Đấu tranh để không tiêm vắc xin cho con
Chị Quỳnh Hoa ở Hà Nội cho biết tâm sự: “Em sinh con tháng 12/2016, trước và trong quá trình mang bầu em không tiêm bất kì một loại vắc-xin nào. Em sinh bé tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội. Sau sinh vẫn đang nằm hồi sức thì được các bác sĩ gọi cho con đi tiêm viêm gan B. Bà nội và bà ngoại bế cháu đi tiêm ngay và cháu được cấp sổ tiêm chủng theo chương trình TCMR và cứ hàng tháng đến lịch tiêm em phải đấu tranh với gia đình để giữ con không cho đi tiêm, nhưng phần nhiều thất bại.
Con em giờ được hơn 4 tháng đã tiêm viêm gan B, lao và một mũi 5 trong 1. Sắp tới lại chuẩn bị đến ngày tiêm 5 trong 1 mũi hai. Các anh chị khi quyết định không tiêm cho con đã gặp phải những trở ngại nào và cách các anh chị thuyết phục người thân của mình như thế nào ạ, cho em lời khuyên vì vợ chồng em cũng tranh luận đề tài này hàng ngày”.
Chị Quỳnh Hoa là một trong nhiều cha mẹ cho rằng vắc-xin không hoàn toàn an toàn cho trẻ em và không có hiệu quả phòng bệnh 100%, hơn nữa có một số loại vắc-xin có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của trẻ em. Vì thế, một số cha mẹ chỉ chọn lựa một số loại vắc-xin để tiêm cho con, một số thì không tiêm mũi vắc-xin nào cho con khi con dưới 2 tuổi, còn có một số cha mẹ không tiêm bất cứ một mũi vắc-xin nào cho con để con có được hệ miễn dịch tự nhiên.
Lý do họ từ chối vắc-xin vì tỷ lệ biến chứng dù rất nhỏ nhưng họ không muốn con họ rơi vào cái tỷ lệ mà bác sỹ cho rằng rất nhỏ đó. “Một đứa trẻ đối với thế giới thì chỉ là một con số thống kê nhưng đối với cha mẹ là cả một thế giới, họ không đánh cược mạng sống con họ bằng những mũi tiêm vắc-xin. Họ không muốn những điều không may mắn rơi vào con của mình khi mà điều đó có thể kiểm soát được” – là lý lẽ của những cha mẹ này.
Không tiêm vắc-xin cho con - cha mẹ cần cân nhắc thật kỹ
Tuy rằng nhiều trường hợp “không tiêm phòng cho con nhưng con vẫn khỏe mạnh bình thường” thật sự có tồn tại, nhưng hãy nhìn lại mặt bên kia của vấn đề, khi có rất nhiều trường hợp trẻ chết vì bệnh do bố mẹ không tiêm vắc-xin cho con.
Bác sĩ Phạm Nguyễn Quý hiện đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nhật Bản cho biết: “Gần đây đã có nhiều thảo luận thú vị về các mặt lợi hại của việc tiêm chủng. Nhiều ý kiến đã được đưa ra, từ nhẹ nhàng tới mạnh bạo nhưng nhìn chung, có thể nói gốc gác vấn đề nằm ở niềm tin vào những điều bất định. Bất định (uncertainty) cũng là một đặc tính quan trọng trong thực hành y học. Thật vậy, hầu như bất cứ nhận định nào trong y khoa cũng đều mang tính bất định và không chắc chắn.
Chẩn đoán thật ra là một vấn đề xác suất. Ví dụ khi bạn đi xét nghiệm và có kết quả dương tính, bạn có thật sự bị bệnh? Nhiều người hiểu lầm là mắc bệnh, nhưng trong thực tế thì phải nói là “có khả năng mắc bệnh cao” mới chính xác. Chúng ta thích sự chắc chắn và ngắn gọn nên nhận định “khả năng mắc bệnh cao” giản lược thành “mắc bệnh rồi” lúc nào không hay. Các can thiệp y khoa khác, từ tiêm chủng cho tới mổ xẻ đều như vậy, luôn kèm theo một sự bất định.
Người lớn thường thay mặt trẻ em đưa ra các quyết định y tế. Khi trẻ em ốm nặng mà không được mang đi khám, đó là một dạng vi phạm nhân quyền, đôi khi bị quy kết thành ngược đãi. Việc không cho trẻ chủng ngừa những thứ mà cộng đồng/chính sách khuyến khích mang mầm mống vi phạm nhân quyền. Việc tự ý cho trẻ em theo các phương pháp chưa có chứng cứ rõ ràng, dẫn tới việc bỏ lỡ cơ hội tiếp cận các can thiệp y tế tiêu chuẩn cũng là một vấn đề cần cân nhắc”.
Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn - Giám đốc Y khoa Bệnh viện Victoria Healthcare – đồng tác giả sách “Để con được ốm” chia sẻ: “Chích ngừa là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến tính mạng. Những người cổ súy cho anti-vaccine có lẽ chưa từng thấy số phận những bệnh nhân bị những bệnh đó như thế nào”.
Còn theo chị Minh Trang đang công tác ở VTV, thì “vấn đề nằm ở miễn dịch cộng đồng và tiếp xúc với mầm bệnh như thế nào. Không thể phủ nhận lối sống, cách ăn uống, thậm chí là tinh thần và nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của một cá nhân khi bị bệnh. Nhưng lối sống và cả việc vệ sinh cá nhân không thể tránh được trẻ sẽ bị bệnh bởi mầm bệnh vẫn có ở bên ngoài và vẫn có cơ hội tấn công trẻ.
Trẻ em không thể tự quyết định được việc chúng có được tiêm hay không, trách nhiệm của bố mẹ là đưa ra lựa chọn đó đúng đắn. Ở nước ta tỉ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp, dân cư đông đúc và thường xuyên di chuyển, khí hậu nhiệt đới nên là điều kiện rất thuận lợi để các dịch bệnh bùng phát, nguy cơ mắc bệnh rất cao. Bạn không thể cho con mình sống tách biệt hoàn toàn với cộng đồng, không tiếp xúc với ai để không có nguy cơ bị bệnh.