Điều này đã được Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken thông báo: "Triều Tiên đã nhận được thiết bị quân sự và huấn luyện của Nga. Bây giờ chúng tôi có lý do để tin rằng Moskva có ý định chia sẻ công nghệ vệ tinh và không gian tiên tiến với Bình Nhưỡng”.
Ông Blinken nói điều này sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul tại Seoul và nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo Nga có thể sắp hỗ trợ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Điều đó về cơ bản sẽ thay đổi chính sách dài hạn nhằm ngăn chặn việc Bình Nhưỡng sản xuất vũ khí hạt nhân.
“Đây là mối lo ngại không chỉ ở Mỹ mà còn tại Hàn Quốc và Nhật Bản”, ông Blinken lưu ý đồng thời nhấn mạnh rằng sự hợp tác chặt chẽ của Triều Tiên với Nga cho thấy cần thiết phải tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như với NATO, khi an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu ngày càng trở nên gắn kết với nhau.
Điều đáng chú ý là khi Ngoại trưởng Blinken đang thăm Seoul, Triều Tiên đã thử một tên lửa đạn đạo không xác định trên Biển Nhật Bản.
Vụ phóng xảy ra lúc 12:01 sáng, khi các trạm radar J/FPS-5 báo cáo một mục tiêu đạn đạo duy nhất. Trong lần phóng này, tên lửa đạt độ cao tối đa khoảng 100 km và bay được khoảng 1.100 km. Vụ phóng diễn ra từ nội địa Triều Tiên theo hướng Đông Bắc.
Cần lưu ý thêm rằng vào tháng 11 năm 2023, Triều Tiên đã phóng vệ tinh trinh sát Malligyong-1 bằng tên lửa đẩy Chollima-1 lần thứ ba. Trước khi phóng, một quan chức Bình Nhưỡng tuyên bố rằng vệ tinh do thám nói trên sẽ theo dõi “các hành động quân sự nguy hiểm” của Mỹ và Hàn Quốc.