Duy trì sĩ số khi học sinh trở lại trường: Mỗi thầy cô một cách làm riêng

GD&TĐ - Duy trì sĩ số và bảo đảm tỷ lệ chuyên cần của học sinh sau Tết Nguyên đán, đặc biệt khi trẻ đồng loạt đi học trở lại được các cơ sở giáo dục đặc biệt quan tâm, với nhiều cách làm sáng tạo.

Lớp học của cô Bùi Thị Khuê - Trường PTDTBT Tiểu học An Lương (Văn Chấn, Yên Bái). Ảnh: NVCC
Lớp học của cô Bùi Thị Khuê - Trường PTDTBT Tiểu học An Lương (Văn Chấn, Yên Bái). Ảnh: NVCC

“Giữ chân” học trò

Những năm gần đây, dù không nhiều nhưng trên địa bàn huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) vẫn còn số ít học sinh bỏ học sau Tết. Do đó, ngoài việc duy trì sĩ số lớp học, vấn đề bảo đảm tỷ lệ chuyên cần của học sinh cũng được các giáo viên và nhà trường đặc biệt quan tâm.

Cô Bế Thị Bé Lan – Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học & THCS Cao Chương – chia sẻ: “Trước Tết, tôi đã làm công tác tư tưởng với học sinh và phụ huynh. Nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể trong xã như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các trưởng bản, nhằm tuyên truyền tới học sinh và phụ huynh về lợi ích của việc học. Nhờ đó, buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, học sinh đến trường đầy đủ, đúng giờ”.

Theo cô Lan bật mí, buổi học đầu tiên giáo viên không nên áp lực về dạy – học. Thay vì “nhồi nhét” kiến thức, cô – trò nên “thả lỏng” bằng các trò chơi, giao lưu văn nghệ hoặc nếu có điều kiện thì tổ chức vui chơi theo hình thức “hái hoa dân chủ” với phần thưởng là những bao lì xì hoặc đồ dùng học tập như: Bút, thước, tẩy… “Đây là giải pháp hữu hiệu giúp các em đoàn kết, thêm yêu trường,  lớp, từ đó duy trì sĩ số và bảo đảm tỷ lệ chuyên cần của lớp học” – cô Lan trao đổi.

Là giáo viên dạy lớp 1 nên cô Bùi Thị Khuê - Trường PTDTBT Tiểu học An Lương (Văn Chấn, Yên Bái) có cách làm riêng để “giữ chân” học trò. Theo đó, buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, cô dành nhiều thời gian để cô – trò nói chuyện, cởi mở thân mật. Vừa học, vừa thư giãn bằng những câu chuyện văn hóa ngày Tết, lồng ghép chuyện học hành. “Tôi mua thêm một chút bánh kẹo để làm phần thưởng cho học sinh. Với trẻ dân tộc, chỉ cần quan tâm, yêu thương chân tình và biến lớp học trở thành ngôi nhà thứ hai là các em siêng năng đến trường” – cô Khuê chia sẻ.

Học sinhTrường PTDTBT Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: NVCC
Học sinhTrường PTDTBT Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: NVCC

Duy trì các thói quen học tập

Từng là vùng dịch, nay học sinh trở lại với lớp học truyền thống nên có thể “chệch choạc” trong một vài ngày đầu. Theo cô Nguyễn Thị Như Thảo – giáo viên Trường Tiểu học & THCS Vạn Thành (Vạn Ninh, Khánh Hòa), điều thiết yếu là tinh thần của cô - trò thật thoải mái thì việc học mới đạt hiệu quả. Thực tế, nhiều học sinh có thói quen ngủ muộn và thức dậy muộn. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần học tập. Vì thế, ngay từ buổi học đầu tiên, các em cần rèn cho mình thói quen ngủ sớm và dậy đúng giờ, giữ trạng thái phấn khởi, thoải mái khi đến lớp. Khi đó, các em sẽ tập trung nghe thầy cô giảng và dễ hiểu bài hơn.

Để có phương pháp học tập hiệu quả, bắt kịp với tiến độ học tập, điều quan trọng, các em cần có mục tiêu học tập sáng suốt, đúng đắn. Kèm theo đó, mỗi trò đặt cho mình thời gian biểu trong ngày để rèn tính tự giác trong học tập.

Theo kinh nghiệm của cô Thảo, sau mỗi giờ học trên lớp, các em dành ra 2 – 3 tiếng đồng hồ để ôn lại kiến thức đã học, làm thêm bài tập trong sách giáo khoa và nâng cao để cải thiện kỹ năng cho bản thân. Cố gắng rèn luyện tính kiên nhẫn bằng cách đọc sách, bởi vì sách sẽ mang lại cho các em nhiều bài học quý giá, những kiến thức có thể chưa được học qua chương trình trong sách giáo khoa.

Để có hứng thú trong học tập, các em cần có một góc học tập ngăn nắp, gọn gàng, cất đi những vật dụng không cần thiết, ít dùng đến, những thứ ảnh hưởng đến sự tập trung khi học. Cũng có thể mua thêm một vài chiếc bút xinh xắn, vật dụng ngộ nghĩnh, dễ thương… để trang trí thêm cho góc học tập. Tuy đơn giản nhưng cũng đủ để các em cảm thấy hào hứng hơn, thêm quyết tâm hơn và cảm thấy thích thú khi ngồi vào học.

Với học sinh THPT, việc duy trì sĩ số không phải là vấn đề nan giải nhưng theo thầy Nông Ngọc Trọng – giáo viên Trường THPT An Mỹ (Thủ Dầu Một, Bình Dương), quan trọng nhất là làm sao để có thể “giữ nhịp” học tập cho trò. Theo đó, các em nên duy trì thói quen mở sách vở mỗi ngày. Đọc một ít, thực hành một chút sẽ giúp các em ghi nhớ kiến thức.

Ngoài ra, các em nên tự đề ra mục tiêu: Mỗi ngày tự ôn kiến thức 2 môn học, đem các bài tập thầy cô đã giáo để làm hằng ngày. Cũng nên thành lập các nhóm Zalo học tập, cùng nhau giải bài tập… Việc này không chỉ giúp học sinh nắm chắc nội dung kiến thức để vận dụng vào thực tiễn, phát triển các kỹ năng của bản thân, mà còn giúp các em tăng tính tương tác và hứng thú trong học tập.  Mặt khác, các em cần có tâm thế tốt và chủ động trong học tập. Đặc biệt, cần duy trì thói quen soạn bài từ hôm trước.

Theo thầy Đỗ Văn Long - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang), buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, giáo viên dành khoảng 30 phút để nói mọi chuyện với học trò, đồng thời khéo léo đưa học sinh vào nền nếp. Cùng với đó, giáo viên nên có những phần thưởng để khích lệ học sinh trong học tập. Hỗ trợ kịp thời những trò còn hổng kiến thức. Khi học sinh có biểu hiện lơ đễnh hay chán học, giáo viên cần thay đổi phương pháp. Dạy học là một nghệ thuật. Khi học sinh yêu thích thì sẽ làm theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.