Trực tiếp, trực tuyến đan xen
Sáng 28/2, theo khảo sát do giáo viên chủ nhiệm thực hiện trên nhóm Zalo phụ huynh, lớp con chị Thủy chỉ có 13 học sinh đến học trực tiếp; 17 học sinh ở nhà học online do đang điều trị, 15 học sinh là F1 đang theo dõi sức khỏe cũng ở nhà học trực tuyến. Chị Thủy cho biết: Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) từ khi tổ chức cho học sinh đi học trở lại đã nhiều lần có những điều chỉnh kế hoạch dạy học trực tiếp và trực tuyến để thích ứng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ngày đầu đón học sinh trở lại, nhà trường xếp mỗi tiết học thời lượng 40 phút, mỗi tiết cách nhau 5 phút và chưa bố trí giờ ra chơi. Mỗi buổi học, học sinh được về sớm hơn 40 phút so với thời khóa biểu cũ. Từ 14/1, để giảm áp lực cho học sinh trong các buổi học, trường điều chỉnh, bố trí giờ ra chơi được sắp xếp sau tiết 2 (với khối sáng), tiết 3 (khối chiều); thời gian biểu của 2 tiết ở các lớp rút xuống 5 phút (học 35 phút). Nhưng đến 21/2, do số lượng giáo viên, học sinh dương tính với Covid-19 có chiều hướng tăng, nhà trường cho học sinh khối 9 học trực tiếp 5 ngày tại trường; khối 7, 8 học trực tiếp 4 ngày tại trường; mỗi khối sẽ học trực tuyến 1 ngày và có buổi học bù cho các môn học chậm tiến độ.
Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên, tổ chức cho học sinh trở lại trường từ 14/2. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hồng cho hay: Để bảo đảm an toàn phòng chống dịch, trường bố trí học đủ 6 buổi sáng/tuần với học sinh lớp 12. Còn lại, khối 10 và 11 học trực tiếp tại trường 3 buổi sáng; 3 buổi còn lại học trực tuyến. Các hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn tập, bổ sung kiến thức cho học sinh, nhất là lớp 12 và hoạt động giáo dục khác cũng kết hợp đan xen giữa trực tiếp và trực tuyến theo buổi.
“Việc phân lớp học, lịch học phải bảo đảm 2 lớp học trực tiếp không bố trí liền kề nhau (cách nhau tối thiểu 1 phòng học hoặc cầu thang); mỗi lớp không học trực tiếp hoặc trực tuyến cả 2 buổi/ngày; trong 1 buổi học, mỗi giáo viên tiếp xúc trực tiếp với số lớp ít nhất; mỗi lớp học tiếp xúc trực tiếp với số giáo viên ít nhất. Việc thay đổi trình tự thực hiện chương trình môn học do tổ, nhóm chuyên môn rà soát, thảo luận và thống nhất, bảo đảm phù hợp với lịch học đan xen giữa trực tiếp và trực tuyến. Học sinh F0, F1 được học trực tuyến theo lớp mình đang học. Hiện, tất cả lớp học đều đã trang bị để vừa có thể dạy trực tiếp và trực tuyến song song” – thầy Nguyễn Đức Hồng thông tin.
Giao quyền chủ động cho nhà trường
Hiện tỉnh Bắc Ninh có 74 xã/ phường vùng cao, 4 xã/ phường vùng đỏ. Theo ông Nguyễn Minh Nhiên, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Bắc Ninh, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đang thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định 512/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Theo đó, chủ động việc tổ chức học trực tiếp tùy theo tình hình dịch, ưu tiên dạy trực tiếp đối với các lớp cuối cấp. Đối với lớp có số lượng học sinh nghỉ học nhiều thì linh động chuyển sang học trực tuyến 100%; lớp học sinh nghỉ ít thì kết hợp hình thức dạy học “2 trong 1”.
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc cho phép học sinh từ tiểu học đến THPT được trở lại trường học trực tiếp trên tinh thần có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, Sở GD&ĐT An Giang đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng phương án dạy học trực tiếp là chủ đạo, dạy học trực tuyến là hình thức dạy học bổ sung. Việc xác định phương án dạy học cụ thể ở từng cơ sở giáo dục do thủ trưởng đơn vị quyết định trên cơ sở bảo đảm mục tiêu ưu tiên hàng đầu là an toàn về phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho học sinh, giáo viên, phù hợp với điều kiện thực tế về đội ngũ, cơ sở vật chất và tiến độ thực hiện nội dung, kế hoạch giáo dục của từng nhà trường.
Theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, một số phương án do sở hướng dẫn được các trường thực hiện khá tốt, như: Dạy học trực tiếp tại trường kết hợp với livestream tiết dạy để các học sinh chưa được sự đồng thuận của cha mẹ tham gia học tại nhà, hoặc cho các trường hợp có liên quan đến yếu tố dịch bệnh đang trong thời gian theo dõi sức khoẻ tại nhà có thể tham gia. Nhà trường biên chế lớp học trực tuyến riêng nếu đủ số lượng. Thực hiện giãn cách giữa học sinh các lớp học trực tiếp thông qua bố trí lệch giờ giữa các khối lớp (giờ vào học, giờ nghỉ giải lao và giờ về), hoặc bố trí học trực tiếp luân phiên giữa các khối lớp (nhưng khi đến trường vẫn thực hiện lệch giờ).
“Tinh thần chung thì sở GD&ĐT hướng dẫn, tư vấn nhiều phương án; việc chọn phương án nào giao quyền tự chủ cho thủ trưởng cơ sở giáo dục quyết định và chịu trách nhiệm. Các cấp quản lý (sở/phòng GD&ĐT) thường xuyên kiểm tra để chia sẻ cách làm hay, nhắc nhở, hướng dẫn khắc phục những nội dung còn hạn chế. Tại An Giang, từ ngày 14 - 25/2, toàn tỉnh phát sinh 16 trường hợp học sinh và 3 trường hợp giáo viên nghi nhiễm Covid-19 sau khi đã đến lớp, đa số đều do học sinh tự test nhanh tại nhà và báo nhà trường” - ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.