Ngôn ngữ lập trình Pascal: Bài: 1: Không còn là lựa chọn số 1

GD&TĐ - Trong chương trình môn Tin học, bậc THCS năm học 2020 - 2021, ngôn ngữ lập trình Pascal không còn là lựa chọn số 1 của nhiều cơ sở giáo dục và giáo viên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

LTS: Để làm sáng tỏ thông tin xung quanh sáng kiến “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal”, được Hội đồng xét duyệt sáng kiến của Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang -Tháp Chàm công nhận Đạt, Báo GD&TĐ đã có công văn đề nghị Phòng cung cấp một số nội dung liên quan. Tuy nhiên, thông tin hồi đáp mà chúng tôi nhận được chưa đủ để trả lời kiến nghị của ông Lê Văn Huyên - Giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) - tác giả của sáng kiến trên. Ngoài việc đăng tải thông tin về việc tiếp nhận công văn trả lời của Phòng GD&ĐT TP Phan Rang – Tháp Chàm, Báo GD&TĐ đã tiếp tục có công văn (lần thứ hai) đề nghị Phòng cung cấp thông tin để trả lời bạn đọc được thấu đáo.

Trong khi chờ đợi trả lời của Phòng GD&ĐT TP Phan Rang - Tháp Chàm, để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải ý kiến của các giáo viên và chuyên gia tin học, nói rõ thêm về ngôn ngữ lập trình Pascal và có đáng để giáo viên chọn ngôn ngữ này làm sáng kiến hay không.

Bài: 1: Không còn là lựa chọn số 1

Trong chương trình môn Tin học, bậc THCS năm học 2020 - 2021, ngôn ngữ lập trình Pascal không còn là lựa chọn số 1 của nhiều cơ sở giáo dục và giáo viên. Thay vào đó, họ đã lựa chọn ngôn ngữ bậc cao để minh họa cho các cấu trúc lập trình cơ bản.

Chủ động “nâng trình”

Là giáo viên Tin học, trực tiếp dạy lớp 8, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Lào Cai), cô Mai Thị Hạnh Nguyên cho biết, trước đây dạy – học theo sách VNEN, cô vẫn dạy ngôn ngữ lập trình Pascal. Tuy nhiên, đây là ngôn ngữ lập trình đã cũ và lạc hậu nên từ năm học 2020 – 2021, nhà trường chuyển sang dạy ngôn ngữ lập trình C++ trên phần mềm Codeblock.

So với Pascal, C++ có nhiều ưu việt hơn. Đây là ngôn ngữ cao hơn, thích ứng với việc viết phần mềm, dễ cài đặt máy; đồng thời thích ứng với Chương trình giáo dục phổ thông mới - môn Tin học.

Ngoài ra, ở trường THPT, nhất là các trường chuyên và các trường đại học thường dùng ngôn ngữ lập trình C++. Vì thế, việc dạy học sinh ngôn ngữ lập trình này nhằm giúp các em sớm bắt nhịp khi bước vào môi trường học tập cao hơn.

Theo cô Trần Thị Lý - giáo viên Tin học, Trường THCS Nguyễn Trãi (Tân Kỳ, Nghệ An), môn Tin học lớp 8 theo chương trình tinh giản vẫn dành khá nhiều thời lượng tiết học cho chương trình máy tính, làm quen với chương trình và ngôn ngữ lập trình, làm quen với Free Pascal. Đây được coi là những bài mang tính “nền tảng” của môn Tin lớp 8.

Tuy nhiên, ngôn ngữ lập trình Pascal hiện nay đã lạc hậu, hầu như không được sử dụng trong thực tế. Vì vậy, cô vẫn dạy học sinh cơ bản về chương trình máy tính, nhưng thay ngôn ngữ Pascal bằng DevC++ hoặc Codeblock.

Trong đó Codeblock khá thông dụng và được sử dụng nhiều hiện nay, nhất là khi hướng dẫn học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật lĩnh vực tin học.

Là giáo viên được đào tạo chuyên ngành sư phạm Tin học, cô Lý cho biết: Khác với những môn văn hóa khác, Tin học mang tính chất ứng dụng nhiều hơn và có nhiều đổi mới trong thời đại 4.0.

“Tôi thường tìm tòi, tự học và áp dụng những cái mới cho học sinh. Theo quy định, dựa vào khung chương trình môn học cơ bản, giáo viên được quyền chủ động sử dụng tài liệu dạy học phù hợp. Việc dạy học như vậy sẽ hiệu quả và thiết thực cho học sinh” – cô Lý chia sẻ.

Theo cô Lý, năm học 2020 – 2021, chương trình tinh giản đối với lớp 8 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT phù hợp với học sinh. Cụ thể, những bài hướng dẫn cho học sinh về nhà như: Sử dụng lệnh lặp For..; Lặp với số lần chưa biết trước là đúng; luyện gõ phím nhanh là đúng đắn… Với phân phối chương trình này, cô vẫn dành thời gian hướng dẫn kỹ cho học sinh phần giải toán và vẽ hình không gian với Feogebra để học sinh nắm vững kiến thức cơ bản.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Đề pa” cho thực hiện Chương trình GDPT mới

Theo ông Phạm Tân Phương, mặc dù là huyện miền núi, nhưng đến nay có 18 trường THCS trên địa bàn đều triển khai dạy môn Tin học. Giáo viên phụ trách môn học này chủ yếu được đào tạo Toán – Tin của chương trình cao đẳng sư phạm. Những giáo viên này trước đây dạy Toán, nhưng do tình trạng thừa giáo viên bộ môn này ở bậc THCS nên các trường vận động họ chuyển sang phụ trách Tin học. 

Theo ông Phạm Tân Phương – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ (Nghệ An), môn Tin học theo chương trình hiện hành đối với bậc THCS (hiện nay là lớp 7, 8, 9) là môn tự chọn. Vì vậy, Phòng đã giao cho các trường, tùy điều kiện thực tế về giáo viên, cơ sở vật chất để tổ chức dạy học. Nội dung dạy học theo phân phối chương trình và tài liệu SGK của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, có một số kiến thức trong chương trình môn Tin học hiện hành đã lạc hậu, ít được sử dụng trong thực tế. Cụ thể như ngôn ngữ lập trình Pascal ở môn Tin học lớp 8. Vì vậy, nhiều giáo viên đã chủ động thay thế ngôn ngữ Pascal bằng DevC++ hoặc Codeblock.

Theo lý thuyết, giáo viên phải dạy theo chương trình quy định, nhưng qua khảo sát thực tế, trên địa bàn hiện chỉ còn 2 - 3 trường dạy ngôn ngữ lập trình Pascal, còn lại đã dùng ngôn ngữ lập trình thông dụng hơn để thay thế.

Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ cho hay: Gần đây, trong sáng kiến kinh nghiệm hoặc đề tài nghiên cứu khoa học của giáo viên Tin học trên địa bàn cũng không đề cập đến lập trình Pascal.

Về phía Phòng đã và đang tổ chức tập huấn, sinh hoạt trao đổi chuyên môn Tin học THCS cấp huyện hoặc cụm liên huyện theo hướng tiếp cận kiến thức, phương pháp mới, chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mặt khác, cách đây 2 năm, Sở GD&ĐT Nghệ An đưa môn Tin học vào thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Điều này đã tạo động lực cho giáo viên Tin nâng cao kiến thức chuyên môn trong dạy học và bồi dưỡng học sinh giỏi. Kết quả, năm học vừa qua, Tân Kỳ có 3/3 em dự thi học sinh giỏi tỉnh môn Tin đoạt giải.

Ông Phương chia sẻ, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tin học trở thành môn bắt buộc với yêu cầu kiến thức và phương pháp thay đổi. Do đó, Phòng GD&ĐT đã tham mưu với UBND huyện để có giải pháp phù hợp nhằm bổ sung đội ngũ giáo viên, đồng thời nâng cao chất lượng dạy học môn Tin đáp ứng Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Cụ thể, Phòng đề xuất tuyển dụng mới giáo viên có chuyên ngành ĐH Sư phạm Tin học. Trước mắt, tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có.

“Về lâu dài, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên môn Tin học, đặc biệt là những người được đào tạo sư phạm Toán – Tin của hệ cao đẳng trước đây. Kế hoạch khi được UBND huyện phê duyệt, chúng tôi sẽ phối hợp và đặt hàng với Trường ĐH Vinh đào tạo để theo đúng khung chương trình mới” - ông Phạm Tân Phương cho hay.

Ông Lê Anh Tuấn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Miện (Hải Dương) cho biết, năm học 2020 – 2021, toàn huyện có 5 trường THCS dạy học môn Tin học. Việc dạy và học môn này được bám sát với hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và của Sở GD&ĐT.

Đặc biệt, trong năm học 2020 – 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường THCS thực hiện điều chỉnh nội dung dạy – học theo hướng dẫn tại Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, giáo viên có thể lựa chọn bất kỳ ngôn ngữ bậc cao nào khác để minh họa cho các cấu trúc lập trình cơ bản thay vì sử dụng ngôn ngữ lập trình Pascal.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ