Công cụ cực đoan
“John 12 tuổi, gấp ba lần tuổi em trai. Hỏi John sẽ bao nhiêu tuổi khi tuổi của anh gấp đôi tuổi của em trai? 4, 9, 16, 25, 36, ?, 64. Số còn thiếu trong dãy số là số nào?”. Đây là những câu hỏi trong bài kiểm tra IQ, hay còn gọi là bài kiểm tra chỉ số thông minh (Intelligence Quotient), nhằm đo lường trí thông minh về khả năng ngôn ngữ hay lập luận trừu tượng. Ra đời cách đây hơn một thế kỷ, bài kiểm tra này vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.
Các hệ thống giáo dục sử dụng bài kiểm tra IQ để tìm kiếm trẻ em cho chương trình giáo dục đặc biệt, giáo dục năng khiếu, đồng thời giúp các em phát huy khả năng tiềm ẩn. Các nhà nghiên cứu ngành Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên sẽ đánh giá kết quả bài kiểm tra và mối tương quan với di truyền, tình trạng kinh tế xã hội, thành tích học tập hay chủng tộc.
Vào đầu những năm 1900, hàng chục bài kiểm tra trí thông minh được phát triển tại châu Âu và Mỹ. Bài kiểm tra đầu tiên được xây dựng bởi nhà tâm lý học người Pháp, Alfred Binet, nhằm xác định những học sinh gặp nhiều khó khăn tại trường.
Kết quả, Thang đo Binet-Simon, ra đời năm 1905, đã trở thành tiền đề cho bài kiểm tra IQ hiện đại. Nhưng Binet lại cho rằng bài kiểm tra IQ không đủ để đo trí thông minh bởi không thể phát hiện khả năng sáng tạo hoặc trí thông minh cảm xúc.
Tuy nhiên, bài kiểm tra IQ vốn đã và đang được xã hội coi trọng. Ở Mỹ hay nhiều quốc gia khác, quân đội sử dụng bài kiểm tra này, gọi là kiểm tra Alpha, Beta, để sàng lọc ứng viên tiềm năng.
Đây cũng là một tiêu chí ứng tuyển vào các trường quân đội. Bắt đầu từ những năm 1900, hệ thống giáo dục Mỹ sử dụng bài kiểm tra IQ để xác định học sinh có năng khiếu và tài năng, cũng như học sinh có nhu cầu đặc biệt cần giáo dục bổ sung.
Vào thế kỷ 20, tranh cãi xoay quanh quan điểm về trí thông minh, đã nổ ra với lập luận rằng đặc điểm sinh học ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số IQ. Những người theo chủ nghĩa vị chủng (coi dân tộc mình là nhất) hoặc theo thuyết ưu sinh (ủng hộ cải thiện gen) cho rằng trí thông minh và các hành vi xã hội được xác định bởi sinh học và chủng tộc. Họ chỉ ra khoảng cách lớn giữa kết quả kiểm tra IQ của người da trắng và da màu, giữa nhóm thu nhập cao và thấp.
Năm 1922, nhà tâm lý học Carl Brigham, làm việc tại Trường Đại học Princeton và là cha đẻ của tâm lý trắc học, đã phân tích kết quả bài kiểm tra Alpha và Beta của quân đội Mỹ.
Ông khẳng định trí thông minh của người Mỹ đang sụt giảm do dân nhập cư nên kêu gọi sửa đổi chính sách nhằm hạn chế người nhập cư hay pha trộn chủng tộc. Nhiều cộng đồng thiểu số tại Mỹ đã bị kiểm soát, thậm chí bị triệt sản, bởi những lập luận khoa học rút ra từ các bài kiểm tra IQ.
Tính ứng dụng ngày nay
Đến nay, tranh luận về ý nghĩa của khái niệm “thông minh” và tính hiệu quả của bài kiểm tra IQ vẫn tiếp tục diễn ra. Một số nhà nghiên cứu cho rằng khái niệm trí thông minh phụ thuộc vào nền văn hoá cụ thể.
Ví dụ, ợ hơi có thể là hình thức khen ngợi chủ nhà trong một số nền văn hóa nhưng lại là hành động bất lịch sự tại một số quốc gia. Do đó, những đặc điểm của thông minh ở trong một môi trường có thể không phù hợp với môi trường khác.
Trong lĩnh vực giáo dục, các bài kiểm tra IQ có thể coi như phương pháp khách quan giúp xác định trẻ em tài năng, được phân loại vào chương trình giáo dục năng khiếu. Tuy nhiên, nhóm trẻ thuộc cộng đồng thiểu số hoặc gia đình thu nhập thấp được tham gia vào chương trình này còn hạn chế.
Ngoài ra, không phải tất cả trẻ đều làm bài kiểm tra IQ. Chỉ một nhóm nhất định do giáo viên quan sát và chỉ định được phép làm bài kiểm tra này. Do đó, đánh giá của giáo viên có thể tác động đến chỉ số IQ, thành tích học tập và hành vi của học sinh.
Việc các em được cho là tài năng hay không cũng phụ thuộc phần lớn vào giáo viên. Trong khi tại những khu học chánh có điều kiện cho phép tất cả học sinh làm bài kiểm tra IQ, số lượng học sinh đến từ các nhóm thiểu số có tài năng được phân loại nhiều hơn.
Các bài kiểm tra IQ cũng có thể giúp xác định sự bất bình đẳng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Chúng có thể bao gồm các tác động của môi trường như tiếp xúc với chất độc hại (chì, asen) hoặc ảnh hưởng của suy dinh dưỡng đối với sức khoẻ não bộ.
Xác định những vấn đề trên giúp các chuyên gia giáo dục, các nhà chính sách xã hội tìm kiếm giải pháp can thiệp cụ thể với từng đối tượng trẻ em. Về lâu dài, hiệu quả của những biện pháp hỗ trợ có thể được theo dõi thông qua các bài kiểm tra IQ.