Linh hoạt sử dụng đề tham khảo trong ôn thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Mỗi trường đều có cách triển khai riêng với đề tham khảo, nhằm tăng hiệu quả ôn thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Cô Vũ Thị Anh, Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) và học trò trong giờ dạy-học.
Cô Vũ Thị Anh, Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) và học trò trong giờ dạy-học.

Thầy Phan Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Bến Tre) cho biết: Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo, nhà trường chuyển ngay bộ đề đến tất cả tổ chuyên môn để triển khai thực hiện, đồng thời chuyển đến tất cả học sinh khối 12 của trường để tham khảo.

Từng bộ môn, giáo viên đều triển khai ngay việc hướng dẫn học sinh giải các câu hỏi trong tham khảo. Cùng với đó, phối hợp với các thành viên trong tổ phân tích ma trận đề, rà soát phân tích nội dung kiến thức, nhất là đối với các nội dung kiến thức mở rộng thêm, trên cơ sở đó xây dựng thêm các bộ đề tham khảo khác. Đặc biệt phân chia nhóm đề tham khảo theo mức độ để giảng dạy phù hợp đối tượng học sinh tại trường.

Trong quá trình giảng dạy, tùy theo từng đối tượng học sinh giáo viên triển khai các nhóm đề phù hợp, cũng như tập trung nhấn mạnh những câu, những nội dung cần thiết để giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức.

Năm học 2022-2023 là năm học thứ 5 Trường THPT Lương Thế Vinh (Bến Tre) có học sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Trong 4 năm tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, có 3 năm trường đạt tỷ lệ 100% học sinh đỗ tốt nghiệp. Năm học 2022-2023, nhà trường tiếp tục đặt mục tiêu giữ vững tỷ lệ này.

Vì vậy, cô Đồng Thị Thuận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay sau khi có đề tham khảo, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn triển khai đề thi đến giáo viên khối 12 có tham gia giảng dạy các môn thi tốt nghiệp. Đồng thời, tổ chức họp chuyên môn để phân tích, đánh giá mức độ đề thi đối với năng lực của học sinh nhà trường.

Từ đó, các nhóm chuyên môn tiến hành xây dựng các chuyên đề học tập bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình THPT và phù hợp với năng lực của học sinh. Chú ý đưa các nội dung có trong đề tham khảo vào các chuyên đề học tập, đồng thời mở rộng, phát triển các nội dung có liên quan đến đơn vị kiến thức từ đề tham khảo.

Nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên bộ môn trong quá trình giảng dạy và ôn tập cần bám sát các yêu cầu của đề thi, từ cấu trúc, kiến thức, kỹ năng; chủ động phân hóa đối tượng học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng, củng cố, trau dồi kiến thức cho phù hợp.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Vấn đề được tập trung nhiều nhất, theo cô Đồng Thị Thuận là chỉ đạo giáo viên bộ môn tăng cường biên soạn hướng dẫn học sinh giải đề tham khảo. Hướng dẫn học sinh đánh giá được kiến thức của mình, phần nào mạnh, phần nào yếu để lên kế hoạch học, ôn tập hiệu quả. Hướng dẫn các em làm quen với cách trình bày, câu từ và cách sắp xếp thứ tự các câu hỏi trong đề thi.

“Giáo viên nhà trường tăng cường bài tập cho học sinh tự rèn luyện, trau dồi kỹ năng làm bài thêm ở nhà. Tất cả vấn đề thắc mắc của các em sẽ được thầy cô định hướng, giải đáp qua nhóm zalo hoặc trực tiếp trên lớp; từ đó giúp học sinh tự tin, vững vàng hơn khi tham gia thi tốt nghiệp THPT”, cô Đồng Thị Thuận chia sẻ.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, cô Vũ Thị Anh, giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) lưu ý, với đề tham khảo Bộ GD&ĐT công bố, thầy cô cần bám sát, dạy và hệ thống lại những kiến thức cơ bản, trọng tâm ở mỗi bài học cho học sinh ôn tập.

Học sinh có thể hệ thống kiến thức bằng nhiều cách khác nhau như: Vẽ sơ đồ tư duy sau mỗi bài học, ôn lịch sử Việt Nam và liên hệ với lịch sử thế giới, nắm chắc kiến thức cơ bản của mỗi giai đoạn lịch sử.

Trên cơ sở đề tham khảo, học sinh bám sát theo ma trận đề, nội dung hệ thống giáo viên ôn tập trong các tiết học để có kiến thức cơ bản, trang bị cho bản thân chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Việc Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo của tất cả các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục và giáo viên bộ môn có định hướng cơ bản trong xây dựng nội dung ôn tập cho học sinh, chuẩn bị cho kỳ thi. Đề tham khảo đáp ứng được sự mong đợi của giáo viên bộ môn và học sinh trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp đến.

Cô Đồng Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...