Bộ Quốc phòng Đức đề nghị bổ sung 3,8 tỷ euro vũ khí cho chiến sự

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Đức mong muốn được cấp số tiền 3,8 tỷ euro (khoảng 4,13 tỷ USD) để hỗ trợ Ukraine thông qua mua vũ khí.

Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius.
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius.

Tờ Bild của Đức dẫn các nguồn thạo tin cho hay, Bộ Quốc phòng Đức đã yêu cầu chính phủ bổ sung 3,8 tỷ euro (4,13 tỷ USD) để hỗ trợ Ukraine.

Tờ báo này cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã gặp Thủ tướng Olaf Scholz vào thứ Tư và với Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner vào thứ Năm. Các cuộc nói chuyện đề cập đến việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine.

Báo cáo chỉ ra rằng yêu cầu cấp vốn bổ sung sẽ được trình Quốc hội phê duyệt vào tháng 6 và cho biết thêm rằng Bộ Tài chính Đức đã ủng hộ yêu cầu này.

Một quan chức Bộ Tài chính nói với tờ báo: "Đức không nên thất bại trong việc tăng cường phòng thủ cho Ukraine. Nếu có thể, chúng ta nên cung cấp thêm vũ khí trong năm nay. Nếu đạt được sự đồng thuận trong chính phủ, chúng tôi sẽ tìm cách trong năm tài chính hiện tại".

Báo cáo lưu ý rằng vào năm tới, Bộ Quốc phòng Đức có thể yêu cầu số tiền kỷ lục 15 tỷ euro (16,3 tỷ USD) để giúp Kiev.

Thông tin chi tiết về gói hỗ trợ lên tới 3,8 tỷ euro chưa được công bố.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trong cuộc họp các Ngoại trưởng ở Pháp mới đây đã cho biết lực lượng vũ trang Ukraine cần nhiều vũ khí tầm xa hơn để có thể tấn công các mục tiêu sâu phía sau tiền tuyến trong bối cảnh Nga đang giành được nhiều thắng lợi trên chiến trường.

Bà nói rằng điều quan trọng là phải cung cấp vũ khí “có thể được sử dụng ở khoảng cách trung bình và xa".

Chi tiết này liên tưởng đến tên lửa tầm xa Taurus - loại vũ khí vẫn chưa được Thủ tướng Scholz chấp thuận cung cấp cho Kiev.

Những loại vũ khí này hiệu quả hơn so với các loại vũ khí do Anh và Pháp cung cấp trong việc nhắm mục tiêu vào các boongke và cầu được gia cố, có thể giúp Ukraine đạt được ưu thế trên chiến trường.

Có thông tin, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trong chuyến thăm Washington hôm 8- 9/5 đã đề xuất trả tiền mua Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Mỹ cho Ukraine. Phía Đức khẳng định sẽ trả tiền mua 3 hệ thống HIMARS từ kho dự trữ của Mỹ.

Đức vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ. Cho đến nay, Berlin đã phân bổ kinh phí hỗ trợ quân sự cho Kiev và cam kết chi tiêu như vậy trong tương lai trị giá khoảng 28 tỷ euro (30,4 tỷ USD).

Thủ tướng Olaf Scholz đã ngần ngại cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine vì sợ rằng sẽ kéo Đức sâu hơn vào cuộc chiến. Mỹ cũng đã đặt ra các hạn chế đối với vũ khí mà họ cung cấp cho Kiev, yêu cầu Ukraine không được sử dụng chúng để tấn công bên trong nước Nga.

Các nước phương Tây tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng sự hỗ trợ như vậy sẽ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo rằng bất kỳ hàng hóa nào chứa vũ khí cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của lực lượng Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ