Xiếc lại… vui liên hoan quốc tế

GD&TĐ - Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 được khai mạc lúc 20 giờ ngày 2/12 và khép lại vào tối ngày 7/12/2022.

Poster Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 tại Hà Nội. Ảnh: BTC
Poster Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 tại Hà Nội. Ảnh: BTC

Đây là dịp “đến hẹn lại lên” để nghệ sĩ xiếc Việt Nam cùng vui liên hoan nhưng tiếc là còn thiếu vắng nhiều đoàn quốc tế uy tín.

Gần 30 tiết mục so tài

Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức. Sự kiện quốc tế này được tổ chức đúng vào dịp Liên đoàn Xiếc Việt Nam kỷ niệm “100 năm xiếc Việt Nam”.

Theo thông tin từ Cục Nghệ thuật biểu diễn, 9 đoàn nghệ thuật đến từ 6 quốc gia sẽ tham dự Liên hoan Xiếc quốc tế 2022. Trong đó, nước chủ nhà Việt Nam có 4 đơn vị, gồm: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.

Như vậy, nếu như ở những kỳ liên hoan trước, đoàn Việt Nam có 6 hoặc 5 đơn vị nghệ thuật tham dự thì kỳ liên hoan này bị giảm còn có 4 đơn vị. Còn về phía quốc tế chỉ có 5 đoàn đến từ các nước: Canada, Belarus, Lào, Campuchia và Ai Cập góp mặt.

Được biết, tổng số tiết mục tranh tài tại liên hoan là 29, được chia làm 4 buổi thi tại Rạp Xiếc Trung ương, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, số 67 - 69 Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Các buổi thi đều được bắt đầu lúc 20 giờ các ngày 2, 3 và 5, 6/12, trong đó nội dung thi của hai buổi sau (5 và 6/12) là biểu diễn lần 2 của các đoàn, tức là mỗi đoàn sẽ có 2 lần biểu diễn 1 tiết mục dự thi.

Vì được tổ chức vào các ngày cuối tuần nên nghệ sĩ xiếc Việt Nam và quốc tế còn có những buổi diễu hành, hoạt náo và trình diễn đường phố. Cụ thể, tại phố đi bộ xung quanh hồ Gươm, Hà Nội, lúc 15 giờ ngày 3/12 các nghệ sĩ xiếc tham dự liên hoan sẽ diễu hành.

Lúc 16 giờ các ngày 3 và 4/12 nghệ sĩ các đơn vị: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Campuchia, Lào và Ai Cập sẽ biểu diễn phục vụ nhân dân cũng ở không gian phố đi bộ xung quanh hồ Gươm.

Tiết mục “Đu nón” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tham dự Liên hoan Xiếc quốc tế 2022. Ảnh: BTC.

Tiết mục “Đu nón” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tham dự Liên hoan Xiếc quốc tế 2022. Ảnh: BTC.

Thiếu vắng đoàn quốc tế uy tín

“Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 là sự kiện văn hóa, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, là nơi hội tụ các đơn vị nghệ thuật xiếc trên toàn quốc và các đoàn nghệ thuật xiếc tiêu biểu đến từ nhiều quốc gia… Đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý nghệ thuật, các nghệ sĩ xiếc Việt Nam giao lưu, học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị quốc tế trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật”. NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 chỉ có 5 đoàn quốc tế tham dự - một con số thấp nhất trong lịch sử tổ chức liên hoan xiếc quốc tế tại Hà Nội từ trước đến nay.

Cụ thể, liên hoan đầu tiên, năm 1997 có tới 14 đoàn xiếc chuyên nghiệp đến từ 13 nước tham dự, năm 2004 có 7 đoàn, năm 2010 có 8 đoàn, năm 2012 có 10 đoàn, năm 2016 có 6 đoàn và năm 2019 có 8 đoàn.

Cùng với đó, trong 5 đoàn quốc tế tham dự liên hoan lần này (Lào, Campuchia, Ai Cập, Canada, Belarus) gần như thiếu vắng những cái tên đến từ các nước được đánh giá là có sự phát triển mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật xiếc như Nga, Trung Quốc, Mông Cổ, Hy Lạp, Hungary, Pháp, Cuba, Mỹ…

Theo lý giải từ ban tổ chức, bởi diễn ra trong bối cảnh gần 3 năm qua thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đã chịu tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19, sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đặc biệt là quốc tế tại liên hoan là sự cố gắng rất lớn.

Tuy nhiên, nhìn vào danh sách 29 tiết mục sẽ tranh tài tại liên hoan mà ban tổ chức thông tin, dễ dàng nhận thấy sự “áp đảo” của 4 đơn vị nghệ thuật Việt Nam, chiếm gần 2/3 với 17 tiết mục. Trong đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tham gia nhiều nhất, gồm 6 tiết mục: “Nhào lộn trên cầu”, “Đu quăng nam nữ”, “Đế trụ”, “Dây căng cao”, “Đu nón”, “Chiếc bình không gian”.

Cùng tham gia 5 tiết mục có Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam với: “Hồn Lạc Việt” (hình tượng 4), “Âm vang cổng trời” (cầu bật), “Hương sắc vùng cao”, “Màu của gió”, “Lời của biển” và Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam với: “Khởi nguồn”, “Hình tượng trung tâm nam”, “Giấc mơ tình yêu”, “Xe đạp tập thể”, “Tung hứng 4”. Riêng Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội chỉ tham gia duy nhất tiết mục: “Sắc màu vùng cao”.

Về phía các đoàn quốc tế, trong 12 tiết mục tham gia liên hoan, đoàn đến từ Ai Cập có đến 5 tiết mục: “Tung bóng”, “Xe chỉ”, “Hề xiếc”, “Xe đạp”, “Leo cột”; đoàn đến từ Lào tham gia 3 tiết mục: “Dây lụa đôi”, “Dây da nam”, “Lắc vòng”; đoàn đến từ Campuchia tham gia 2 tiết mục: “Nhào lộn - thể dục – 3 nam” và “Tung bóng”. Hai đoàn chỉ tham gia 1 tiết mục là Belarus với “Đu vòng” và Canada với “Dây lụa đôi”.

Ở đây có nhiều tiết mục nghe tên gọi mang màu sắc giống nhau như Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ với một “Hương sắc vùng cao” thì Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội lại là một “Sắc màu vùng cao”.

Cùng là trò “Tung bóng” có đến 2 đoàn biểu diễn: Đoàn đến từ Ai Cập và đến từ Campuchia; hay tiết mục “Dây lụa đôi” đều được đoàn đến từ Canada và Lào đăng ký dự thi. Tất nhiên, với nghệ thuật xiếc, từ những động tác cơ bản, người nghệ sĩ sẽ phát triển thành những trò diễn, tiết mục mới.

Có thể cùng một tiết mục, song kỹ thuật biểu diễn của mỗi nghệ sĩ đạt đến trình độ khác nhau. Tuy nhiên, giữa tiết mục của các đoàn nếu có sự tương đồng hay trùng lặp quá nhiều sẽ dễ khiến khán giả cảm thấy nhàm, kém phần hấp dẫn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ