Tháo gỡ những điểm nghẽn trong tự chủ đại học

GD&TĐ - “Trao quyền tự chủ thực sự và đầy đủ trong mối quan hệ xác định rõ quyền và trách nhiệm xã hội của các trường ĐH, cả ĐH công lập và ĐH tư thục, hết lòng ủng hộ và tạo điều kiện cho các trường ĐH tư thục phát triển sẽ là giải pháp chiến lược, là thước đo trình độ quản lý, sự đổi mới của đất nước đối với sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ĐH của Việt Nam trong điều kiện hiện nay”. GS.TS Nguyễn Ngọc Phú.

Tháo gỡ những điểm nghẽn trong tự chủ đại học

Đề cập đến các nội dung chủ yếu của tự chủ trong giáo dục ĐH: Tự chủ về tổ chức - quản trị, tự chủ về nhân sự, tự chủ về tài chính và tự chủ về học thuật, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam đồng thời đề xuất 7 kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền nhằm thực hiện tốt tự chủ ĐH cũng như góp phần thúc đẩy, phát triển nền giáo dục ĐH Việt Nam.

Cần hiểu tự chủ cho đúng

ĐH muốn phát triển, phải được tự chủ. Khẳng định điều này, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú đồng thời cho rằng, cần hiểu tự chủ thế nào cho đúng. Về nội hàm thuật ngữ tự chủ trong giáo dục đại học (GDĐH), có nhiều nội dung liên quan, nhưng có thể nói, có 4 nội dung tối quan trọng, gồm: Tự chủ về tổ chức - quản trị; tự chủ về nhân sự; tự chủ về tài chính; tự chủ về học thuật. Các tiêu chí trong các nội dung này phải phù hợp với các luật pháp Nhà nước hiện hành.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú nhấn mạnh tự chủ về học thuật là nội dung tối quan trọng của giáo dục ĐH, liên quan đến uy tín và cuộc sống nội sinh của các ĐH. Giá trị đích thực, thương hiệu của các ĐH phụ thuộc vào thực hiện tự chủ về học thuật ở mức độ nào. Không có tự chủ về học thuật, trường ĐH sẽ chẳng khác như một cỗ máy, rập khuôn theo một mẫu định sẵn, đào tạo ra các lớp người chỉ biết vâng lời, không còn sáng tạo. Tự chủ về tài chính cũng có vị trí rất quan trọng.

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, tự chủ của các trường ĐH liên quan mật thiết đến trách nhiệm xã hội. Thứ nhất, trường ĐH có trách nhiệm giữ cho nhà trường ổn định, cũng là góp phần giữ cho xã hội ổn định. Thứ hai, trường phải có trách nhiệm tổ chức hoạt động có hiệu quả, chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng tăng tham gia đào tạo nhiều nguồn nhân lực tốt nhất cho đất nước; và điều cần lưu ý tới là trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình đóng góp tốt nhất cho phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước thích hợp theo từng giai đoạn cụ thể do xã hội, đất nước đòi hỏi.

Trách nhiệm xã hội của trường ĐH cần được thể hiện cụ thể ở trách nhiệm đối với đất nước, xã hội, với chính người học, với đội ngũ nhân sự mà mình xây dựng, và với chính tiền đồ, sứ mạng do nhà trường đặt ra. Trên thực tế, trường ĐH nào thực hiện tốt quyền tự chủ của mình đúng với nghĩa cần có của nó, điều đó cũng đồng nghĩa với việc trường đó đã thực sự làm tốt trách nhiệm xã hội của họ.

Vướng mắc chính hiện nay là ở chỗ các trường ĐH thực hiện quyền tự chủ của mình như thế nào? Nhắc đến điều này, GS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng, tự chủ được, đứng vững được trong thế tự chủ này - đây là bước tự lột xác mình thoát khỏi sự trì trệ của cơ chế quan liêu bao cấp, dựa dẫm, ỷ lại, xin - cho. Để tự chủ được, Hội đồng trường, Hiệu trưởng phải tự củng cố lại mình, điều chỉnh mục tiêu, sứ mạng, sắp xếp lại nhân sự… Sẽ có thể xảy ra, có trường có thể tự nguyện tìm đến xin hợp nhất vào các trường khác. Có trường phải tự quyết định giải thể, không chờ đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định giải thể.

7 kiến nghị thúc đẩy giáo dục ĐH

Để góp phần thúc đẩy, phát triển nền giáo dục ĐH Việt Nam, GS Nguyễn Ngọc Phú đề xuất 7 kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Thứ nhất: Nhà nước, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần bình đẳng hơn trong cách nhìn nhận giữa các trường ĐH công lập và các trường ĐH tư thục. Cần xem các trường ĐH tư thục như một lực lượng tất yếu tham gia cân bằng nền giáo dục ĐH, rộng hơn là lực lượng tham gia cân bằng cán cân nền giáo dục nước nhà. Trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH, các văn bản chính sách của Nhà nước phải thể hiện được tinh thần hết lòng ủng hộ, tạo điều kiện cho các trường thuộc hệ thống tư thục phát triển.

 Thứ 2: Đã đến lúc Quốc hội cần tính đến sửa đổi Luật Giáo dục ĐH, vì từ khi Luật Giáo dục ĐH ra đời đến nay đã được 5 năm và tình hình giáo dục ĐH nước nhà đã có những bước phát triển mới, những nội dung cũ không còn phù hợp.

“Trao quyền tự chủ thực sự và đầy đủ trong mối quan hệ xác định rõ quyền và trách nhiệm xã hội của các trường ĐH, cả ĐH công lập và ĐH tư thục, hết lòng ủng hộ và tạo điều kiện cho các trường ĐH tư thục phát triển sẽ là giải pháp chiến lược, là thước đo trình độ quản lý, sự đổi mới của đất nước đối với sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ĐH của Việt Nam trong điều kiện hiện nay”. GS.TS Nguyễn Ngọc Phú

Thứ 3: Điều 16 nói về Hội đồng trường (với trường ĐH công lập) và điều 17 nói về Hội đồng quản trị (với trường ĐH tư thục) - chỉ dùng một thuật ngữ “Hội đồng trường” là đủ. Gọi khác đi là có sự phân biệt và sự phân biệt này đã làm giảm uy tín, giảm thế đứng của các trường ĐH tư thục, một lực lượng chúng ta đang cần khuyến khích phát triển hiện nay.

Thứ 4: Để bình đẳng hơn, không nên đặt vấn đề phân tầng ĐH, chỉ nên nói phân chia các trường được định hướng theo các loại: ĐH định hướng nghiên cứu; ĐH định hướng ứng dụng; ĐH định hướng thực hành là đủ.

Thứ 5: Để tạo điều kiện hoạt động thuận lợi hơn cho các trường ĐH, nên bỏ cơ quan chủ quản các trường ĐH. Với các trường ĐH tư thục, Bộ GD&ĐT quản lý họ là được rồi, nay lại có thêm địa phương làm chủ quản, “một cổ nhiều tròng” như thế sẽ làm khó cho các trường tư thục, vốn đã không được ưu ái.

Thứ 6: Việc xếp hạng các trường ĐH cần phải bàn luận kỹ, tham khảo kỹ tiêu chí của nhiều nước đi trước ta đã làm, trong đó nên tính đến các tiêu chí, chẳng hạn: Được cộng đồng xã hội thừa nhận có uy tín; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm; tỷ lệ chất lượng sản phẩm được đào tạo… và phải do các tổ chức xếp hạng chuyên trách thực hiện.

Thứ 7: Với trường ĐH, Hội đồng trường là cơ quan tối cao thực hiện 4 quyền tự chủ như đã trình bày ở trên. Hội đồng trường bầu ra Chủ tịch hội đồng trường. Hội đồng trường bầu ra Hiệu trưởng. Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ