Sự gia tăng chủ nghĩa dân túy
Theo các cuộc thăm dò dư luận, Corbyn là người có nhiều khả năng nhất để trở thành Thủ tướng tiếp theo của Anh. Tuy nhiên, ông cũng là người có hàng loạt liên hệ với các nhóm cánh tả, với cái nhìn kém thiện cảm với người Do Thái. Sự thăng tiến của ông lên hàng ngũ lãnh đạo đảng Lao động đã mang theo quan điểm đó vào dòng chảy chính trị chính thống ở Anh cũng như của châu Âu.
Trong thập kỷ qua, châu Âu đã chứng kiến sự thành công ngày một tăng của các đảng chính trị cực hữu và cực tả. Tại Pháp, Mặt trận Quốc gia của Marine Le Pen đã gạt các bên truyền thống sang một bên và giành được hơn một phần ba số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống. Ở Đức, Giải pháp thay thế quốc gia Đức (AfD) giành được gần 10% số phiếu trong cuộc bầu cử cuối cùng và là đại diện đầu tiên của các đảng cực đoan trong quốc hội Đức (Bundestag) kể từ khi Đức Quốc xã sụp đổ. Ở Hy Lạp, đảng cánh tả cấp tiến Syriza điều hành chính phủ.
Những hiện tượng tương tự có thể được tìm thấy trên khắp châu Âu. Có thể nói, đây là một sự gia tăng kéo dài một thập kỷ của các đảng vốn trước đó bị giới hạn trong những phạm vi nhất định về ảnh hưởng và, tất nhiên, cả quyền lực. Một dấu ấn cho xu thế này là sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy mà Steve Bannon, nhà lãnh đạo cực hữu gây nhiều tranh cãi, đã chuyển sang châu Âu và tuyên bố đây là “lò luyện” cho tương lai của chính trị.
Có thể giải thích một cách đơn giản là kể từ sự sụp đổ của năm 2008 và cuộc suy thoái tiếp theo, một thứ bóng đen đã đổ xuống nền chính trị châu Âu. Cử tri trên toàn châu Âu nhận thấy các ngân hàng đã làm sụp đổ nền kinh tế toàn cầu, sau đó lại được trả tiền bằng tiền của người nộp thuế, nhưng hầu như không có ông chủ ngân hàng nào phải ra tòa, còn đời sống người lao động lại không có sự gia tăng có ý nghĩa nào trong suốt một thập kỷ. Các đảng đã được thành lập trước đó không chỉ bị các cử tri đổ lỗi vì đã có “sự đồng cảm” với giới ngân hàng trong cuộc khủng hoảng, họ còn bị chỉ trích vì đã không đưa ra giải pháp về chất cho các vấn đề kinh tế cơ bản.
Bước lấn sân của các đảng cực đoan
Sự lan truyền trong nền chính trị thật nhanh chóng. Trên khắp châu Âu, các đảng cực hữu và cực tả đã dịch chuyển dần tới trung tâm sân khấu chính trị, bằng cách cung cấp các giải pháp dân túy với sự hỗ trợ ngày càng tăng. Các đảng cực hữu hoặc cực tả này mang theo ý thức hệ của mình và lan truyền trong nền chính trị châu Âu, trong đó có một số thuyết nổi bật nhất là các thuyết âm mưu, bao gồm một trong những thuyết lâu đời và nguy hiểm nhất: Bài Do Thái.
Các lực lượng chính trị tương tự đã thúc đẩy sự nổi lên của các đảng cực đoan ở châu Âu có mặt ở Mỹ, và họ đã tạo ra một chính trị dân túy ở cả cánh tả và cánh hữu. Tuy nhiên, các đảng cực đoan này không tung ra chủ nghĩa chống Do Thái như ở châu Âu.
Nguyên nhân của sự khác biệt này là gì? Một phần, đó là sự độc quyền của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Các đảng này không chỉ gây sức ép lên các đảng còn lại, mà thật sự kìm hãm các đảng này khu vực rìa của bản đồ chính trị chính thống. Một phần nữa, đó là kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, khi Mỹ tự nhận sứ mệnh như một “sen đầm thế giới”, sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel hầu như không hề thay đổi. Điều này duy trì được có lẽ vì sự cảnh giác của cộng đồng Do Thái trong nước Mỹ đã thách thức và chống lại chủ nghĩa bài Do Thái bất cứ khi nào nó nổi lên; cũng như nhờ sự tham gia của người Do Thái trong cả hai đảng chính thống.