Hình thức giảng dạy tại lớp học, học sinh đăng ký học trên tinh thần tự nguyện. Học phí dao động từ 60.000 - 120.000 đồng/tháng, thời lượng học 2 tiết/tuần.
Tạm dừng thí điểm
Theo Sở GD&ĐT Tiền Giang, từ ngày 20/10, Sở tạm dừng thí điểm Chương trình giáo dục kỹ năng sống bậc Tiểu học và THCS tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Trước đó, Chương trình giáo dục kỹ năng sống được triển khai tại các trường do Công ty cổ phần Phát triển giáo dục quốc tế GAIA thực hiện.
Chương trình này được sở chấp thuận thí điểm từ năm học 2022 - 2023 đến tháng 4/2025. Việc tổ chức dạy học kỹ năng sống được thực hiện trong nhà trường, một số nơi nhân sự của công ty dạy trực tiếp. Một số nơi công ty gửi chương trình cho nhà trường để giảng dạy và thu phí 60.000 đồng/học sinh/tháng.
Việc tổ chức dạy, học kỹ năng sống trong nhà trường trên tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là công ty bên ngoài kết hợp với nhà trường sử dụng tài sản công để giảng dạy, có thu phí. Sau khi kiểm tra, sở GD&ĐT phát hiện các cơ sở giáo dục có dấu hiệu vi phạm quy định về sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, đồng thời vi phạm quy định về các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn.
Theo đại điện sở GD&ĐT, để đảm bảo việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, ngành Giáo dục, nhà trường lồng ghép vào các môn học. Trên thực tế vẫn còn nhiều học sinh có kiến thức rất tốt nhưng lại thiếu kỹ năng sống, thụ động, ngại giao tiếp. Bên cạnh trang bị kiến thức, các trường tăng cường hoạt động câu lạc bộ đội nhóm liên quan đến phát triển năng khiếu của học sinh như chụp ảnh, thể thao, văn nghệ,… Các câu lạc bộ đội nhóm này chủ yếu giúp học sinh rèn luyện kỹ năng, thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng.
Sở đã có công văn yêu cầu Công ty GAIA tạm dừng triển khai thí điểm Chương trình giáo dục kỹ năng sống bậc Tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, sở cũng nhắc nhở các trường khắc phục sai sót.
Chị Nguyễn Ngọc Thủy, phụ huynh ngụ Phường 5, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, bên cạnh việc dạy kiến thức, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống là một trong những vấn đề nhận được nhiều kỳ vọng của phụ huynh. Nếu như trước đây phụ huynh và cả học sinh quan tâm nhiều về điểm số, thì hiện nay nhiều người lại quan tâm làm thế nào để học sinh phát triển kỹ năng sống, tự tin, năng động.
Câu chuyện giáo dục kỹ năng sống cho trẻ không phải là vấn đề mới. Thực tế nhiều năm qua, những nội dung giáo dục kỹ năng sống đã và đang được lồng ghép vào các hoạt động giáo dục trong nhà trường ở các cấp học. Tuy nhiên, việc triển khai này ở các trường học chưa thật sự đồng bộ, mang lại hiệu quả và còn nhiều lúng túng.
Giờ giáo dục kỹ năng của học sinh TP Mỹ Tho (Tiền Giang). |
Chú trọng giáo dục kỹ năng sống
Theo lời giới thiệu của một công ty giáo dục kỹ năng sống, chương trình giáo dục kỹ năng sống được xây dựng xuyên suốt từ mầm non đến THPT. Chủ đề giảng dạy gồm: Nhận biết tai nạn thương tích và phòng tránh nguy hiểm; Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em; Xây dựng sự tự tin; Quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với bạn bè; Thể hiện tình yêu thương; Trách nhiệm khi làm việc nhà; Giao tiếp trong trường học và nơi công cộng; Làm việc đội nhóm; Xử lý tình huống; Quan sát hiệu quả; Ăn uống hợp lý và khoa học.
Tuy nhiên, vấn đề phụ huynh quan tâm chính là chất lượng dạy kỹ năng sống và chương trình có đảm bảo tính giáo dục. “Chương trình GDPT mới đã có giáo dục kỹ năng sống thông qua môn Hoạt động trải nghiệm.
Nếu nhà trường tổ chức dạy kỹ năng sống thì rất hay, nhưng vấn đề phụ huynh quan tâm là công ty chỉ giao tài liệu cho giáo viên của trường giảng dạy. Còn chương trình giảng dạy do các công ty tự làm, không biết có được kiểm duyệt về nội dung, chương trình hay không?”, chị Phạm Lan Anh, phụ huynh ngụ huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết.
Tại TP Cần Thơ, ngành Giáo dục thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bằng giải pháp tích hợp vào các môn học chính khóa và hoạt động ngoài giờ. Các trường tổ chức hoạt động kỹ năng sống ngày càng đa dạng, phong phú, có hiệu quả.
Đến nay, 100% cơ sở giáo dục phổ thông thành lập Tổ tư vấn học đường. 100% cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện Kế hoạch phòng, ngừa bạo lực học đường; công tác xã hội; công tác tư vấn học đường; quy tắc ứng xử văn hóa… Các trường học tăng cường hoạt động trải nghiệm nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết vấn đề thực tiễn.
Như Trường Tiểu học Bình Thủy (quận Bình Thủy) có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Mỗi giáo viên tìm những hình thức phù hợp thực tế về rèn kỹ năng sống. Nhà trường có nhiều cách sinh hoạt nội dung này trong lễ chào cờ đầu tuần: Học sinh tham gia kể chuyện, đố vui về kiến thức kỹ năng sống. Trường còn thành lập các câu lạc bộ học tập, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; phối hợp với tổ chức, đơn vị tham gia cùng trường như Ban An toàn giao thông, Bảo tàng Cần Thơ, Ban Quản lý Di tích thành phố…
Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, mục đích của giáo dục kỹ năng sống là trang bị kiến thức và hình thành kỹ năng để các em vận dụng những điều đã học vào cuộc sống, cũng như nâng cao năng lực xã hội, học tập, làm việc sau này. Điều này đòi hỏi sự linh động của nhà trường, giáo viên để có hoạt động giáo dục kỹ năng sống khoa học, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.