Loài thủy quái đầu trọc kỳ bí trong truyền thuyết Nhật Bản

Chiếc đầu đen to lớn của loài thủy quái bất ngờ nổi lên từ đáy đại dương, nhấn chìm chiếc thuyền của bạn nếu vô tình làm phiền đến chúng.

Loài thủy quái đầu trọc kỳ bí trong truyền thuyết Nhật Bản

Các thủy thủ tại vùng biển Nhật Bản từ lâu đã lưu truyền câu chuyện về một loài thủy quái đáng sợ mang tên Umibozu.

Sinh vật này thường hiện lên đột ngột từ một vùng nước trước đó vốn rất yên bình và không hề có dấu hiệu của sự nguy hiểm nào.

Nếu các thủy thủ vô tình đi thuyền vào khu vực mà Umibozu sinh sống và làm phiền đến chúng thì từ dưới mặt nước - những chiếc đầu đen to lớn sẽ xuất hiện, rung lắc mạnh con thuyền.

Với kích thước khổng lồ, chiều cao khi nổi tới hàng chục mét - sức mạnh kinh hoàng của Umibozu đủ để bẻ đôi một con tàu, kéo tất cả thủy thủ đoàn xuống đại dương sâu thẳm.

Từ những câu chuyện truyền thuyết về thủy quái Umibozu…

Umibozu trong tiếng Nhật mang ý nghĩa là một “nhà sư trên biển”. Tên gọi này xuất phát từ hình dạng chiếc đầu tròn, nhẵn khổng lồ của loài thủy quái.

Nhiều nguồn tin kể rằng, Umibozu là hiện thân của linh hồn các nha sư bị chết đuối. Điều này cũng phù hợp với dáng vẻ khi xuất hiện của chúng: một chiếc đầu trọc cùng tư thế cầu nguyện.

Umibozu được miêu tả có tính cách vô cùng quái dị
 Umibozu được miêu tả có tính cách vô cùng quái dị

Umibozu thường được miêu tả có cơ thể màu xám, chiếc đầu tròn với cặp mắt to. Phần thân bên dưới giống như một đám mây, còn tay chân thì ngoằn ngoèo như những con rắn khổng lồ. Không những thế, chúng được mô tả là có tính cách vô cùng kì dị.

Ngoài hình dạng cổ điển trên, loài thủy quái này còn có khả năng ngụy trang thành nhiều hình dạng khác như một chú cá nhà táng hay thậm chí người phụ nữ xinh đẹp nhằm dụ dỗ các thủy thủ cùng xuống nước vui đùa, sau đó nhấn chìm họ.

Bên cạnh đó, nhiều văn bản ở một vài vùng khác trên nước Nhật còn ghi lại những cuộc chạm trán với Umibozu. Cụ thể là vào thời kì Kansei (1789-1801), một tài liệu ghi lại báo cáo về việc thủy quái Umibozu nổi lên trên mặt biển trong vòng ba ngày liên tiếp rồi mới chịu chìm xuống.

Hay vào năm thứ 21 thời Thiên hoàng Minh trị (1888), báo Miyako Shinbun đưa tin về việc một người trông thấy sinh vật lạ có chiều dài khoảng 2,4m. Sinh vật này có màu nâu sáng, đôi mắt cam, miệng trông giống cá sấu, chiếc đuôi giống tôm và phát ra âm thanh như một con bò.

Chưa hết, báo cáo gần đây nhất là trên tờ Mainichi Shinbun vào năm 1971 thuật lại việc một thuyền đánh bắt cá ngừ gần New Zealand khi đang kéo thành quả của mình thì phát hiện một sinh vật khổng lồ trồi lên từ dưới biển sâu. Sinh vật này được miêu tả có màu nâu, làn da nhăn nheo, với đường kính đôi mắt khoảng 15cm.

Tuy nhiên, do chỉ nổi một phần cơ thể lên mặt nước, phần còn lại ẩn dưới làn nước biển nên các ngư dân ước tính, phần cơ thể chìm dưới nước có thể lớn hơn bất kỳ loài động vật nào từng được biết trên Trái đất.

… và lời giải thích từ các nhà khoa học

Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng, Umibozu là sự hiểu lầm của con người đối với sự xuất hiện của một số hiện tượng tự nhiên hay sinh vật biển khổng lồ.

Nhiều nhà khoa học tin rằng, hình dạng của “Thunderhead” - một tầng các đám mây đen chồng lên nhau khi xuất hiện cơn giông ở ngoài biển xa - là gợi ý cho chiếc đầu khổng lồ của thủy quái này.

Ngoài ra, vào đầu thập niên 1850, nhà động vật học người Đan Mạch - Japetus Steenstrup đưa ra giả thiết cho rằng, Umibozu là loài mực khổng lồ có tên khoa học là Architeuthis.

Theo ông, phần đầu của loài mực này có thể đã bị nhầm thành đầu của nhà sư, còn các xúc tu khổng lồ là tay và đuôi của quái vật.

Umibozu rất có thể là một chú mực khổng lồ (ảnh minh họa).
 Umibozu rất có thể là một chú mực khổng lồ (ảnh minh họa).

Giả thiết này thực chất cũng khá hợp lý, bởi loài mực khổng lồ (kích cỡ khoảng 10 - 13m) thường được tìm thấy tại các vùng biển Nhật Bản. Đồng thời, ngoại hình của nó cũng khá tương đồng với các miêu tả về Umibozu - như có cánh tay “ngoằn ngoèo” và kích cỡ của một con quái vật.

Một số ý kiến khác cho rằng, Umibozu thực chất là phần dù của các loài sứa khổng lồ khi nổi lên đột ngột từ đáy biển. Tuy nhiên, loài này lại không có khả năng tấn công tàu thuyền, nên không nhiều người tin vào lý giải này.

Ứng cử viên gần đây nhất mà các nhà khoa học nghi ngờ chính là một hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp có tên “sóng quái vật”. Thực chất, chúng là các con sóng lớn và xuất hiện một cách bất ngờ trên bề mặt đại dương, có khả năng đánh chìm dễ dàng cả các con tàu lớn.

Các con “sóng quái vật” mới phát hiện gần đây được xem là ứng cử viên nhiều tiềm năng cho hình tượng thủy quái Umibozu.

Hiện tượng thiên nhiên này trước đây chỉ được xem là truyền thuyết cho tới khi có ghi nhận thực tế vào năm 1995 tại ngoài khơi bờ biển Na Uy. Theo các chuyên gia, những đặc điểm của “sóng quái vật” rất phù hợp với mô tả về Umibozu trong truyền thuyết Nhật Bản.

Với những lý lẽ mà các nhà khoa học đưa ra, liệu đã có thể thuyết phục bạn về việc Umibozu chỉ là loài thủy quái được tạo ra bởi trí tưởng tượng của con người chưa? 

Hay bạn vẫn một mực tin rằng, đâu đó dưới đáy đại dương kia vẫn tồn tại những bóng ma khổng lồ, sẵn sàng đánh chìm bất kỳ chiếc thuyền xấu số nào cả gan làm phiền chúng. Câu trả lời hoàn toàn thuộc về bạn.

Theo Trí thức trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.