Những người tự nhận là nhà giáo cũng có thể được cấp giấy chứng chỉ hành nghề

GD&TĐ - Những người tự nhận là nhà giáo có nhu cầu và đáp ứng được yêu cầu thì có thể được cấp giấy chứng chỉ hành nghề.

Ông Vũ Minh Đức chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Ông Vũ Minh Đức chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo

Tại Tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ GD&ĐT tổ chức, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, một trong những quy định được nêu tại dự thảo Luật Nhà giáo là: sẽ cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, từ đó đảm bảo việc chuẩn hóa đội ngũ này.

Chứng chỉ hành nghề cho giáo viên sẽ là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền cấp cho những người đạt tiêu chuẩn theo quy định. Những người đương nhiên được cấp chứng chỉ không cần qua sát hạch gồm tất cả giáo viên đang giảng dạy tại các trường công lập và ngoài công lập.

Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh, chứng chỉ hành nghề giáo viên nhằm nâng cao vai trò, vị thế của nhà giáo để phân biệt với các ngành khác, đặc biệt là phân biệt giữa những người đủ tư cách dạy học với những người không đủ tư cách dạy học nhưng tự nhận là nhà giáo.

Hiện, trên mạng có khá nhiều người tự xưng là nhà giáo nhưng không đủ tiêu chuẩn để trở thành nhà giáo. Chứng chỉ này góp phần nâng cao vị thế của nhà giáo đủ điều kiện tiêu chuẩn giấy phép hành nghề với những người khác.

Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, về nguyên tắc, nếu những người “tự nhận là nhà giáo” có nhu cầu và đáp ứng được yêu cầu thì có thể được cấp giấy chứng chỉ hành nghề.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề

Tại dự thảo Tờ trình của Bộ GD&ĐT gửi Chính phủ về dự án Luật Nhà giáo có nêu: Để có căn cứ pháp lý cụ thể, rõ ràng về người có “tư cách” nhà giáo, xứng đáng với danh xưng “nhà giáo”; đảm bảo nhà giáo là người đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, giáo dục tại cơ sở giáo dục và có khả năng hoạt động nghề nghiệp có hiệu quả và làm tăng niềm tự hào nghề nghiệp đối với những người được gọi là “nhà giáo”, dự thảo Luật quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Bên cạnh thuận lợi trong công tác quản lý nhà giáo thì chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo giúp nhà giáo thuận lợi hơn khi tham gia các hoạt động giảng dạy, giáo dục tại các quốc gia khác theo các chương trình hợp tác quốc tế về nhà giáo;

Đồng thời giúp nhà giáo thuận lợi cho việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục, giữa cơ sở giáo dục công lập và dân lập, tư thục; thuận lợi cho người quay trở lại làm nhà giáo sau một thời gian thực hiện nhiệm vụ công việc khác theo phân công của cơ quan có thẩm quyền...

Dự thảo Tờ trình cũng nêu một số nội dung quy định chính về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo như sau:

Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Mỗi nhà giáo được cấp 1 hoặc hơn 1 chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo gồm:

Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

Nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo;

Nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo (nếu có nhu cầu);

Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu.

Người có chứng chỉ hành nghề hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được công nhận tương đương với chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo khi được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bên ký kết và còn hiệu lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ