước nguy cơ đó, nếu chúng ta không thay đổi tư duy sản xuất, chắc chắn nông sản Việt sẽ thua ngay trên chính “sân nhà”.
Dạo qua các hệ thống phân phối hiện đại, cũng như các siêu thị: Big C, Fivimart, Vinmart, Aone, Lotte Mart, Intimex hay cửa hàng tiện ích… các mặt hàng nông sản nhập ngoại bày bán tràn lan, đặc biệt là tại siêu thị của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Chị Nguyễn Thanh Tình – Giám đốc ngành hàng của siêu thị Intimex cho biết, hệ thống siêu thị Intimex thường nhập các loại rau quả tươi như: Chà là, cherry từ Mỹ; chôm chôm, xoài, măng cụt, sầu riêng từ Thái Lan; lựu từ Ai Cập; ổi từ Đài Loan; các mặt hàng thủy sản nhập từ Ấn Độ, Na Uy, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc; rau nhập từ Hàn Quốc, Australia…
- “Muốn nâng cao giá trị nông sản, Nhà nước cần có những ưu đãi cho DN, bởi đây chính là động lực để phát triển nông nghiệp. Đồng thời, muốn xây dựng chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng nông sản, nhất thiết phải phụ thuộc vào DN nông nghiệp. Bởi chỉ có DN nông nghiệp đầu tư mới thay đổi cấu trúc nông nghiệp địa phương. Ngoài ra, để phát triển chuỗi giá trị nông sản các địa phương cần tìm cách thu hút các DN đến đầu tư. Vì chỉ cần một DN đầu tư thành công sẽ thay đổi cả vùng sản xuất của địa phương…” – ông Nguyễn Ngọc Quang cho biết.
Có thể thấy, một số rau quả NK đang bày bán tại các hệ thống phân phối hiện đại, siêu thị như: Ổi, chôm chôm, xoài, măng cụt sầu riêng… đang được trồng rất nhiều tại Việt Nam, thậm chí không ít mặt hàng còn XK đi rất nhiều nước trên thế giới.
Tình trạng này dẫn tới các sản phẩm của Việt Nam phải đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh ngay trên chính “sân nhà”. Chúng ta đều hiểu, theo quy tắc thị trường khi đã mở cửa hội nhập, việc NK là hiển nhiên. Nhưng điều đáng quan ngại nhất đối với các mặt hàng nông sản Việt khi XK chắc chắn sẽ bị các nước dựng lên hàng kỹ thuật khắt khe, với hàng loạt các yêu cầu như: Nông sản phải đảm bảo an toàn, chất lượng… Ngược lại, khi NK chúng ta chưa tạo được những hàng rào như họ, mà cho nhập ồ ạt, rất khó kiểm soát, đặc biệt đối với các mặt hàng được nhập từ Trung Quốc.
Cần có chiến lược phù hợp
Trước tình trạng NK hàng nông sản ồ ạt như hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Quang – Chủ tịch Hiệp hội Các DN vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn Việt Nam cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải có một chiến lược sản xuất phù hợp, đặc biệt là phải gắn dịch vụ với sản xuất nông nghiệp. Những dịch vụ đầu vào phục vụ cho nông nghiệp phải có giá thành rẻ, khi đó giá thành sản xuất mới thấp, chất lượng mới tốt. Để làm được điều này cần phải có sự tham gia của các DN, có công nghệ then chốt và đặc biệt cần nắm bắt thị trường nhanh nhạy...
Theo ông Quang, xu thế tiêu dùng của thế giới ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, nhiều loại nông sản của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Chẳng hạn như gạo, tuy giá gạo XK của nước ta khá thấp so với thế giới, nhưng thị trường XK lại đang ngày bị thu hẹp vì mất vào tay một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Myanmar, thậm chí cả Campuchia... Nguyên nhân chủ yếu vẫn là chúng ta bán dưới dạng theo tỷ lệ tấm, trong khi các nước như Thái Lan, thậm chí là cả Campuchia có thương hiệu gạo nổi tiếng và hiện đang có mặt ở hầu hết các siêu thị trên khắp thế giới.
Cũng giống như gạo, tỷ lệ chế biến của các loại nông sản Việt Nam khác như: Hạt điều, cà phê, cao su, hồ tiêu… là rất nhỏ, mà chúng ta vẫn chỉ XK dưới dạng thô là chủ yếu, nên giá bán so với các nước khác rất thấp, thậm chí có sản phẩm còn phải lấy thương hiệu của nước ngoài để XK. Đây là một thiệt hại lớn đối cho nền kinh tế Việt Nam, bởi không phải chỉ kim ngạch XK thấp mà còn là sự lãng phí trong việc sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao vì không tạo cơ hội để họ đóng góp chất xám vào sản xuất…