Loài dơi tiết lộ bí mật của não bộ về khả năng giao tiếp xã hội

GD&TĐ - Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học đã cung cấp cái nhìn đầu tiên về cách bộ não của động vật có vú xử lý những loại tương tác phức tạp.

Dơi thường tương tác theo nhóm.
Dơi thường tương tác theo nhóm.

Các nhà khoa học thần kinh tại Đại học California, Berkeley, đã sử dụng thiết bị thần kinh không dây. Nhờ đó, theo dõi hoạt động não bộ của dơi quả Ai Cập khi chúng tự do tương tác theo nhóm và giao tiếp với nhau thông qua những tiếng rít.

Tác giả công trình Maimon Rose - nghiên cứu sinh tại Phòng thí nghiệm NeuroBat tại UC Berkeley cho biết: “Nhiều loài động vật có vú, bao gồm cả con người, thường tương tác theo nhóm”.

Các nhà khoa học đã theo dõi phát âm và đo hoạt động thần kinh ở dơi. Từ đó, có thể giải mã cách tế bào thần kinh trong vỏ não trước trán của dơi phân biệt giữa âm thanh do chúng tạo ra và từ đồng loại.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, hoạt động của não có sự tương quan cao khi một con dơi phát ra âm thanh. Đáng ngạc nhiên, sự giao tiếp từ những con dơi “thân thiện” tạo ra mức độ tương quan cao hơn trong não.

Giống như con người, dơi quả Ai Cập là sinh vật có tính xã hội cao.

“Những con dơi này sống rất lâu, khoảng 25 năm. Về cơ bản, toàn bộ cuộc đời chúng được dành cho cuộc sống xã hội này. Vì vậy, khả năng sống chung trong một nhóm và giao tiếp với nhau là đặc điểm cố hữu trong cuộc sống của dơi”, nhà khoa học Michael Yartsev - Giáo sư trợ lý Sinh học thần kinh và kỹ thuật tại UC Berkeley cho biết.

Ngay cả trong môi trường phòng thí nghiệm, dơi cũng thích sự thoải mái từ đám đông. Đáng chú ý, dơi quả Ai Cập dường như chỉ giao tiếp khi chúng tụ lại với nhau. Thói quen này khiến dơi trở thành đối tượng lý tưởng để nghiên cứu.

Bởi, nếu một con dơi kêu khi ở cùng bầy đàn, rất có thể, tiếng gọi đó là dấu hiệu cho thấy hành vi giao tiếp xã hội của loài dơi đang diễn ra. Tuy nhiên, hành vi này cũng đặt ra thách thức cho nhóm nghiên cứu.

Đồng tác giả Boaz Styr -  nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại NeuroBat Lab, cho biết: “Một vấn đề lớn là cố gắng xác định loài dơi nào phát ra tiếng kêu. Bởi, chúng dành thời gian trong các nhóm lớn và đôi khi che khuất nhau.

Mặc dù chúng tôi có camera độ phân giải cao ghi ở các góc khác nhau và rất nhiều micro xung quanh, nhưng thật khó để xác định chính xác con dơi nào đang kêu tại thời điểm nhất định”.

Các nhà khoa học cho biết, hiểu được lý do một số cá nhân có thể điều hướng tình huống xã hội dễ dàng, trong khi những người khác thường xuyên bị tẩy chay, có thể mang lại ý nghĩa lớn đối với việc cải thiện sức khỏe tâm thần ở con người.

Nhà nghiên cứu Yartsev bày tỏ hy vọng nghiên cứu sẽ truyền cảm hứng cho các nhà khoa học thần kinh. Từ đó, có cái nhìn toàn diện hơn về giao tiếp nhóm trong các loài động vật có vú khác.

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...