“Kho” tri thức mở trong trường học

GD&TĐ - Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường có ý nghĩa rất quan trọng nhằm cung cấp tri thức, kinh nghiệm cho học sinh (HS) góp phần nâng cao chất lượng GD toàn diện, đồng thời giúp các em phát triển năng lực tự học biết thu thập và xử lý thông tin từ các nguồn tin khác nhau và ngày càng đa dạng phong phú. 

Các em HS Trường tiểu học Trường Thịnh Thị xã Phú Thọ đọc sách tại thư viện ngoài trời.
Các em HS Trường tiểu học Trường Thịnh Thị xã Phú Thọ đọc sách tại thư viện ngoài trời.

Những “kho” tri thức mở

Đến Trường THCS Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ – một ngôi trường miền núi còn nhiều khó khăn xa trung tâm thị trấn, chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự ngăn nắp, khang trang của phòng đọc và tình yêu sách của các em HS nơi đây.

Với 4 tủ kho sách, hơn 6.500 bản sách phong phú về chủng loại, gồm sách tham khảo, sách giáo khoa, sách nghiệp vụ, truyện tranh... được sắp xếp một cách khoa học để cho GV và HS dễ dàng chọn lựa, thư viện trở thành nơi học tập, giải trí của các em sau mỗi giờ ra chơi. Phòng đọc của nhà trường mở cửa liên tục các ngày trong tuần, số lượng HS mượn và đọc sách từ 60 đến 80 em.

Cô Nguyễn Thị Thanh - cán bộ thư viện nhà trường, cho biết: Các em HS nhà trường được đọc rất nhiều thể loại sách, trong đó sách về danh nhân văn hóa, truyện cổ tích dân gian, tạp chí dành cho tuổi học trò được HS rất yêu thích. Trong những năm qua, nhà trường liên tục tăng cường, bổ sung những đầu sách mới, đặc biệt là các loại sách tham khảo để các em có hứng thú khi đến thư viện. Hàng năm, trường trích khoảng 5 triệu đồng chi cho các hoạt động thư viện và bổ sung sách.

Nhờ chú trọng, quan tâm đến công tác thư viện cho HS mà trình độ, năng lực của các em ngày càng được nâng cao. Những năm gần đây thư viện nhà trường luôn duy trì và giữ vững thư viện tiên tiến xuất sắc.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đọc sách trong trường học, huyện Thanh Sơn đã đầu tư 100% trường học đều có thư viện theo hướng đạt chuẩn. Hiện nay có 77 cơ sở GD thuộc huyện quản lý, trong đó có 25 cơ sở GD mầm non, 52 cơ sở GD trung học và tiểu học, các thư viện trường học cơ bản đáp ứng nhu cầu đọc của trên 80% HS.

Không riêng ở Thanh Sơn mà hầu hết các trường học của tỉnh Phú Thọ đã chú trọng hơn đến việc xây dựng thư viện. Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thuỷ, cho biết: “Nhà trường đặt mục tiêu đưa thư viện trở thành nơi học tập, nghiên cứu, giải trí, là trung tâm sinh hoạt văn hoá và khoa học.

Đối với GV, thư viện là kho tàng lưu giữ những kiến thức bổ ích được lưu trữ qua từng thời gian, đồng thời cung cấp, bổ sung và cập nhật khối lượng thông tin làm cho nội dung bài giảng ngày càng phong phú, GV có thể tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau để làm giàu vốn kiến thức của mình, truyền tải đến HS lượng kiến thức tốt nhất.

Đối với HS, thư viện đóng vai trò gián tiếp, xây dựng thói quen tự học, tự bồi dưỡng trong học tập. Mặt khác, thư viện giúp người đọc tạo dựng được tính chủ động trong học tập của mình”.

Cùng với mục đích đọc sách nâng cao tri thức, hiểu biết phục vụ học tập, thư viện cũng là nơi điều kiện thuận lợi nhất cho HS phát triển tài năng một cách toàn diện.

Cần nâng cao chất lượng hoạt động

Đọc sách tại thư viện ngoài trời Trường Tiểu học Sóc Đăng, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ
Đọc sách tại thư viện ngoài trời Trường Tiểu học Sóc Đăng, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ

Xác định được tầm quan trọng của thư viện nhà trường ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo Phòng GD các huyện, thành, thị, trường phổ thông toàn tỉnh Phú Thọ tập trung nâng cao chất lượng dạy và học thông qua xây dựng thư viện gắn với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”.

Từ đó, công tác thư viện trường học được ngành GD coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng GD toàn diện. Để thư viện ngày càng thu hút GV, HS, từ trường tiểu học đến THPT trên địa bàn tỉnh đều tập trung phát triển thư viện thân thiện, tạo cơ hội cho HS tiếp cận thông tin, xây dựng thói quen đọc sách và tích cực tham gia các hoạt động của thư viện...

Ngoài ra, Sở GD&ĐT còn chỉ đạo các nhà trường tổ chức nhiều hình thức hoạt động phong phú như giới thiệu trưng bày sách, thi tìm hiểu sách, hoạt cảnh và đóng nhân vật trong sách… để tạo hứng thú đọc sách cho HS; phối hợp với thư viện xã, phường, thị xã, thành phố và vận động các tổ chức, cá nhân cho mượn, trao đổi hoặc tài trợ sách và tài liệu cho thư viện. Hàng năm có kiểm tra, đánh giá xếp loại thư viện.

Đến nay, toàn tỉnh có 100% thư viện trong toàn tỉnh đạt chuẩn trở lên. Thư viện các trường được đặt ở vị trí khá thuận lợi, diện tích kho sách, diện tích phòng đọc, chỗ ngồi, các trang thiết bị khác đảm bảo theo yêu cầu, ngoài ra có khá nhiều thư viện đã trang bị được các trang thiết bị đa phương tiện, vốn tài liệu khá phong phú, tổ chức hoạt động dưới nhiều hình thức đem lại hiệu quả thiết thực.

Ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, cho biết: “Nhằm bồi đắp tình cảm cho các em HS, làm giàu thêm tri thức, giúp các em phát huy được tính tích cực, chủ động trong học tập, tính sáng tạo và tư duy độc lập.

Thời gian tới, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường đầu tư kinh phí cho phát triển vốn tài liệu, tổ chức tốt việc quyên góp ủng hộ sách; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho CBQL và cán bộ thư viện; quan tâm xây dựng các thư viện mở như: thư viện góc lớp, thư viện lưu động, thư viện ngoài trời, thư viện xanh...”.

Hoạt động thư viện hiệu quả cũng là một kênh quan trọng để nâng cao văn hóa nói chung, văn hóa đọc nói riêng; góp phần vào sự phát triển của sự nghiệp GD của tỉnh vì vậy ngành GD cùng các địa phương đặc biệt các nhà trường cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các thư viện.

Đặc biệt, trong thời gian tới, để các thư viện trường học phát triển, đòi hỏi lãnh đạo nhà trường phải quan tâm đúng mức đến hoạt động của thư viện trường học. Việc đầu tư thư viện không chỉ cơ sở vật chất, mà còn tổ chức các hoạt động khơi dậy phong trào HS đến đọc sách ở thư viện để tích lũy kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng GD vì sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.