Tờ Washington Post dẫn lời các cựu quan chức Mỹ cho rằng, các lệnh trừng phạt Mỹ đang "mất kiểm soát".
Một báo cáo chuyên sâu của hãng tin này cho thấy, 60% các quốc gia có thu nhập thấp đã bị Mỹ trừng phạt về kinh tế. Một phần ba số quốc gia trên thế giới đang phải chịu một hình thức trừng phạt nào đó của Mỹ.
Một sự thật nữa là các quan chức ở Washington đã không còn có thể xử lý khối lượng công việc duy trì mạng lưới trừng phạt kinh tế phức tạp như vậy nữa.
Bộ Tài chính Mỹ lần đầu tiên bắt đầu sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các đối thủ của Washington vào những năm 1990. Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của bộ này làm việc trong một phòng họp duy nhất. Theo bài viết trên tờ Washington Post được xuất bản vào ngày 25/7, OFAC chủ yếu chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ như "ngăn chặn việc bán xì gà Cuba của Mỹ".
Tuy nhiên, việc sử dụng các biện pháp trừng phạt đã bùng nổ sau vụ tấn công ngày 11/9 năm 2001 và hiện nay Mỹ đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt gấp 3 lần so với bất kỳ quốc gia hay tổ chức quốc tế nào khác. Các hình phạt này nhắm vào "một phần ba tất cả các quốc gia có một số hình phạt tài chính đối với người dân, tài sản hoặc tổ chức".
Các lệnh trừng phạt này đã tạo ra sự hỗn loạn tại các văn phòng của OFAC, hai nguồn tin ẩn danh cho tờ Washington Post cho biết.
Theo các nguồn tin, OFAC đang phải vật lộn để xử lý hàng chục nghìn yêu cầu từ khu vực tư nhân vì các công ty tìm cách tránh các cáo buộc hình sự về hành vi vi phạm lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, Nhà Trắng được cho là đã chuyển giao các quyết định về việc cá nhân và tổ chức nào sẽ bị trừng phạt cho các tổ chức phi lợi nhuận và nhóm nghiên cứu.
Khi khối lượng công việc quá tải, các nhân viên OFAC đã yêu cầu về việc hạn chế sử dụng lệnh trừng phạt tăng thêm. Nhưng yêu cầu này đã bị các cấp cao hơn ở cả Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao bác bỏ.
Ông Caleb McCarry, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao, nói với Washington Post rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ "đã bị lạm dụng quá mức và trở nên mất kiểm soát".
"Việc lạm dụng hệ thống này thật nực cười, nhưng không phải lỗi của Bộ Tài chính hay OFAC. Họ muốn thoát khỏi hệ thống không ngừng nghỉ, không bao giờ kết thúc này. Bạn phải trừng phạt mọi người và họ hàng của họ, đôi khi là theo đúng nghĩa đen"- ông McCarry nói.
Một sự thật đáng buồn là các lệnh trừng phạt của Mỹ thường không đạt được mục tiêu mong muốn.
Có thể thấy rằng, các lệnh trừng phạt của ông George W. Bush đối với Triều Tiên đã không ngăn được Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân. Các lệnh trừng phạt của cựu Tổng thống Barack Obama đối với Syria đã không loại bỏ được Tổng thống Bashar al-Assad khỏi quyền lực.
Các lệnh trừng phạt của ông Donald Trump đối với Venezuela đã không kích động được việc lật đổ ông Nicolas Maduro. Và các lệnh trừng phạt của Tổng thống Joe Biden đối với Nga - lên tới hơn 6.000 lệnh trong 2 năm - đã không chấm dứt được hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.
Trong khi một cường quốc như Nga đã vượt qua được các lệnh trừng phạt này và tiếp tục phát triển nền kinh tế, các quốc gia khác lại không may mắn như vậy. Nạn đói đã luôn là mối đe dọa thường trực ở Triều Tiên kể từ cuối những năm 1990. Còn lệnh trừng phạt của ông Trump đối với Venezuela đã gây ra sự suy thoái kinh tế lớn và bị đổ lỗi cho cái chết của tới 40.000 người trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2019.
Ben Rhodes, cựu cố vấn của Barack Obama, nói với tờ Washington Post: “Tâm lý, gần như là một phản xạ kỳ lạ ở Washington: Nếu có điều gì đó tồi tệ xảy ra, ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, Mỹ sẽ trừng phạt một số người. Và điều đó không có ý nghĩa gì cả.
Chúng ta không nghĩ về thiệt hại kèm theo của lệnh trừng phạt giống như cách chúng ta nghĩ về thiệt hại kèm theo của chiến tranh, nhưng chúng ta nên nghĩ như vậy.”