Giáo viên lưu ý ôn tập thi tốt nghiệp THPT từ đề tham khảo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ đề tham khảo các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2023, giáo viên đưa ra một số lưu ý giúp học sinh ôn tập hiệu quả trước kỳ thi.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: ITN.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: ITN.

Qua phân tích đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2023 môn Sinh học, cô Phạm Thị Việt Chinh, Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) lưu ý, khi ôn tập, học sinh cần bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học theo công văn 3280/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT.

Học sinh cũng cần tăng cường học để hiểu bản chất kiến thức Sinh học, hiểu rõ và phân tích được các hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu trong sách giáo khoa. Chú ý trả lời các câu hỏi lệnh, câu hỏi ở cuối bài trong sách giáo khoa và khung ghi nhớ. Tập trung ôn tập kiến thức trọng tâm, học theo tư duy logic thay vì máy móc. Trong quá trình học, hệ thống các kiến thức trọng tâm dưới dạng sơ đồ tư duy dễ hiểu, dễ nhớ và logic; hệ thống hoá các công thức và các dạng bài tập.

Cô Phạm Thị Việt Chinh đồng thời khuyên học sinh trong quá trình ôn tập, cần xác định mục tiêu điểm số và năng lực hiện tại, từ đó lên kế hoạch định hướng ôn tập theo các mức độ.

Ví dụ, để làm được câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, học sinh tập trung ôn tập kiến thức lý thuyết cơ bản ở mức độ ghi nhớ và hiểu bản chất kiến thức sinh học ở các chủ đề trong chương trình.

Để trả lời câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, học sinh cần ôn tập chắc kiến thức cơ bản và tập trung làm các bài tập vận dụng, đồng thời rèn kỹ năng làm bài thi. Một số dạng bài tập cần chú ý với các câu hỏi mức độ vận dụng là về gen, nhân đôi, phiên mã, dịch mã, tỷ lệ giao tử, kiểu gen, kiểu hình, viết phép lai, bài tập di truyền quần thể, bài tập phả hệ, bài tập tương tác gen, phân tích bảng số liệu, sơ đồ vận dụng kiến thức để trả lời các bài tập sinh thái…

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: ITN.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: ITN.

Với môn Lịch sử, cô Phạm Thị Phương Thảo, Trường THPT Ban Mai nhận định, các câu hỏi trong đề phủ rộng kiến thức, từ đó khuyên học sinh tập trung học kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, ghi nhớ những mốc sự kiện quan trọng, đặc biệt tránh học tủ.

“Kiến thức trong đề tham khảo chủ yếu thuộc chương trình lớp 12. Phần kiến thức lớp 11 chỉ có 2 câu ở mức độ nhận biết thuộc phần Lịch sử Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX và 2 câu lịch sử Việt Nam giai đoạn đầu thực dân Pháp bắt đầu xâm lược (1858 - 1918).

Các câu hỏi trong chương trình lớp 12 đều ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng không quá khó đối với học sinh. Trong đó, trọng tâm rơi vào kiến thức Lịch sử giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Phần Lịch sử thế giới, nội dung câu hỏi trải đều ở các chương.

Điểm đổi mới trong đề thi minh họa môn Lịch sử năm nay là dạng câu hỏi phủ định chiếm tỉ lệ 20% (8 câu), yêu cầu học sinh phải nắm chắc kiến thức và có khả năng tư duy, phản biện để chọn đáp án đúng”, cô Phạm Thị Phương Thảo cho hay.

Lưu ý ôn tập môn Hóa học từ đề tham khảo, cô Tưởng Thị Lan Anh, Trường THPT Ban Mai khuyên học sinh rà soát kỹ lại chương trình giảm tải để tránh bỏ quên kiến thức. Trong đề có thể xuất hiện các câu “lạ”, như câu hỏi về độ tan (đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022), hay câu về phân bón hóa học (đề minh họa 2023), nên không bỏ qua bất cứ phần kiến thức nào không được giảm tải trong chương trình THPT.

Cùng với đó, lưu ý ôn tập chắc lý thuyết, bởi số lượng câu hỏi lý thuyết trong đề thi luôn chiếm tỷ lệ cao. Đây thường là phần dễ kiếm điểm, làm nhanh hơn so với các câu hỏi bài tập.

“Các em nên kết hợp ôn tập đan xen với luyện đề để tăng kỹ năng làm bài thi. Khi luyện đề, nên có nhật ký ghi lại các lỗi sai mình mắc phải. Nên nhớ, đề chỉ mang tính chất tham khảo, không nên chỉ ôn các dạng bài xuất hiện trong đề”, cô Tưởng Thị Lan Anh dặn dò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ