Nông sản Việt loay hoay xây dựng thương hiệu

GD&TĐ - Xuất khẩu nông sản những năm gần đây luôn tăng về lượng, nhưng phần lớn vẫn ở dạng thô, kim ngạch thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. 

Nông sản Việt loay hoay xây dựng thương hiệu

Không những thế, việc giữ gìn thương hiệu cũng đang đối mặt với nhiều bất cập, thậm chí không ít thương hiệu còn bị “đánh cắp”, hoặc phải mượn thương hiệu để có thể tiêu thụ tại thị trường thế giới...

Những bất cập cần tháo gỡ

Hiện Việt Nam có 10 sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu chính, trong đó 8 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm... Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hiện nay, hầu hết đều đang xuất khẩu ở dạng thô (chiếm 90%).

Bên cạnh đó, khoảng 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, không có logo, nhãn mác. Thậm chí, nhiều sản phẩm đang bày bán trên thị trường thế giới còn phải “mượn” thương hiệu nước ngoài… Những tồn tại đó đã khiến nông sản Việt khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại tại thị trường trong nước cũng như ngoài nước.

Nói về vấn đề này, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng thương hiệu nhưng vẫn “mạnh ai nấy làm”. Người dân và doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ dẫn đến thiếu sự đầu tư chuyên sâu, chưa chuyên nghiệp trong quảng bá, xây dựng và bảo vệ thương hiệu...

Theo các chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu vốn nhiều bất cập, nhưng để giữ gìn lại càng vướng mắc. Bởi thời gian qua, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã có “tên tuổi” nhưng chủ yếu phụ thuộc vào cá nhân, số lượng ít, thiếu kinh phí nên việc giữ gìn hình ảnh càng gian nan.

Chẳng hạn như tỉnh Hà Nam xây dựng thương hiệu chuối ngự Đại Hoàng vốn có từ lâu đời, nhưng sản phẩm lại bán nhiều nhất tại tỉnh Nam Định khiến người tiêu dùng lầm tưởng chuối ngự Đại Hoàng có xuất phát từ Nam Định...

Điều này cũng không mấy khó hiểu, bởi hiện việc quản lý chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu đều giao cho chính quyền địa phương hoặc các hiệp hội sản xuất ở địa phương quản lý (nơi có sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý).

Trong khi đó, năng lực kiểm soát chất lượng sản phẩm của cơ quan này rất yếu, dẫn tới tình trạng thương hiệu sau bao kỳ công xây dựng lại rơi vào nguy cơ bị mai một hoặc không có “chỗ đứng”... Chưa kể, một số nơi còn buông lỏng quản lý nên vô tình đã tạo cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn hoặc núp bóng thương hiệu để trục lợi.

Cần một giải pháp đồng bộ

Có thể khẳng định, thương hiệu là yếu tố sống còn của nông sản Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, bởi đó là nền tảng để xác định rõ nguồn gốc và duy trì, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là tạo dấu ấn trong tâm trí người tiêu dùng.

Theo đại diện Bộ NN&PTNT, để nông sản Việt Nam ngày càng có uy tín trên thị trường thế giới, các cơ quan chức năng khi xây dựng thương hiệu cần lựa chọn một số mặt hàng chủ lực và có thế mạnh để tập trung đầu tư, không làm dàn trải... Hiện Bộ NN&PTNT đang tập trung vào 5 mặt hàng có thế mạnh để đầu tư xây dựng thương hiệu trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, gồm: Xoài, thanh long, chè, cà phê, cá tra.

Tuy nhiên, để triển khai việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực các ngành, địa phương cần thực hiện một số giải pháp cơ bản.

Ưu tiên đầu tư các mặt hàng nông sản có thế mạnh của địa phương và phục vụ xuất khẩu, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng các nguồn hỗ trợ nhằm phát huy tiềm lực về đất đai, tài chính, khoa học - kỹ thuật để phát triển thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy sự liên kết giữa “bốn nhà” (nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân) để tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần hoàn thiện các quy định pháp lý về thương hiệu, như các thuật ngữ về thương hiệu, nhãn hiệu sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật cần được thống nhất, chung một cách hiểu; xây dựng chương trình tổng thể về phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, trong đó bao gồm đầy đủ các hướng dẫn thực hiện về lộ trình, các công cụ tài chính, kỹ thuật, cơ chế phối hợp, hệ thống chia sẻ, xác định thị trường, ngành hàng tập trung xây dựng thương hiệu… một cách khả thi, áp dụng thực tiễn để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện...

Việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu là vấn đề quan trọng và cần thiết đối với hàng hoá nói chung và nông sản nói riêng. Bởi vậy, bên cạnh vai trò quản lý, hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp cần có nhận thức đầy đủ về thương hiệu để nông sản Việt Nam có vị thế ngày càng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

EU thừa nhận sốc về tiêu chuẩn kép

EU thừa nhận sốc về tiêu chuẩn kép

GD&TĐ - Đại diện EU đã thừa nhận về tiêu chuẩn kép của châu Âu, điển hình là trong xử lý các vấn đề liên quan đến các cuộc xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas.
Cô và trò Trường Tiểu học Triệu Ái thành kính dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ. Đức

Tháng 5 nhớ Bác...

GD&TĐ - Nhiều năm qua, Đền thờ Bác Hồ ở thôn Hà Xá (Quảng Trị) trở thành nơi tham quan, học tập của học sinh nhằm tưởng nhớ Người...
Minh họa/INT

Cảm ơn thầy đã 'thắp lửa'!

GD&TĐ - Lá thư này, em gói ghém tình cảm, kỉ niệm, niềm vui thầy trò trong năm học lớp 12 tuyệt vời, dành tặng thầy.