Liên hoan chưa xứng với mác… 'quốc tế'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm 2022, nghệ thuật biểu diễn nước nhà, nhất là sân khấu khá tưng bừng khởi sắc với hàng loạt liên hoan trong nước và quốc tế.

Nghệ sĩ Hàn Quốc diễn cùng con rối nhồi bông trong vở diễn 'Bí ẩn của nhà YVUA' (The Mystery of the House of YVUA). Ảnh: HTD.
Nghệ sĩ Hàn Quốc diễn cùng con rối nhồi bông trong vở diễn 'Bí ẩn của nhà YVUA' (The Mystery of the House of YVUA). Ảnh: HTD.

Có thể thấy, nếu như các liên hoan trong nước quy tụ được lực lượng tham gia hùng hậu thì liên hoan có quy mô mở rộng như Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ V lại chưa thực sự xứng với mác… “quốc tế”!

Nhạt nhòa trò cũ

Chỉ có 4 đoàn quốc tế đến Hà Nội so tài với 15 đơn vị nghệ thuật nước chủ nhà tại Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm. Đó là 4 đoàn (Italy, Hàn Quốc, Singapore và Ba Lan) không trễ hẹn trong số 7 đoàn quốc tế được chọn và mời tham dự liên hoan.

Bởi sự ít ỏi ấy mà khán giả mến mộ sân khấu càng không khỏi mong chờ từng suất diễn của nghệ sĩ nước ngoài. Trong đó, đoàn Tom Corradini Teatro (Italy) mở màn bằng câu chuyện về “Anh em nhà Lehman” (The Lehman Brothers).

Tiếp đó là đoàn Patch Theater (Ba Lan) kể “Câu chuyện biển cả” (Sea Stories), đoàn Singapore Raffles Music College kể chuyện “Họa bì” (The Painted Skin) và suất diễn cuối cùng là vở “Bí ẩn của nhà YVUA” (The Mystery of the House of YVUA) của đoàn Yvua Arts (Hàn Quốc) được mong đợi nhất vì mấy liên hoan trước các nghệ sĩ đến từ Hàn Quốc luôn mang đến những vở diễn ấn tượng như vở “Nghiệp chướng”.

Với “Anh em nhà Lehman”, các nghệ sĩ sử dụng ngôn ngữ kịch hình thể không lời để chuyển tải nội dung, thông điệp của vở diễn. Theo như chia sẻ của đạo diễn đến từ Italy, sở dĩ ông chọn “Anh em nhà Lehman” tham dự liên hoan là vì câu chuyện mà vở kịch đề cập đến - về nỗi sợ hãi của con người trong việc kiếm tiền mưu sinh, kể cả với những kẻ giàu có - mang tính toàn cầu và của mọi thời đại.

Những thử nghiệm trong vở kịch đó có thể kể đến yếu tố điện ảnh cùng kết cấu giống như một cuốn phim. Đặc biệt, ê kíp sáng tạo chú trọng đến hài kịch hình thể để khán giả có thể bật cười từ những điều buồn tẻ. “Đó là sự kết nối cảm xúc của chúng tôi với khán giả để khán giả nghĩ và đặt câu hỏi: Tại sao lại như thế?”, đạo diễn vở “Anh em nhà Lehman” chia sẻ.

Thế nhưng, ở Việt Nam, kịch hình thể không lời vốn xuất hiện từ mấy mươi năm trước, có giai đoạn phát triển mạnh mẽ song đến giờ gần như không thể đứng độc lập, hoàn chỉnh trong một vở diễn.

Đã thế, cách kể chuyện buồn tẻ và có lúc sa vào kịch sinh hoạt tự nhiên chủ nghĩa đến thô tục mà vẫn không đủ sức chuyển tải thông điệp mang tính thời đại nên vở diễn của đoàn Italy chưa thể khiến khán giả chủ nhà hứng thú.

Với những vở diễn của Ba Lan và Hàn Quốc, cùng với ngôn ngữ kịch hình thể, các nghệ sĩ còn kết hợp biểu diễn với con rối. Theo đại diện đoàn Ba Lan, họ là một đoàn nghệ thuật đường phố mang đến liên hoan vở diễn “Câu chuyện biển cả”.

Để thu hút khán giả ở công cộng, họ thường dựng những vở diễn có trang trí rực rỡ, bắt mắt và mở ra xứ sở thần tiên bằng những trò diễn của các con rối cho trẻ em khám phá. Mục tiêu của họ là khán giả dễ tiếp cận và thay vì khán giả tìm đến nghệ sĩ thì nghệ sĩ sẽ chủ động đến với khán giả, kéo khán giả còn xa lạ với sân khấu lại gần…

Còn đại diện của Hàn Quốc thì chia sẻ rằng, vì được dàn dựng vào thời điểm dịch Covid-19, các nghệ sĩ đã nghĩ ra cách “tiết kiệm” diễn viên người thật bằng diễn viên… con rối. Vì vậy, vở “Bí ẩn của nhà YVUA” có 9-10 vai diễn song thực tế chỉ có 3 nghệ sĩ là người thật còn lại là… con rối nhồi bông.

Riêng với vở “Họa bì” được thực hiện bởi những “diễn viên” sinh viên đến từ Trường Cao đẳng âm nhạc Raffles Singapore. Bằng tình yêu sân khấu, những sinh viên ấy đã tự lo kính phí, chọn hình thức ca kịch để kể câu chuyện đồ sộ của kịch bản kinh điển “Họa bì” chỉ trong vòng gần một giờ đồng hồ.

Có thể thấy, các nghệ sĩ quốc tế cũng rất nỗ lực xây dựng những mục đích cao cả cho việc sáng tạo nghệ thuật của mình và được ban giám khảo liên hoan ghi nhận: “Đều thể hiện được ý đồ thử nghiệm bằng thực tiễn vở diễn: Sân khấu vài ba nhân vật mà diễn xuất chủ yếu là trò nhời có sự kết hợp với trò diễn, tổng hợp các yếu tố nói – nói lối, hát, động tác biểu hiện ước lệ, cách điệu và vũ đạo, diễn với con rối và các đồ vật (đạo cụ) hiện diện trên sàn diễn”, PGS. TS Tất Thắng - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo tổng kết liên hoan.

Thế nhưng, nếu lấy thước đo từ khán giả thì dễ dàng nhận thấy những vở diễn quốc tế tham gia liên hoan lần này chưa đáp ứng được sự mong đợi vì chưa đủ sức thuyết phục từ nội dung cho đến kỹ thuật dàn dựng, thiết kế sân khấu và cả diễn xuất. Cả 4 vở diễn của 4 đoàn đều nhạt nhòa trong trò cũ với kịch hình thể, ca múa và kết hợp với con rối.

Sân khấu biểu diễn ở đường phố của đoàn Ba Lan trong vở diễn 'Câu chuyện biển cả' (Sea Stories) dựng trên sân khấu hộp của Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V - 2022. Ảnh: HTD.

Sân khấu biểu diễn ở đường phố của đoàn Ba Lan trong vở diễn 'Câu chuyện biển cả' (Sea Stories) dựng trên sân khấu hộp của Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V - 2022. Ảnh: HTD.

Xem nay ước… xưa

Để có thể đi được chặng đường khá dài - 20 năm với 5 kỳ liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm (dù bị gián đoạn 10 năm giữa lần liên hoan thứ 2 và thứ 3) là cả sự nỗ lực không nhỏ của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Cũng bởi, việc tổ chức và mời được các đoàn quốc tế đem những tác phẩm chất lượng, có yếu tố thử nghiệm rõ nét đến Việt Nam tham gia liên hoan chưa khi nào dễ dàng. Vậy nhưng, ở 4 kỳ liên hoan trước, ban tổ chức đã làm khá tốt việc khó ấy để có thể tưng bừng bày tiệc nghệ thuật đặc sắc của các châu lục ngay tại Hà Nội.

Cụ thể, ngay từ kỳ liên hoan lần thứ nhất (2002), ban tổ chức đã mời được các đoàn Trung Quốc, Thụy Điển và Hàn Quốc so tài với 11 đoàn trong nước. Đến kỳ liên hoan lần thứ II (2006), có 7 đoàn của Pháp, Australia, Thụy Điển, Na Uy, Trung Quốc, Campuchia và Lào trong khi chỉ có 4 đoàn Việt Nam tham dự.

Kỳ liên hoan lần thứ III trở lại sau 10 năm, 2016, với sức hút đặc biệt nên có tới 39 đoàn quốc tế đăng ký và chỉ có 8 vở diễn, tiết mục quốc tế hội đủ các nền sân khấu đặc sắc không chỉ của châu Á, châu Âu như: Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Đức, Pháp, Hi Lạp mà còn có cả đại diện của châu Mỹ: Panama, được mời tham dự.

Việt Nam chọn 8 vở diễn của 8 đơn vị nghệ thuật từ 19 vở diễn của 16 đơn vị nghệ thuật trong nước tham dự. Đến kỳ liên hoan lần thứ IV (2019), 7 đoàn nghệ thuật quốc tế, gồm: Hungary, Israel, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và Hy Lạp so tài với 14 đoàn nghệ thuật Việt Nam.

Tiếc là, tại kỳ liên hoan lần thứ V, trong khi các đoàn nghệ thuật Việt Nam tiếp tục tăng về số lượng với 15 vở diễn của 16 đơn vị thì phía quốc tế chỉ còn 4 vở diễn của 4 đoàn.

Thực ra, ban đầu ban tổ chức liên hoan chọn và mời 7 đoàn song đến phút chót 3 đoàn phải hủy lịch, gồm Trung Quốc (vì dịch Covid-19) và Ấn Độ, Pakistan (vì lý do khách quan - theo như thông báo của ban tổ chức).

Việc vắng gần nửa số đoàn được chọn tham gia liên hoan đã khiến khán giả thêm kỳ vọng vào những vở diễn thực sự đặc sắc từ những đoàn có thể đến và trình diễn với công chúng Việt Nam dịp này. Thế nhưng…

Có thể thấy, cách biểu diễn thiếu đầu tư, có phần hời hợt, thậm chí khá nghiệp dư của 4 đoàn quốc tế tại liên hoan lần thứ V khiến cho khán giả không khỏi hồ nghi về khâu tuyển chọn của ban tổ chức.

Như chia sẻ tại hội thảo liên hoan của NSND Hoài Huệ, một trong 4 thành viên hội đồng thẩm định ban đầu, sau gần 2 tháng xem 43 vở quốc tế, 25 vở Việt Nam, cuối cùng hội đồng thẩm định chỉ chọn được 9 vở quốc tế, 15 vở Việt Nam.

“Theo tôi, vở diễn Việt Nam được chọn tương đối nhiều song vở quốc tế chỉ có 9 vở và sang tham dự chỉ còn 4 vở. Thực sự chất lượng các vở viễn quốc tế kỳ này so với 4 kỳ trước rất yếu, nên chỉ chọn được như vậy”, NSND Hoài Huệ cho hay.

Cũng tại hội thảo này, lý giải thêm về sự “đuối” của các đoàn quốc tế, đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà – Trưởng ban tổ chức liên hoan cho biết: “Với kinh phí hạn hẹp, để mời được những trung tâm kịch nổi tiếng thế giới và những đoàn nghệ thuật có lực lượng diễn viên hùng hậu rất khó.

Vả lại, với các đoàn nghệ thuật quốc tế, họ thường chú trọng đến việc đi tìm một hình thức thể hiện mới, giải mã kịch bản theo cách của họ để từ đó giới thiệu tại liên hoan, như cách nghệ sĩ Hy Lạp từng biểu diễn ở liên hoan lần thứ 4 khi chuyển thể bộ phim nổi tiếng “Cánh đồng đẫm máu” sang kịch…”.

Tất nhiên, sẽ có nhiều lý do được đưa ra để mọi người cùng chia sẻ, cảm thông, nhất là giữa bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành suốt mấy năm qua.

Song đây vẫn là thực tế không ai mong đợi, khiến Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V chưa thực sự thành công theo như mong muốn của ban tổ chức để giới sân khấu nước nhà được: “giao lưu học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận với những tinh túy nghệ thuật trên thế giới”.

Vậy, để các kỳ liên hoan sau không bị “chệch mục tiêu” ban đầu, thiết nghĩ cần lắm sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn từ phía ban tổ chức cũng như sự quan tâm của các cơ quan ban ngành trong việc chọn và mời các đoàn quốc tế thực sự chất lượng, uy tín tham dự.

Điều này không phải không làm được khi 4 kỳ liên hoan trước có không ít đoàn quốc tế xuất sắc mang đến cho liên hoan những luồng gió mới. Chẳng hạn, ở kỳ liên hoan lần thứ IV có đoàn nghệ thuật Ayit - Israel với vở “Bpolar” (Huy chương Vàng liên hoan lần thứ IV), đoàn Hy Lạp với vở “Cánh đồng đẫm máu”, đoàn Ấn Độ với vở “Macbeth Mirror”, đoàn Trung Quốc với vở “Câu chuyện về bức tranh cổ” (Huy chương Bạc).

Kỳ liên hoan lần thứ III, đoàn Theatre Centre Without Walls của Nhật Bản với vở “Chim hải âu”, Trung tâm nghệ thuật kinh kịch tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) với vở “Ramayana” giành Huy chương Vàng; đoàn kịch Familie Flöz, Đức với vở “Khách sạn thiên đường”; đoàn kịch Tanghalang Ateneo (Philippines) với vở “Mối tình trong sáng” giành Huy chương Bạc.

Mong rằng, mỗi kỳ liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm tiếp theo sẽ là một “cuộc chơi” cân bằng, xứng với mác… “quốc tế” và không còn để khán giả phải thở dài: “Xem nay nhớ… xưa”!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.