Hội nghị thượng đỉnh NATO, được tổ chức từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 7 tại Washington hóa ra có rất nhiều thỏa thuận và tuyên bố về sự hợp tác chung của các nước tham gia Liên minh để đối đầu với Nga trên mọi lĩnh vực.
Theo thông báo, Mỹ - quốc gia chỉ có 2 tàu phá băng, đã đồng ý với Phần Lan và Canada để hợp lực nhằm bắt kịp Liên bang Nga về sức mạnh đội tàu phá băng của nước này.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Dalip Singh đã công bố một “hiệp ước băng giá” 3 bên, trong đó Nhà Trắng có kế hoạch triển khai “dự án sức mạnh” ở khu vực Bắc Cực để “áp đặt các chuẩn mực theo hiệp ước quốc tế”.
Vị quan chức Mỹ thừa nhận nước này không có đủ số lượng tàu lớp băng và thua kém nghiêm trọng so với Nga về lĩnh vực trên nhưng bày tỏ hy vọng rằng thông qua nỗ lực chung, họ có thể tăng cường sản xuất tàu phá băng mới.
"Chúng tôi hiện chỉ có hai tàu phá băng ở vùng cực và chúng sắp hết thời gian hoạt động. Tuy nhiên Mỹ dự định tăng số lượng lên mức nhanh nhất có thể", ông Dalip Singh nói thêm.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia cảnh báo rằng nếu không thực hiện các thỏa thuận đã đạt được, Mỹ và đồng minh “có nguy cơ mất ưu thế” tại một địa bàn quan trọng có ý nghĩa địa chiến lược lớn.
Ông Singh ước tính Canada có khoảng hai chục tàu phá băng và hạm đội này của Phần Lan gồm 8 tàu. Vị quan chức trên hy vọng sẽ tăng tổng số tàu phá băng trong số những nước tham gia "Hiệp ước Bắc Cực" lên 70 - 90 chiếc trong thập kỷ tới.
Hiện tại Nga có đội tàu phá băng lớn nhất thế giới, bao gồm 34 tàu chạy bằng động cơ diesel và 7 tàu sử dụng năng lượng hạt nhân. Chưa dừng lại đây, một số tàu phá băng khác đang được chế tạo tại các nhà máy đóng tàu và ở mức độ sẵn sàng khác nhau.