Bài học Chống tiếp cận/Chống xâm nhập giá rẻ từ trận chiến Biển Azov

GD&TĐ - Các bãi mìn sát thương, mìn chống tăng trên bãi biển và rải thủy lôi là phương thức “Chống tiếp cận, Chống xâm nhập” từ hướng biển với giá rất rẻ.

Thủy lôi thông minh thế hệ mới có thể lựa chọn mục tiêu để phát nổ
Thủy lôi thông minh thế hệ mới có thể lựa chọn mục tiêu để phát nổ

Trong tác chiến chống đổ bộ từ hướng biển, dường như có một xu hướng mới trong việc áp dụng một bài học được rút ra từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, để chống lại những hạm đội tàu đổ bộ của đối phương áp sát bờ biển nước mình để đưa lực lượng, phương tiện lên bãi biển.

Được biết, đã có những tổn thất nghiêm trọng của hải quân Nga do thủy lôi Ukraine, đặc biệt là ở Biển Azov.

Thủy lôi được cho là gây thiệt hại cho cả các tàu buôn trong khu vực, khiến thương mại hàng hải quốc tế đã bị ảnh hưởng, với tỷ lệ vận chuyển từ khu vực này đã giảm đi năm lần.

Chống đổ bộ từ hướng biển thực chất là một hình thái tác chiến nằm trong chiến lược “Chống tiếp cận, chống xâm nhập” (Anti-Access/Area Denial, viết tắt A2/AD), mà mỗi nước có thể sử dụng những phương án và biện pháp khác nhau, tùy vào điều kiện kinh tế và trình độ công nghệ.

Trong tác chiến chống đổ bộ, việc đầu tiên là tiêu diệt tàu chiến đối phương ngay trên biển

Trong tác chiến chống đổ bộ, việc đầu tiên là tiêu diệt tàu chiến đối phương ngay trên biển

Đối với những nước có tiềm lực quân sự hạn chế, việc bố trí các bãi thủy lôi trên biển chính là cách chống tiếp cận với chi phí rẻ nhất, còn việc gài các bãi mìn sát thương, mìn chống tăng trên bãi biển là phương án chống xâm nhập từ hướng biển với chi phí tối thiểu.

Vai trò của thủy lôi trong chống đổ bộ

Điều làm cho cuộc đổ bộ tấn công của đối phương trở nên khó khăn và tốn kém, là việc tàu chiến của lực lượng hải quân đánh bộ bị tổn thất nặng nề ở các eo biển hoặc vùng biển ven bờ và ngay cả khi đã áp sát bãi biển thì cũng bị thiệt hại nghiêm trọng vào thời điểm lính thủy đánh bộ và trang bị đổ bộ lên bờ.

Các loại thủy lôi có thể củng cố khả năng phòng thủ của hải quân và khiến đối phương gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các tàu đổ bộ và tàu tác chiến đến gần bờ. Rải thủy lôi một phương pháp hiệu quả cao để ngăn chặn và hạn chế không gian trên biển của đối thủ hải quân tiềm năng.

Những quả thủy lôi chìm dưới làn nước biển sẽ buộc lực lượng hải quân của đối thủ phải tập trung lực lượng đáng kể để rà soát cẩn thận các vùng biển hoạt động của họ để rà phá thủy lôi, trước khi triển khai các loạt tàu đổ bộ lên bàn đạp trên bờ biển mà rất có thể cũng đã bị rải mìn.

Thủy lôi có thể là vũ khí rẻ nhất và được triển khai thụ động nhất trong kho vũ khí của hải quân.

Tuy nhiên, nó có lẽ là một trong những loại vũ khí nguy hiểm nhất xét về hỏa lực và ảnh hưởng quá lớn đối với bất kỳ vùng biển nào mà nó được sử dụng.

Theo số liệu thống kê, trong số 18 tàu chiến bị mất hoặc bị hư hại nghiêm trọng trong các cuộc xung đột kể từ Thế chiến Thứ hai đến nay, 14 chiếc đã bị trúng thủy lôi.

Xu thế mới trong tác chiến chống tiếp cận từ hướng biển

Hiện nay, các nước trên thế giới có tiềm lực quân sự hạn chế đang nỗ lực thành lập các Hải đội tàu rải lôi tự động, với các tàu thế hệ mới có khả năng tự động rải một số lượng lớn mìn nhỏ nhưng sức sát thương lớn, với tốc độ cao, mà không cần thợ lặn.

Đây là một xu thế mới trong tác chiến chống đổ bộ, mà điều đầu tiên là ngăn chặn đối phương đưa tàu đổ bộ tiếp cận bờ biển nước mình.

Các loại thủy lôi thông minh hiện nay thường nằm dưới đáy biển và phát nổ khi cảm nhận được tín hiệu của tàu phía trên. Nó có thể được thiết kế với “bộ đếm tàu”, hướng dẫn chúng bỏ qua những con tàu không quan trọng đi đầu, mà phát nổ khi tàu thứ hai, thứ ba hoặc thứ “n” đi qua chúng.

Tàu rải lôi lớp Min Jiang của Hải đội 1 của Đài Loan (Trung Quốc)
Tàu rải lôi lớp Min Jiang của Hải đội 1 của Đài Loan (Trung Quốc)

Theo chuyên gia Scott Savitz của RAND Corporation, những chiến thuật rải lôi thế hệ mới cũng có thể được cập nhật với sự ra đời của các phương tiện hoạt động dưới đáy biển không người lái (UUV).

UUV có khả năng mở rộng khái niệm rải lôi bằng cách thả trôi trong các tuyến đường thủy quan trọng và tự động phóng lôi khi cảm biến của chúng phát hiện tàu đang đến gần.

Hoặc bên chống đổ bộ cũng có thể để mặc cho đối thủ rà phá lôi xong, rồi sử dụng UUV bí mật rải lại các bãi thủy lôi ngay sau đó, khiến đối thủ bất ngờ. Chiến thuật này có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho hạm đội tàu đổ bộ và hạm đội tàu tác chiến của đối phương.

Vai trò “Chống xâm nhập” của mìn trên bãi biển và MLRS

Trong khi các bãi thủy lôi ngăn chặn, trì hoãn các đội tàu chiến và tàu đổ bộ đối phương tiếp cận bờ biển; lực lượng phòng thủ trên bờ sẽ thực thi các phương án chống xâm nhập bằng cách cài những bãi mìn trên các khu vực bờ biển dự kiến sẽ được đối phương sử dụng làm bãi đổ bộ.

Hiện nay, các nước trên thế giới đang sử dụng rộng rãi các hệ thống rải mìn tự động, ví dụ như hệ thống rải mìn Volcano của Mỹ đặt trên khung gầm xe tải xe tải M977A4 HEMTT 10 tấn trị giá 180 triệu dollars.

Các nhà thầu chính cung cấp mìn là Northrop Grumman và Oshkosh Corporation là nhà sản xuất xe tải.

Một cuộc tập trận đánh chiếm đảo của Hải quân đánh bộ Trung Quốc
Một cuộc tập trận đánh chiếm đảo của Hải quân đánh bộ Trung Quốc

Hệ thống mìn Volcano có thể triển khai 960 quả mìn sát thương chống bộ binh hoặc chống tăng trong một khu vực dài 1.100 mét, rộng 120 mét với tốc độ rất nhanh. Ngoài xe tải, mìn có thể được triển khai bằng máy bay trực thăng với tốc độ còn nhanh hơn.

Với những hệ thống mìn chống bộ binh và chống tăng được cài dày đặc ở các bãi biển được dự kiến sẽ bị kẻ địch sẽ sử dụng làm bãi đổ bộ, sẽ giúp bên phòng thủ làm chậm bước tiến của kẻ thù và trì hoãn thời gian cho các lực lượng vũ trang tập trung binh lực, chuẩn bị đáp trả bằng sức mạnh quân sự.

Bên cạnh đó, các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MLRS) cũng là trang bị rất quan trọng trong tác chiến chống tiếp cận và chống xâm nhập. MLRS có khả năng tấn công cả tàu đổ bộ lẫn các tàu xung phong, xe thiết giáp khi chúng đang vượt biển đưa bộ binh vào bờ, cả khi đối phương đã lên đến bãi đổ bộ hoặc khi đã vượt qua các bãi mìn.

Khi tàu xung phong và thiết giáp đối phương đang mở hết tốc lực tiến vào bờ, khả năng tấn công ồ ạt trên bình diện rộng với đạn không điều khiển của MLRS là vô cùng quan trọng.

Hệ thống rải mìn tự động trên xe tải mang tên Volcano của Mỹ
Hệ thống rải mìn tự động trên xe tải mang tên Volcano của Mỹ

Mỗi tổ hợp pháo phản lực phóng loạt có khả năng phóng đồng loạt vài chục quả rocket không điều khiển vào khu vực kẻ địch đổ bộ, một tiểu đoàn MLRS có thể hủy diệt một khu vực có phạm vi vài km một cách dễ dàng, bẻ gãy các đợt đổ bộ lên bờ của đối phương.

Phương án “Chống tiếp cận, chống xâm nhập” giá rẻ

Việc sử dụng thủy lôi đã được chứng minh là rất rẻ. Ví dụ, hai quả thủy lôi làm hư hại tàu chiến Hoa Kỳ trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991 trị giá 1.500 và 10.000 dollars nhưng tổng cộng đã gây ra thiệt hại 21,6 triệu dollars.

Nói cách khác, mỗi quả thủy lôi trị giá vài nghìn USD có thể gây thiệt hại hàng triệu USD do một con tàu bị phá hủy hoặc mất sức chiến đấu.

Ngay cả khi chúng có thể bị loại bỏ bởi các lực lượng rà phá lôi, thì thực tế là chúng cũng đã tiêu tốn của đối thủ hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ dollars để mua tàu quét lôi, bảo trì và đào tạo nhân sự.

Các nỗ lực rà phá thủy lôi để đánh giá và giảm thiểu rủi ro sẽ tốn nhiều thời gian và nguồn lực của đối phương nên nếu một đội quân cố gắng rà phá các bãi thủy lôi ở eo biển hoặc bờ biển, họ sẽ cung cấp trước thông tin về khu vực dự định đổ bộ cho đối phương.

Các bãi mìn trên bãi biển có giá trị rất cao trong tác chiến chống đổ bộ
Các bãi mìn trên bãi biển có giá trị rất cao trong tác chiến chống đổ bộ

Hơn nữa, vỏ của các tàu rà quét lôi do đặc điểm nhiệm vụ thường được chế tạo với hàm lượng carbon hoặc sợi thủy tinh rất cao nên rất yếu ớt và di chuyển chậm theo các mô hình có thể dự đoán được, sẽ biến thành mục tiêu dễ dàng của vũ khí và tên lửa chống hạm của bên phòng thủ.

Mỗi quả mìn có giá từ vài đến vài chục USD, còn mỗi quả rocket không điều khiển cũng có giá chỉ vài ngàn USD nhưng chúng có giá trị rất cao khi sát thương lớn bộ binh địch, phá hủy các xe thiết giáp trị giá vài triệu USD hay bắn chìm các tàu đổ bộ vài chục triệu USD.

Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ngăn bước tàu thuyền địch áp sát bờ biển đất nước, kìm hãm bước tiến của lính thủy đánh bộ và xe tăng-thiết giáp trên bờ biển để các lực lượng khác chuẩn bị tổ chức phòng thủ trong lãnh thổ hoặc tập trung binh lực tấn công ngay vào các nhóm quân địch khi chúng đã đổ bộ lên đất liền.

Do đó, việc rải thủy lôi ở ở các vùng biển có địa hình phù hợp để đổ bộ trên bờ, các khu vực cửa sông, cửa cảng…; cùng với việc triển khai các bãi mìn trên bờ biển và bố trí các trận địa MLRS có khả năng bao trùm dải bờ biển là một phương thức “Chống tiếp cận, chống xâm nhập” của những nước dạng “con nhà nghèo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ