Đổi thay nhờ tham gia tổ liên kết
Gia đình chị Y Khuyên (trú tại thôn Kon Rlong, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) có 1.000 m2 đất ruộng trồng lúa. Nhà chị Khuyên trồng trọt theo phương thức truyền thống nên mỗi vụ chỉ thu hoạch được khoảng 5 tạ lúa, do đó chỉ đủ lo cho 3 miệng ăn, chẳng dư dả.
“Làm lụng quanh năm chỉ đủ ăn nên cuộc sống gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. May mắn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk Kôi hỗ trợ, hướng dẫn gia đình tham gia vào tổ liên kết sản xuất lúa sạch. Tại đây tôi được hỗ trợ giống lúa, phân bón, kỹ thuật canh tác hữu cơ nên năng suất tăng, đạt khoảng 6-7 tạ lúa/vụ.
Mỗi mùa vụ, tôi đều trích ra 3 tạ lúa tập kết lại cùng các chị em để đem bán. Vì bán với số lượng lớn nên thương lái đến tận nơi thu mua, bà con đỡ vất vả. Từ đó, gia đình có thêm được nguồn thu nhập, kinh tế ổn định hơn”, chị Y Khuyên nói.
Theo chị Y Khuyên, khi kinh tế gia đình dần ổn định chị cũng mong muốn có thể sẻ chia kinh nghiệm, giúp đỡ bà con khó khăn tại thôn làng nhằm thay đổi nếp nghĩ cách làm. Từ đó, bà con sẽ biết áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để thoát khỏi đói nghèo, dần có cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, con cái có điều kiện học tập đủ đầy, sau này quay về xây dựng, phát triển quê hương.
Gia đình "5 không, 3 sạch"
Chị em “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất lúa sạch” hỗ trợ nhau để phát triển kinh tế. |
Chị Y Xanh – Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Kôi cho biết, đơn vị có 599 hội viên, sinh hoạt tại 9 chi hội, trong đó đa số hội viên là người dân tộc thiểu số. Kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, như trồng lúa nên chỉ đáp ứng được lương thực cho gia đình, không có thu nhập.
Nhận thấy nhiều hội viên thu nhập thấp nên Hội LHPN xã Đăk Kôi đã tham mưu cấp trên thành lập “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất lúa sạch”. Theo đó, vào năm 2021, từ nguồn vốn hơn 10 triệu đồng do Hội LHPN huyện Kon Rẫy hỗ trợ, Hội LHPN xã Đăk Kôi đã triển khai mô hình “Tổ phụ nữ liên kết trồng lúa sạch” trên quy mô 8.000 m2 đất ruộng với sự tham gia của 8 hộ hội viên phụ nữ thôn Kon Rlong.
Khi tham gia mô hình, hội viên được hỗ trợ về giống lúa, phân bón, kiến thức canh tác lúa đạt năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn. Đồng thời thay đổi phương thức canh tác, không dùng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc kích thích mà sử dụng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học. Từ đó, bà con vừa có thể tiết kiệm chi phí, vừa tạo ra được sản phẩm chất lượng đưa ra thị trường.
Theo chị Y Xanh, sau mỗi mùa vụ, tổ liên kết có trên 1,8 tấn lúa, bán với giá 8.000-9.000 đồng/kg, thu về được hơn 16 triệu đồng. Số tiền này sẽ được chia theo đúng khối lượng lúa mà mỗi tổ viên đóng góp.
Với mô hình này đã giúp cho nhiều hội viên phụ nữ DTTS trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ cách làm, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Bên cạnh đó đảm bảo được thị trường tiêu thụ, tăng thêm thu nhập cho hội viên. Đồng thời, mô hình “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất lúa sạch” cũng nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ và người dân về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thói quen sản xuất nông sản an toàn trong mỗi gia đình. Qua đó góp phần xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.
“Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động thêm nhiều hội viên tham gia vào mô hình “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất lúa sạch”. Bên cạnh đó, ngày càng nhân rộng mô hình tại các chi hội còn lại để bà con có cách làm hay, hiệu quả. Đồng thời, Hội sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan giúp đỡ, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, giống lúa cho các chị em. Với cách làm này sẽ giúp hội viên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình”, chị Y Xanh nói.