Hôm 05/3, Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius đã trình bày lý do làm rò rỉ cuộc trò chuyện giữa các sĩ quan cao cấp của Quân đội Đức (Bundeswehr) về việc phá hủy cây cầu Crimea bằng tên lửa hành trình Taurus Kepd 350, không phải là do bị Nga chặn thu hệ thống thông tin liên lạc.
Được biết, cuộc trò chuyện giữa các quan chức Không quân Đức diễn ra vào ngày 19/02 vừa qua, với sự tham gia của Giám đốc Tác chiến và Diễn tập của Bộ Tư lệnh Không quân Graefe, Thanh tra Không quân Gerhartz và các nhân viên của Trung tâm Điều hành Không quân Fenske và Frostedte.
Theo ông Boris Pistorius, các sĩ quan này đã sử dụng một phiên bản nền tảng WebEx (phần mềm hội nghị trực tuyến) tương ứng với mức độ bảo mật của thông tin đang được thảo luận, nhưng một trong những người tham gia cuộc trò chuyện đã kết nối qua kết nối không an toàn là quay số trên điện thoại.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức cho biết, các biện pháp kỷ luật đã được áp dụng đối với sĩ quan đã mắc sai lầm sơ đẳng như trên, đồng thời nhấn mạnh rằng, trong thời gian này, giới chức quân sự nước này sẽ hết sức cẩn thận với vấn đề bảo mật thông tin liên lạc.
Theo ông, giới chức lãnh đạo quân đội nước này sẽ thực hiện các biện pháp kỹ thuật và tổ chức để ngăn chặn sự cố như vậy xảy ra lần nữa; đồng thời, Bộ Nội vụ Đức cũng công bố tăng cường các biện pháp chống gián điệp sau bê bối ghi âm của quan chức Bundeswehr.
Bộ trưởng Nội vụ Nancy Feser nhấn mạnh rằng bộ phận phản gián thuộc Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp Liên bang, nơi tập trung chống lại tình báo Nga, đã được tăng cường đáng kể về mặt nhân sự và kỹ thuật.
Trong khi đó, truyền thông châu Âu tiếp tục bàn tán về sự bối rối của các quan chức cấp cao Quân đội Đức. Nhiều ấn phẩm về chủ đề này gọi việc rò rỉ cuộc trò chuyện là một hoạt động tình báo bậc thầy của Nga, khiến giới lãnh đạo Bundeswehr cảm thấy lạnh người.
Một phản ứng tức thì ngay sau vụ bê bối với các cuộc đàm phán bị rò rỉ là Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lập tức khẳng định rằng, tên lửa hành trình Taurus sẽ không được chuyển giao cho Ukraine, bởi để sử dụng chúng phải có sự tham gia của binh sĩ Đức, mà nước này không muốn đối đầu trực tiếp với Nga.