“Liệu pháp sốc”?

GD&TĐ - Hai ngày qua, bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu” đã gây xôn xao trên báo chí và mạng xã hội. Hình ảnh những đứa trẻ hóa trang thành những bé gái mang bầu thực sự là một liệu pháp sốc, một lời cảnh báo đầy ám ảnh về nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam.

“Liệu pháp sốc”?

Bộ ảnh đi kèm những con số giật mình về tệ nạn này, trong bối cảnh hàng loạt vụ việc xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước thời gian qua, nên thực sự đã thu hút sự chú ý của người xem. Hơn là những con số đơn thuần trong các báo cáo hay trên báo chí, những em bé người mẫu - từ 8 -12 tuổi - phản ánh đúng độ tuổi trung bình của trẻ bị xâm hại với diễn xuất khá tốt, thể hiện sự sợ hãi, thất thần của trẻ thơ - đã tác động trực tiếp vào nhận thức của người xem, xoáy lên hồi chuông báo động đầy day dứt.

Nhưng tôi vẫn có những băn khoăn khi xem bộ ảnh này. Điều tôi lo ngại nhất, là liệu hình ảnh của các người mẫu nhỏ tuổi có bị lợi dụng? Mặc dù, như ê kíp thực hiện chia sẻ, họ làm với đầy tâm huyết và đã dành nhiều thời gian thuyết phục, giải thích cho gia đình và cho các em, và các gia đình đều đã đồng ý bằng văn bản, nhưng trong bối cảnh đầy phức tạp trên mạng xã hội, liệu có lúc nào hình ảnh của các em bị sử dụng sai mục đích? Nếu có ai đó vô tình hay ác ý xóa đi những dòng chữ thông điệp trên ảnh, nhất là khi cao điểm sóng về bộ ảnh qua đi, để dùng thuyết minh cho những mục đích riêng của họ, nhất là mục đích xấu, thì sẽ ra sao?

Trước đây, có lần tôi làm việc với một tổ chức bảo vệ quyền trẻ em và phụ nữ, đề cập đến việc thực hiện câu chuyện và hình ảnh về những phụ nữ bị quấy rối tình dục - xin lưu ý đối tượng được đề cập là người lớn, chúng tôi cũng đã được trao đổi rất kỹ về cách thực hiện hình ảnh. Dù để thực hiện phải có sự đồng ý của nhân vật, nhưng chúng tôi cũng sẽ không quay chụp trực tiếp gương mặt nhân vật, mà có thể sử dụng những kỹ thuật khác, như dùng tương phản sáng tối để che mặt nhân vật, chụp nghiêng, chụp sau lưng, chụp một phần gương mặt để không tiết lộ danh tính trong khi truyền đạt thông điệp - điều này những người làm hình ảnh sẽ hiểu rất rõ.

Ngoài ra, từ góc độ quyền trẻ em và phụ nữ, thông điệp mà bộ ảnh đưa ra cũng không thật sự rõ ràng. Nó dường như đang nhằm tới nạn nhân hơn là nhằm tới thủ phạm. Sẽ có sự thông cảm và chia sẻ với nạn nhân, nhưng liệu có xảy ra việc quay lại chỉ trích nạn nhân, cười cợt nạn nhân - như đã từng xảy ra, trong khi điều chủ chốt là phải lên án thủ phạm, tác động tới những thay đổi về pháp lý để trừng phạt nghiêm khắc thủ phạm!

Hơn nữa, giá bộ ảnh không chỉ nhấn vào một hậu quả của việc xâm hại trẻ em là mang bầu, mà truyền tải được cả thông điệp về một hậu quả khác phổ biến hơn, là những tác động dai dẳng đến tâm lý, tình cảm của các em như thế nào. Những tác động tâm lý đó có thể theo các em cả đời, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống tương lai của các em. Và giá như không chỉ thể hiện vấn đề đối với trẻ em gái, trong khi hiện tượng trẻ em trai là nạn nhân cũng ám ảnh không kém và đang ngày càng nhiều.

Một thông điệp tốt, ý định tốt, nhưng khi cách thể hiện tinh tế hơn, chắc sẽ gây tác động xã hội lớn hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.