Động lực và niềm tin vào tự chủ đại học

GD&TĐ - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019. Theo đó, tự chủ là một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất.

Tự chủ đại học là yêu cầu tất yếu trong xu thế hội nhập quốc tế trong giáo dục
Tự chủ đại học là yêu cầu tất yếu trong xu thế hội nhập quốc tế trong giáo dục

Bên cạnh tâm thế sẵn sàng đón nhận của nhiều trường đại học, thì cũng có những trường vẫn còn băn khoăn lo lắng khi thực hiện tự chủ. Những chia sẻ kinh nghiệm của các trường đã và đang thực hiện tự chủ cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn; đồng thời, giúp các trường khác có thêm niềm tin và động lực để thực hiện.

Không phân định công - tư

Là một trong những đơn vị công lập đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ từ những năm 90 của thế kỷ trước, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung - Phó Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội chia sẻ, ngay từ khi mới bắt đầu thành lập, Viện đã được Nhà nước giao cho tự chủ về chi thường xuyên. Bài toán đặt ra cho nhà trường tại thời điểm đó là đảm bảo các mục tiêu, sứ mệnh và điều kiện đảm bảo chất lượng trong điều kiện nguồn lực chưa thật sự tốt.

Theo đó, Viện đã giải quyết bài toán đó bằng các giải pháp sau: Thứ nhất, vấn đề về nhân sự. Với nguồn kinh phí hạn hẹp không cho phép nhà trường tuyển dụng ồ ạt đội ngũ cán bộ cơ hữu. Thay vì tuyển dụng cơ hữu, Viện đã ký hợp đồng thỉnh giảng với những đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi về phục vụ cho nhà trường. Vì thế tổ chức bộ máy của nhà trường rất gọn nhẹ nhưng vẫn tạo ra chất lượng và tạo được lòng tin đối với xã hội. Từ đó thu hút được người học.

Thứ hai, xác định rõ ràng đối tượng mà nhà trường hướng tới. Thời điểm đó, đa số các trường học hướng tới đối tượng là các em học sinh THPT nhưng Viện Đại học Mở Hà Nội xác định, đối tượng tuyển sinh là những người đã có công ăn việc làm, thậm chí là những người đã có bằng cấp nhưng thật sự có nhu cầu được trang bị kiến thức, được đào tạo bài bản. Cho đến nay, Viện vẫn theo đuổi mục tiêu, xác định đối tượng rõ ràng như vậy và cũng đã thực hiện tốt việc đó.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho các cơ sở GD cạnh tranh, phát triển
  • Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho các cơ sở GD cạnh tranh, phát triển

Thứ ba, Viện Đại học Mở cũng nhận thức rõ ràng, thay vì đưa người học đến với mình, thì Viện sẽ mang lớp học đến với người có nhu cầu cần học. Thời gian qua, Viện Đại học Mở Hà Nội đã huy động rất tốt các nguồn lực từ xã hội trong điều kiện trường chưa được đầu tư thỏa đáng về điều kiện cơ sở vật chất. Viện đã huy động nguồn lực đó từ các đơn vị liên kết nằm rải rác trên khắp cả nước, những nơi nào có thể đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất là Viện có thể mang lớp học đến cho người có nhu cầu học. Đó là một đặc thù của Viện Đại học Mở Hà Nội khác so với một số trường công lập khác.

Nhận xét về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung cho rằng, Luật đã xác định mục tiêu tạo môi trường pháp lý cho các trường đại học, kể cả trường công cũng như trường tư. Tạo môi trường pháp lý bình đẳng là đều cần thiết cho tất cả các lĩnh vực và lĩnh vực giáo dục cũng không phải ngoại lệ. Các quy định trước đây hầu như có sự phân định rõ ràng về cơ sở giáo dục công - tư; lần này quy định đối với các cơ sở đào tạo đều có chung một tiêu chí, đặc biệt nhấn mạnh tới những tiêu chí về chuyên môn học thuật và đảm bảo chất lượng đào tạo.

Đó cũng là sự sàng lọc tự nhiên, những cơ sở giáo dục không đáp ứng được yêu cầu để đảm bảo chất lượng sẽ phải tự đào thải trong cuộc cạnh tranh hết sức lành mạnh và bình đẳng này. Điều này sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và khắt khe của thị trường năng động, đáp ứng được các kỳ vọng xã hội. Khi Luật có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho trường tư thục phát triển tốt, phát huy được hết tiềm năng, nguồn lực, đồng thời thúc đẩy được xã hội hóa về giáo dục.

Vai trò quản trị của các trường ĐH sẽ không còn bó hẹp trong phạm vi quản lý Nhà nước
 Vai trò quản trị của các trường ĐH sẽ không còn bó hẹp trong phạm vi quản lý Nhà nước

Trao quyền lớn cho Hội đồng trường

Cũng là một trong 23 trường thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện về mặt đào tạo, tổ chức, tài chính. PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, kết quả tự chủ về cả 3 mặt đã có được thành công nhất định.

Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên lý tiến tới thí điểm tinh thần tự chủ này xuất phát từ một mô hình quản trị đại học trên thế giới, coi trường đại học không như doanh nghiệp mà sở hữu của trường là của cả cộng đồng xã hội. Trong đó, bản thân sinh viên vào học sẽ có quyền yêu cầu nhà trường phải làm thế nào phục vụ tốt nhất mục tiêu của người học. Các doanh nghiệp xã hội là những người sử dụng sản phẩm của nhà trường có vai trò tác động để các trường tạo ra sản phẩm phù hợp nhất với yêu cầu sử dụng lao động của mình.

 

Để thực hiện được điều này, tôi cho rằng cần có sự đồng bộ, nhất quán trong rất nhiều quy định, đặc biệt là các quy định của các Luật chuyên ngành liên quan. Ví dụ: Luật Viên chức, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học và Công nghệ... Vì thế, bước tiếp theo là rà soát và sửa đổi các quy định liên quan của các Luật chuyên ngành. Qua đó tạo được hành lang pháp lý thống nhất và chặt chẽ để áp dụng thực hiện trên thực tế.


PGS.TS Nguyễn Thị Nhung

Với người học không phải học xong là xong, mà họ sẽ quay trở lại giám sát để nhà trường phải làm như thế nào đó nhằm nâng cao uy tín và danh tiếng. Từ đó giá trị văn bằng của họ cũng được tăng lên. Khi ấy, vai trò quản trị của nhà trường không phải chỉ là Nhà nước mà là những thực thể xã hội, cho nên không cần thiết một cơ quan chủ quản đứng ra như một doanh nghiệp. Mô hình thời gian tới các trường đã được giao là để thực hiện mục tiêu đó.

Hiện nay về cơ bản, đề án đã được định hình và đang trình lên Chính phủ phê duyệt. Tinh thần là trao quyền lớn cho Hội đồng trường, thực hiện không chỉ là chức năng quản trị các hoạt động trong nhà trường mà còn đại diện cho tiếng nói của người học, tiếng nói của các doanh nghiệp cộng đồng xã hội, tiếng nói của học sinh, sinh viên trong việc quyết định phương hướng phát triển, sử dụng nguồn lực phù hợp, hiệu quả.

Khi đó, hoạt động của nhà trường không phụ thuộc vào cơ quan quản lý Nhà nước, mà cơ quan quản lý Nhà nước chỉ đóng vai trò đúng nghĩa là thay mặt xã hội để kiểm tra, giám sát xem các cam kết, tuyên bố của trường có thực hiện đúng quy định hay không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.