Trong suốt cuộc vận động tranh cử tổng thống, kể cả từ sau khi đắc cử đến khi chính thức nhậm chức, chủ đề Triều Tiên với chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này cùng với cả mối quan hệ cá nhân khá đặc biệt với nhà lãnh đạo Kim Jong-un chìm nghỉm đối với ông Trump.
Nhưng gần như ngay sau khi chính thức trở lại cầm quyền, ông đã đề cập đến Triều Tiên rất cụ thể và trực tiếp, nhưng lại ẩn hiện hàm ý khiến tất cả đồng minh quân sự chiến lược của Mỹ không thể không quan ngại sâu sắc thật sự.
Ngay trong ngày nhậm chức tổng thống vừa qua, ông Trump coi Triều Tiên là quốc gia có vũ khí hạt nhân. Cho tới nay, trên thế giới mới chỉ có những quốc gia sau đây được nhìn nhận là sở hữu vũ khí hạt nhân: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel.
Cũng trong suốt thời gian qua, Mỹ và các quốc gia phương Tây tìm mọi cách để ngăn cản Triều Tiên và Iran thúc đẩy phát triển chương trình hạt nhân, tiến tới chế tạo thành công, sở hữu loại vũ khí này.
Sự công nhận là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân giúp gia tăng rất đáng kể vị thế của quốc gia liên quan trong chính trị thế giới, biểu hiện cho một thế mạnh mà tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ hay đối tác khác trên thế giới không thể và không dám coi thường.
Cho nên các đồng minh quân sự chiến lược của Mỹ, đặc biệt Hàn Quốc và Nhật Bản, vô cùng quan ngại về việc ông Trump coi Triều Tiên là quốc gia có vũ khí hạt nhân. Cho tới nay, phía Triều Tiên đã nhiều lần quả quyết là đã có vũ khí hạt nhân, tự nhận là cường quốc hạt nhân ngang bằng với Mỹ và trình diễn vũ khí hạt nhân trong nhiều cuộc diễu binh nhưng sự kiểm chứng khách quan của thế giới thì chưa có. Cũng chính vì thế mà sự xác nhận của ông Trump đặc biệt quan trọng và có lợi lớn cho Triều Tiên.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là ông Trump có đủ thông tin để khẳng định thế hay lỡ miệng nói hoặc biết chắc Triều Tiên thật sự chưa có vũ khí hạt nhân nhưng vẫn nói vậy để tranh thủ cá nhân ông Kim Jong-un.
Điều đáng chú ý nữa ở đây là người được ông Trump đề cử vào cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, ông Pete Hegseth, trong điều trần trước Quốc hội để được Thượng viện phê chuẩn, cũng đã coi Triều Tiên là quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Một khi cặp bài trùng Trump/Hegseth cùng phát ngôn như thế thì không thể có chuyện ông Trump lỡ miệng mà là nhận thức mới của họ về Triều Tiên. Hệ luỵ của nhận thức mới này của cặp Trump/Hegseth rất sâu rộng.
Một khi đã đi tới nhận thức mới như thế thì phía Mỹ sẽ phải đặt toàn bộ mối quan hệ của Mỹ với Triều Tiên và với các đồng minh chiến lược của Mỹ ở trong cũng như ngoài khu vực Đông Bắc Á trên nền tảng hoàn toàn khác trước.
Tức là Mỹ sẽ thay đổi rất cơ bản định hướng chính sách nói chung và những bước đi cụ thể nói riêng đối với Triều Tiên; sẽ gây bất lợi lớn cho Hàn Quốc và Nhật Bản vì làm tăng vị thế của Triều Tiên; làm cho việc phi hạt nhân hoá Triều Tiên trở nên không còn khả thi hoặc khó khăn, phức tạp hơn trước rất nhiều.
Điều nữa khiến Hàn Quốc và Nhật Bản quan ngại sâu sắc không kém là khả năng ông Trump lại chủ định sử dụng mối quan hệ cá nhân với ông Kim Jong-un làm chìa khoá và phương cách chính để xử lý mối quan hệ của Mỹ với Triều Tiên; xử lý vấn đề chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Và tăng cường vũ trang hạt nhân rồi sẽ trở thành vấn đề chính trị an ninh thời sự nóng bỏng ở khu vực này.