Thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò luân chuyển

GD&TĐ - Từ những gia đình khó khăn, phải chạy ăn từng bữa đến nay hàng chục hộ dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò luân chuyển.

Nhờ con bò từ mô hình nuôi luân chuyển, gia đình anh A Tân đã thoát nghèo.
Nhờ con bò từ mô hình nuôi luân chuyển, gia đình anh A Tân đã thoát nghèo.

Giúp nhau giảm nghèo

Hưởng ứng phong trào cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, năm 2015 Chi hội CCB thôn Kon Jong (xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum) xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản luân chuyển.

Lúc bấy giờ kinh phí hạn chế nên hội viên thống nhất thành lập tổ làm công gây quỹ với mục đích mua bò về thực hiện mô hình. Với 18 thành viên là hội viên CCB, mọi người nhận làm mọi việc với mức lương 100.000 đồng/công. Vài tháng triển khai, tổ đã gây quỹ được hơn 10 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được chi cho việc mua bò mẹ để thực hiện nuôi luân chuyển.

Ông A Ir – Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Kon Jong cho biết, mô hình được hoạt động theo hình thức các hộ thực hiện cam kết nhận nuôi bò đến khi đẻ ra bê thì luân chuyển bò mẹ cho gia đình khác. Qua một thời gian thực hiện, mô hình đã luân chuyển cho 7 hộ (trong đó có 5 hộ nghèo). Sau gần 8 năm, mô hình này đã giúp 5 hội viên CCB nghèo của chi hội thoát nghèo bền vững. Hiện tại, trong Chi hội thôn Kon Jong không còn hội viên thuộc diện hộ nghèo.

Anh A Tân (thôn Kon Jong, xã Ngọc Réo) trước đây thuộc diện hộ nghèo, không có việc làm ổn định, ai thuê gì làm nấy. Cuộc sống bấp bênh nên khi hay tin có mô hình nuôi bò luân chuyển anh liền đăng kí tham gia. Năm 2019 gia đình anh được hỗ trợ bò mẹ để nuôi. Chỉ một thời gian bò đã sinh trưởng, phát triển tốt. Gia đình anh Tân cũng trồng thêm cỏ để làm thức ăn cho bò. Đến nay, từ một con bê gia đình được sở hữu đã nhân lên thành 3 con.

“Nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ việc nuôi bò luân chuyển cuộc sống gia đình tôi dần ổn định. Từ một hộ nghèo, cái ăn xoay sở từng bữa. Giờ đây cuộc sống của tôi đã bớt khó khăn hơn”, anh A Tân tâm sự.

Ông U Nhiếu – Chủ tịch Hội CCB xã Ngọc Réo cho biết, toàn xã có 210 hội viên CCB, sinh hoạt tại 7 chi hội. Thời gian qua, các chi hội đã xây dựng nhiều mô hình, giải pháp để giúp nhau phát triển kinh tế, như: nuôi bò sinh sản luân chuyển, xây dựng quỹ xoay vòng giúp nhau phát triển kinh tế, đóng góp ngày công, vật liệu hỗ trợ xây nhà cho hội viên nghèo… Nhờ vậy tỷ lệ hội viên CCB nghèo, cận nghèo của xã giảm mạnh.

Theo ông U Nhiếu, từ năm 2022 đến nay đã giảm được 18 hộ hội viên nghèo, hiện xã còn 20 hộ hội viên nghèo (chiếm tỷ lệ 9,5%).

Nhân rộng mô hình

Cán bộ Hội cựu chiến binh xã Sa Loong xuống thăm, kiểm tra bò để phòng, chống dịch bệnh.
Cán bộ Hội cựu chiến binh xã Sa Loong xuống thăm, kiểm tra bò để phòng, chống dịch bệnh.

Tương tự, từ nguồn vốn xã hội hóa do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ, năm 2017 Hội CCB xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) đã thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản luân chuyển với 1 con bò giống, tổng kinh phí 14,5 triệu đồng.

Trước kia thuộc diện hộ nghèo, gia đình anh Hoàng Văn Hùng (thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong) sống nhờ vào 1ha rẫy trồng mì. Cuộc sống khó khăn, anh được vận động tham gia mô hình nuôi bò sinh sản luân chuyển để phát triển kinh tế. Năm 2021, gia đình anh được nhận luân chuyển bò giống. Sau gần một năm chăm sóc, bò mẹ đã sinh được con bê khỏe mạnh.

“Trước kia tôi mong ước có tiền để mua con trâu, con bò nuôi. Thế nhưng cuộc sống quá khó khăn, chạy ăn từng bữa nên điều đó mãi chẳng thể thực hiện. May mắn tôi tham gia mô hình chăn nuôi bò sinh sản luân chuyển. Giờ đây tôi đã có một con bò là tài sản riêng. Hy vọng ít năm nữa sẽ nhân giống lên thành một đàn bò”, anh Hùng nói.

Ông Bùi Văn Thắng – Chủ tịch Hội CCB xã Sa Loong cho hay, sau 6 năm triển khai, từ 1 con bò mẹ ban đầu nay đã sinh sản được 4 con để hỗ trợ cho 4 hội viên khó khăn. Năm 2022, UBND xã Sa Loong đã hỗ trợ thêm 6 con bò giống sinh sản. Đến năm 2023, Hội CCB huyện Ngọc Hồi cũng hỗ trợ 1 con bò để Hội CCB xã tiếp tục nhân rộng mô hình.

Theo ông Thắng, để mô hình thực sự mang lại hiệu quả, Hội CCB xã thường xuyên kiểm tra, giám sát định kỳ về tình hình sinh trưởng, phát triển của bò. Đồng thời, các hộ thực hiện cam kết chăm sóc tốt cho bò mẹ, khi phát hiện bệnh phải báo ngay cho cán bộ hội. Thời gian tới, Hội CCB xã sẽ tiếp tục vận động các nguồn xã hội hóa để nhân rộng mô hình. Qua đó, tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ nhiều hơn để tất các hội viên khó khăn tại địa phương có điều kiện chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ