Những “thư viện xanh”
Thư viện ngoài trời là một trong những điểm nhấn đặc biệt trong khuôn viên Trường PTDTBT Tiểu học xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà (Lào Cai). Đây là một trong những trường học khó khăn nhất của toàn huyện, với quỹ đất hạn hẹp, vẫn còn những phòng học tạm. Thế nhưng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhà trường vẫn ưu tiên đầu tư xây dựng một thư viện nhỏ xinh nhằm tạo không gian học tập thân thiện cho học sinh.
Em Cư Thị Hà, học sinh lớp 4A2 chia sẻ: “Mỗi giờ ra chơi, chúng em rất thích đọc sách ở khu vực này. Có nhiều sách, truyện hay, bạn nào thích còn có thể ngồi vẽ tranh, chơi giải câu đố từ những hộp trò chơi do các thầy cô giáo làm cho”.
Tại huyện Bắc Hà, 44 trường học có thư viện, trong đó 38 trường có thư viện đạt chuẩn quốc gia. Các trường đã nỗ lực xây dựng và phát triển thư viện trường học, tủ sách gắn với quy mô phát triển giáo dục của từng trường, cấp học, địa phương. Tuy nhiên, tại một số đơn vị, quy mô các thư viện cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu đọc sách của toàn bộ học sinh nhà trường. Từ đó, mô hình “thư viện xanh” được hình thành nhờ sự sáng tạo và khéo léo của chính các thầy cô giáo trong trường.
Ở Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố, một góc nhỏ sân trường, cũng có thể trở thành thư viện của các em học sinh mỗi giờ ngoại khóa. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, em Sùng Thị Xoa và các bạn lại tập trung tại khu vực sân nhà bán trú, bên những chòi sách để đọc truyện tranh. Xoa cho biết: “Ở nhà em không có nhiều sách như thế này, nên nhìn thấy sách, thấy truyện là em thích lắm. Cứ lúc nào có thời gian rảnh là chúng em lại tranh thủ để đọc”.
Thầy giáo Nguyễn Văn Lục, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Vì học sinh vùng cao chịu nhiều thiệt thòi, không có điều kiện để vui chơi như các bạn ở dưới xuôi, nên chúng tôi rất thương các em. Chính từ tình thương ấy, nhà trường cũng cố gắng để huy động nguồn lực xây dựng những chòi đọc sách trong khuôn viên trường, để các em có nơi vui chơi giải trí. Cũng nhờ các em ham đọc sách, học hỏi, mà năng lực tiếng Việt được cải thiện hơn rất nhiều. Các em viết văn cũng khá hơn so với trước kia”.
Cải thiện tiếng Việt
Việc các em rèn luyện được đam mê đọc sách là một niềm vui đối với các thầy cô giáo. Tuy nhiên, trăn trở của nhiều nhà trường chính là cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thư viện, kể cả thư viện ngoài trời còn khá hạn chế. Thư viện chủ yếu chỉ có sách giáo khoa, còn sách truyện và các thể loại khác khá ít, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu cho học sinh.
Trong hoàn cảnh thực tế còn rất khó khăn, huy động các nguồn xã hội hóa là giải pháp mà nhà trường đang áp dụng để cải thiện chất lượng của hoạt động thư viện.
Thầy giáo Dương Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Cải cho biết, năm nào nhà trường cũng kêu gọi các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, đoàn từ thiện ủng hộ sách, truyện để xây dựng thư viện cho nhà trường. Nhờ vậy, qua mỗi năm số đầu sách lại được tăng thêm, phong phú về thể loại, đủ để đáp ứng nhu cầu đọc cho các em.
Nếu tại thành phố, hay các khu vực thuận lợi, các em nhỏ sớm được tiếp cận với nhiều phương tiện giải trí, truyền thông, nên nhu cầu đọc sách thường chưa cao thì tại các xã vùng cao, đọc sách và được đọc sách là niềm vui lớn của học sinh. Những mô hình “thư viện xanh” đã giúp các em phát triển hứng thú đọc sách, cải thiện ngôn ngữ tiếng Việt, tự tin phấn đấu học tập và rèn luyện.