Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ IV: Có hết “mơ màng” về… thử nghiệm?

GD&TĐ - Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đang tích cực thẩm định những tác phẩm sân khấu của các đơn vị nghệ thuật trong nước cũng như nước ngoài để chuẩn bị cho kỳ Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ IV sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới. 

Vở kịch “Dưới cát là nước” của Nhà hát Kịch nói Quân đội giành Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ 4. Ảnh: Bình Thanh.
Vở kịch “Dưới cát là nước” của Nhà hát Kịch nói Quân đội giành Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ 4. Ảnh: Bình Thanh.

Có thể thấy, đây là một sân chơi đem đến cho các đơn vị nghệ thuật niềm hứng khởi để sáng tạo, nhưng liệu rằng đến kỳ liên hoan này chuyện thử nghiệm của sân khấu sẽ hết “mơ màng”?

Gần trăm vở... đua suất dự liên hoan

Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSƯT Lê Chức vui mừng chia sẻ, Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ IV đang đón nhận một sự cộng hưởng của quốc tế.

Từ những kỳ liên hoan đầu chỉ có một vài đơn vị tham gia thì năm nay có tới 53 đơn vị quốc tế gửi đăng ký. “Rõ ràng, không phải đơn giản mà liên hoan cũng như Hà Nội có được sức hấp dẫn đến các bạn quốc tế đến như vậy” - NSƯT Lê Chức nói.

Cùng với niềm vui đó, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tiết lộ thêm, trong số 53 đơn vị quốc tế đăng ký tham gia liên hoan đúng thời hạn (có 7 vở bị loại vì quá thời hạn) thì hội đồng nghệ thuật của liên hoan sẽ chọn 10 tiết mục chính thức cùng 4 tiết mục dự phòng (nhỡ có đoàn không có kinh phí đến với liên hoan) để chốt danh sách.

Còn các đơn vị nghệ thuật trong nước cũng đang nỗ lực xây dựng các tác phẩm mới, hoặc chau chuốt lại những tác phẩm đã được dàn dựng trước đó để đăng ký tham gia.

Theo NSND Lê Tiến Thọ, từ khoảng gần 30 tác phẩm của các đơn vị nghệ thuật trong nước đăng ký, hội đồng nghệ thuật sẽ chọn lọc ra khoảng 10 tác phẩm xuất sắc nhất để cùng với 10 tác phẩm quốc tế đua tài tại liên hoan, dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4 - 13/10.

Dù rằng, ban tổ chức vẫn đặt ra mục đích “nhẹ nhàng” giống như bao kỳ liên hoan khác, rằng: Sẽ có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần giao lưu hội nhập, phát triển văn hóa, nghệ thuật… thế nhưng có thể thấy, để giành được vé tham dự Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ IV năm nay thực không dễ dàng. Mỗi vở diễn phải cạnh tranh theo tỉ lệ 1 chọi 4.

Sẽ hết “mơ màng” về... thử nghiệm?

Còn nhớ, ở kỳ Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ III năm 2016, dù liên hoan đã đi được 1/3 chặng đường nhưng tại hội thảo bên lề thì tiêu chí thử nghiệm trong một tác phẩm sân khấu vẫn tiếp tục được các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ đưa ra… tranh luận.

Trước câu hỏi về tiêu chí thử nghiệm trong một tác phẩm sân khấu thì xem ra các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ vẫn chưa có tiêu chí thống nhất nào được đưa ra và mọi cách nhìn nhận về thử nghiệm xem ra khá mơ hồ.

Theo diễn viên Luis Sierra, đến từ đoàn kịch Daleuero, Cộng hòa Panama, thử nghiệm không phải là cứ phải tạo ra cái gì hoàn toàn mới mà là việc vận dụng tất cả những gì mình có trong tay bằng nhiều cách khác nhau để lột tả cảm xúc, hành động biểu đạt những vấn đề người nghệ sĩ muốn nói đến.

Đạo diễn, tác giả Alain Destandau thì nói về tính biện chứng của sự vận động nói chung mà sân khấu không nằm ngoài quy luật đó.

Ông khẳng định: “Chúng ta đang lúng túng tìm ra thế nào là sân khấu thử nghiệm trong khi sân khấu giống như một bánh xe quay và cứ thế tiến triển. Sự tiến triển này có khi được sáng tạo từ quá khứ mà vẫn là cái mới. Thế nên, câu chuyện cần bàn đến ở đây là sự tự do trong sáng tạo của nghệ sĩ (gồm cả tác giả, diễn viên, đạo diễn) trên cơ sở từ nhu cầu của khán giả hôm qua hay hôm nay hay ngày mai”.

Tiến sĩ Chua Soo Pong (Singapore) lại gọi thử nghiệm sân khấu cũng giống như thử nghiệm hóa học vậy - trộn lẫn nhiều loại hình vào nhau xem thu được kết quả gì.

Ông Chua luôn đặc biệt nhấn mạnh về sự mới mẻ của mỗi một nền sân khấu phần lớn được quyết định từ sự khác biệt của các yếu tố văn hóa bản địa được sử dụng như thế nào cho đặc sắc, từ đó được kết nối bằng sợi dây từ tác giả đến diễn viên để đến khán giả.

Trong khi đó, đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng, không nên đưa ra một quy tắc gì cho sân khấu thử nghiệm mà nên chấp nhận mọi hình thức sân khấu đang và sẽ làm. Qua đó, công chúng hãy có cái nhìn thoáng hơn về vấn đề này để được thưởng thức trọn vẹn hơn mỗi tác phẩm sân khấu đồng thời qua đó thấy được những gợi ý cho sân khấu tương lai.

Còn nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã thẳng thắn phê phán rằng, nhiều khi mọi người cứ quá nặng nề về khái niệm.

“Xưa, chúng ta toàn đưa ra thử nghiệm cho người làm sân khấu nhưng giờ là thử nghiệm cho khán giả. Thế nên, tôi quan niệm rằng, đừng hỏi vở diễn này tác giả, đạo diễn, diễn viên ở đâu, làm thế nào mà hãy đặt câu hỏi khán giả đang ở đâu nhỉ và tác phẩm đi đến trái tim khán giả một cách nhanh nhất chính là thành công của thử nghiệm” - nhà văn Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Đến kỳ liên hoan năm nay, ngay trong thông báo gửi đến các đơn vị nghệ thuật, ban tổ chức có đưa ra 3 tiêu chí cho vở diễn gồm: Kịch bản phải có thời lượng để biểu diễn tối thiểu 70 phút, tối đa không quá 120 phút (kể cả nghỉ giải lao); riêng nghệ thuật múa rối, xiếc tính thời gian theo tiết mục.

Các kịch bản tham dự liên hoan phải có sự tìm tòi khám phá mới, có tính thử nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của các thành phần như: Biên kịch, đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, diễn xuất, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, kỹ thuật, nghệ thuật hình thể và những yếu tố nghệ thuật khác.

Những thử nghiệm trong mỗi kịch bản phải mang tính hiệu quả về nội dung và chất lượng nghệ thuật phù hợp với thuần phong, mỹ tục của mỗi quốc gia, hướng tới khán giả với những giá trị chân - thiện - mỹ.

Với những tiêu chí này, kỳ liên hoan năm nay, tại các cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, các chuyên gia và nghệ sĩ có còn tiếp tục tranh luận về chuyện thử nghiệm hay không, chắc vẫn phải chờ hồi sau sẽ… rõ?

Còn riêng với khán giả yêu sân khấu thì có cơ sở để hy vọng, với cuộc “chạy đua” giành suất tham dự liên hoan đầy gắt gao từ giờ, có lẽ đến tháng 10 tới mọi người sẽ có cơ hội thưởng thức những vở diễn thử nghiệm chất lượng, tươi mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.
Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.