Cuộc sống “hai mang” của bà hoàng thời trang
Gabrielle Bonheur Chanel, thường được biết đến dưới tên gọi “Coco”, là một trong những biểu tượng thời trang nổi tiếng nhất thế kỷ 20, đồng thời cũng là nữ doanh nhân kinh doanh rất phát đạt. Coco Chanel là nhà thiết kế thời trang tiên phong, bà đã thay đổi cách ăn mặc của phụ nữ cũng như suy nghĩ về việc ăn mặc của bản thân họ.
Nhiều thập kỷ trôi qua, tên tuổi và thương hiệu của Coco đã được xem là chuẩn mực của thời trang Pháp. Người đàn bà chuyên trị y phục đen nên vì thế Coco còn có biệt danh là “Tiểu hắc y nhân”, và loại y phục này từng là niềm yêu thích của nhiều phụ nữ đương thời; mặt khác Coco Chanel còn nổi tiếng với các sản phẩm túi xách tay và thương hiệu nước hoa đình đám Chanel No.5.
Người phụ nữ tài hoa còn là đề tài cho các bộ phim và những tiểu thuyết sử học bất hủ, khai thác tối đa vào sự nghiệp và những thành tựu phi thường của Coco Chanel.
Nhưng danh tiếng thương hiệu của Coco Chanel còn có không ít lời xầm xì xoay quanh cuộc sống riêng tư của bà, rằng Coco bị nghi hoặc là một cảm tình viên kiêm điệp viên của Đảng Quốc Xã Đức trong suốt thời kỳ Đại chiến tranh thế giới thứ hai.
Theo nghiên cứu của nhà báo kiêm tác giả người Pháp, ông Hal Vaughan, nhà thiết kế đại tài (ý nói Coco Chanel) là một cảm tình viên “bài Do Thái khét tiếng” của Đức Quốc Xã, làm việc bí mật cho Abwehr – Cơ quan quân đội của Đức.
Tác giả Vaughan đã thâm nhập sâu vào các cơ quan lưu trữ hồ sơ của Mỹ và châu Âu để tiến hành thu thập thông tin mà sau này ông đã công khai chúng trong tác phẩm xuất bản hồi năm 2012 mang tựa đề “Ngủ với kẻ thù: Chiến tranh bí mật của Coco Chanel”.
Cuốn sách này sâu sắc hơn những cuốn tiểu sử khác viết về Coco, nó mô tả con đường để bà trở thành một trong những quý bà giàu có nhất thế giới, mà khối tài sản khổng lồ đó đến từ số của cải mà Đức Quốc Xã chiếm đoạt từ các công ty thương mại và bất động sản của các nạn nhân người Do Thái trong suốt thời kỳ chiến tranh.
Đã có nhiều nhà phê bình và các nhà lý thuyết trong một thời gian dài đã đặt ra nhiều câu hỏi và cố gắng xác nhận thông tin mà tác giả Hal Vaughan đưa ra là chính xác.
Theo một số tài liệu Pháp cũng như từ các hồ sơ mật của Đức Quốc Xã, thì Coco Chanel là một điệp viên Đức Quốc Xã, có mã danh là “Westminster” và là một phần của Abwehr Đức Quốc Xã, được cấp một con số để hoạt động: F-7124.
Theo nguồn tin, cái tên điệp viên của Coco có gắn liền với Công tước Westminster - người đàn ông giàu nhất nước Anh tại thời điểm đó – đồng thời Coco Chanel còn là tình nhân của quý ông này hồi thập niên 1920.
Coco Chanel đã thụ hưởng một đời sống thượng lưu xa hoa trong thế giới xã hội quý tộc, bà thích giao kết với nhiều đối tượng từ tầng lớp quý tộc Anh, kiểu như Winston Churchill (Thủ tướng Anh).
Trong suốt thời Đại chiến tranh thế giới thứ hai, Coco Chanel lưu trú dài hạn tại khách sạn Ritz ở thủ đô Paris hoa lệ. Trái ngược với lối sống sang trọng của Coco, nhiều người Pháp khi đó đã bị lính Đức Quốc Xã đuổi ra khỏi nhà hoặc bị đối xử tồi tệ. Coco Chanel cùng chia sẻ khách sạn với các điệp viên, sĩ quan và tướng lĩnh Đức, trong đó có 2 nhân vật “máu mặt” là Joseph Goebbels và Hermann Goering.
Làm giàu khi liên minh với Đức Quốc Xã
Tài liệu của tác giả Hal Vaughan cũng tiết lộ rằng Coco Chanel từng là người tình rất được cưng chiều của sĩ quan tình báo Đức Quốc Xã Gunther von Dincklage.
Dincklage đã dọ thám các hạm đội tàu Pháp ở Paris suốt hồi thập niên 1920 trong vai trò của một “đại sứ đặc biệt” cho Đại sứ quán Đức ở Paris, và khi Dincklage ướm hỏi Coco có tham gia với ông ta trong việc tuyển mộ các điệp viên mới cho nền Đệ tam Đức Quốc Xã không thì “nữ hoàng thời trang Pháp” đã gật đầu tức thì.
Năm 1943, Coco Chanel đã có một chuyến đi đến Madrid, Tây Ban Nha cùng với “tình lang” Dinklage nhằm giao một lá thư cá nhân cho người quen Winston Churchill, khi đó ông là Thủ tướng Anh. Bức thư hiệu quả trông thấy, chả biết nội dung thư có những gì nhưng nó khiến Churchill từ bỏ ý định tấn công Đức Quốc Xã.
Có thể hiểu mang máng lý do vì sao Coco Chanel lại làm việc với Đức Quốc Xã. Có thể giả định rằng Coco đã bị lèo lái tư tưởng bài Do Thái do có liên quan đến mối quan hệ với gia đình Do Thái, Wertheimer. Khoảng năm 1924, Coco Chanel quyết định mượn một khoản hỗ trợ tài chính từ nghiệp chủ Pierre Wertheimer nhằm mở rộng đế quốc thiết kế của bà.
Pierre Wertheimer đã cung cấp cho Coco số tiền đáng kể để thực hiện tham vọng đó nhưng kèm một điều kiện: khoảng 10% cổ phần của công ty Coco Chanel sẽ là tài sản riêng của Wertheimer. Nhưng rồi những căng thẳng dâng lên khi Coco phàn nàn về việc bà bị “lợi dụng” thái quá.
Vào thập niên 1930, Đức Quốc Xã đã thông qua luật “Aryan”, đẩy mạnh tước đoạt nhiều vùng đất vào tay người Đức, khó có cơ hội cho bất kỳ người Do Thái nào có công ty kinh doanh ở Đức.
Quá trình “Aryan hóa” này đã được triển khai vào khoảng năm 1941, đẩy gần 2/3 các doanh nhân người Do Thái phải bán tháo tài sản cho những người không có gốc Do Thái với mức giá rẻ mạt. Với tư chất thông minh, Coco Chanel lập tức nhận ra luật Aryan là “kèo thơm” cho bà trong việc điều khiển Pierre Wertheimer.
Thời điểm đó, doanh nhân này nắm một lượng vốn lớn tại công ty nước hoa Chanel (Parfums Chanel). Chịu không thấu mưu mô, thủ đoạn của Coco Chanel, cuối cùng Pierre Wertheimer đành chạy qua Mỹ.
Ngày 5 tháng 5 năm 1941, Coco viết một lá thư cho các sĩ quan Đức Quốc Xã rằng chủ quyền tối cao của công ty Parfums Chanel phải nên thuộc về bà: “Parfums Chanel đã bị “bỏ rơi” hợp pháp bởi các chủ nhân của nó. Tôi có quyền ưu tiên không thể chối cãi. Ấy thế nhưng lợi nhuận mà tôi nhận được từ công sức sáng tạo của mình kể từ khi thành lập doanh nghiệp lại chả bõ bèn gì”.
Theo tác giả Hal Vaughan: “Coco Chanel có nhiều cơ hội. Đức Quốc Xã đang cầm trịch, còn Coco đang thừa hưởng cái nguồn sức mạnh đó. Nó là chuyện đời của bà ấy. Bà ta chả tin vào bất kỳ thứ gì cả, ngoài thời trang.
Coco Chanel tin rằng nếu mình ăn mặc đẹp thì sự nghiệp kinh doanh sẽ phát đạt, vì thế bà tỏ ra không màng tới Hitler hay chính trị hoặc Chủ nghĩa Quốc xã Đức”.
Tuy nhiên, dù mưu mô, Coco Chanel vẫn không thành công, khi mà doanh nhân Pierre Wertheimer đã thật sự chuyển giao Parfums Chanel cho một người bạn không có gốc Do Thái, một người Ki Tô giáo “được ủy nhiệm”. Nhà Chanel vẫn thuộc quyền kiểm soát của gia tộc Wertheimer (cho đến tận ngày nay).
Người ta nghi vấn về doanh nhân Coco Chanel nhưng lại không tìm ra bằng chứng liên đới với Đức Quốc Xã để truy tố bà hoàng thời trang. Người đàn bà này đã rất cao tay khi chạy thoát trót lọt trong vai trò cảm tình viên của Đức Quốc Xã.
Một giả thuyết khác cũng gai góc không kém, đó là sự can thiệp của Winston Churchill hoặc từ các nhà quý tộc Anh khác.
Sau khi người Đức đại bại trong chiến tranh, Coco Chanel sống 7 năm ở Thụy Sỹ với người tình Gunther von Dincklage.
Khoảng năm 1954, Coco Chanel đã tái hoạt động ngành thời trang, với sự giúp sức từ ông bạn quý hóa Pierre Wertheimer, người đàn ông mà Coco không ngừng tìm cách lật đổ trong suốt thời chiến, giờ đây đã tái giao hảo với bà. Sự nghiệp kinh doanh thời trang của Coco Chanel phất nhanh như diều gặp gió. Khi qua đời tại khách sạn Ritz, Coco Chanel thực sự đã là “công dân” suốt 30 năm tại đây.