Nở rộ phong trào quyên góp sách cũ
Phong trào quyên góp sách cũ trong trường học hiện nay nở rộ ở nhiều địa phương thuộc vùng ĐBSCL. Nhất là đối với vùng sâu, vùng xa HS ủng hộ phong trào này rất nhiều.
Hầu hết các em đã hiểu nhiều về ý nghĩa của việc đọc sách, nâng cao văn hóa đọc sách có chọn lọc và không quên mang sách đã đọc đem chia sẻ cho bạn bè qua thư viện để nhiều bạn khác có thể đọc được, cứ như thế tạo thành vòng tròn thân ái từ sách.
Ông Lý Văn Luận - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) - chia sẻ: “Những trường học có thư viện riêng được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo nhu cầu hàng năm.
Để nguồn sách thêm phong phú các trường vận động các em quyên góp sách cho thư viện, tạo thêm nhiều đầu sách phục vụ HS. Qua đó cũng khảo sát nhu cầu đọc của HS…Việc này giúp thư viện kịp thời theo dõi thực tế, tránh đầu tư lãng phí những đầu sách không phù hợp hoặc HS không đón nhận”.
Đồng quan điểm với cách làm này, ngành Giáo dục huyện Đầm Dơi (Cà Mau) cũng tiến hành chỉ đạo thường niên. Khi đến thời điểm kết thúc năm học, các trường tiếp tục phát động phong trào quyên góp sách cũ đưa vào thư viện. Sau đó thư viện sẽ tặng lại những HS có hoàn cảnh khó khăn hoặc những HS nào có nhu cầu xin sách cũ ở năm học tiếp theo.
Nguồn sách phong phú hơn, đa dạng hơn với nhiều thể loại phù hợp trong môi trường giáo dục đã thúc đẩy các thư viện trường học hoạt động có hiệu quả. Khi thư viện là điểm đến thường xuyên cũng đã gắn kết HS đến với văn hóa đọc gần hơn.
Ông Trần Thanh Văn - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi (Cà Mau), nêu quan điểm: “Nhằm tạo điều kiện cho thư viện trường học hoạt động tốt, hàng năm Phòng GD&ĐT chỉ đạo tổ chức cuộc thi kể chuyện theo sách thiếu nhi, giao lưu vẽ tranh, tọa đàm, sưu tầm tấm gương người tốt việc tốt, thi xếp hình, cắt giấy dán tranh, làm sổ nhật ký, đố vui, thi nói vè về sách cấp trường…
Qua đó nhằm khuyến khích HS đọc sách, đồng thời có các hình thức khen thưởng, động viên kịp thời giúp các cơ sở giáo dục tiếp tục phát huy, đẩy mạnh phong trào đọc sách trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Bên cạnh đó còn tổ chức các cuộc thi nhân viên thư viện giỏi cấp huyện nhằm nâng cao tay nghề nghiệp vụ thư viện…”.
Đưa sách gần hơn với học trò
Theo ông Trần Thanh Văn, để tăng cường gắn kết HS với thư viện trường học thì việc đầu tiên cần phải làm là xây dựng không gian đọc thoáng mát, sạch đẹp, trang trí các góc đọc sinh động; sắp xếp lại kho sách, phân loại và dán tem, nhãn đúng nghiệp vụ thư viện để các em HS có thể dễ dàng tìm đọc thể loại sách yêu thích của mình.
Ở mỗi thể loại sách cán bộ thư viện dán những giấy màu khác nhau trên gáy sách và làm một bảng phụ ghi chú chi tiết màu quy định loại sách gì.
Thứ hai là tạo nhiều không gian để đọc như bố trí, sắp xếp ghế đá ở hành lang các lớp học rất thuận lợi cho việc đọc sách của các em. Có thể đặt tủ thư viện xanh được đặt ở hành lang thư viện hoặc đặt ở sân, nơi có nhiều tán cây mát mẻ. Thư viện ngoài trời sẽ do nhóm cộng tác viên thư viện hoặc lớp trực tuần quản lý.
Thư viện ngoài trời chọn những cuốn sách mỏng, hấp dẫn có những thông tin khoa học, lịch sử, tự nhiên thú vị vì giờ giải lao thường không nhiều. Tổ cộng tác viên thư viện sẽ giới thiệu sách in trên giấy, treo bảng di động, tuyên truyền tấm gương hiếu học, các em đạt thành tích sao điểm 10.
Thứ ba là tổ chức các hoạt động thư viện bằng nhiều hình thức phong phú, thư viện các trường thực hiện giới thiệu sách hàng tháng phù hợp với chủ điểm năm học; theo chủ đề tháng, các ngày lễ lớn trong năm.
Cán bộ thư viện tự giới thiệu hoặc giới thiệu sách dưới hình thức kể chuyện theo sách để tạo sự hấp dẫn đối với các em. Tổ chức các hoạt động, các cuộc thi, giao lưu, tọa đàm... liên quan đến hiệu quả của việc đọc sách và sinh hoạt cụm cấp trường.
Thứ tư là đầu tư nguồn sách là việc làm hàng năm của các thư viện dành một khoản kinh phí để tăng cường bổ sung các loại sách Bác Hồ, sách thiếu nhi, sách tham khảo… phù hợp với lứa tuổi các em. Song song đó, Phòng GD&ĐT tổ chức kiểm tra chuyên môn phối hợp với kiểm tra công tác thư viện nhằm nâng chất lượng hoạt động thư viện trường học.