Lễ tuyên dương giáo viên dạy giỏi HS khuyết tật toàn quốc lần thứ 2

Lễ tuyên dương giáo viên dạy giỏi HS khuyết tật toàn quốc lần thứ 2
Lễ tuyên
Lễ tuyên dương khen thưởng giáo viên dạy giỏi học sinh khuyết tật lần thứ 2

Trong lễ tuyên dương lần này, 184 cán bộ quản lý, giáo viên có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật đại diện cho hàng chục ngàn giáo viên của các cấp học đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Trong đó có 17 cán bộ quản lý, 28 giáo viên trường mầm non, 121 giáo viên trường tiểu học, 5 giáo viên trường THCS, 25 giáo viên trường chuyên và 142 giáo viên dạy hòa nhập.

Tiêu biểu có thể kể đến thầy giáo Vũ Xuân Tâm (Trường tiểu học Bạch Mai – Hà Nội) có 16 năm liên tục tham gia công tác về trẻ khuyết tật, là thành viên sáng lập Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội; cô giáo Nguyễn Thị Đậm (Trường tiểu học Tân Kỳ – Hải Dương) với 14 năm dạy trẻ khuyết tật, có học sinh đoạt Huy chương đồng Para game 22; cô giáo Lê Thị Tuyến (Trường tiểu học Đông Hòa – Thanh Hóa), từ năm 2006 đến nay, hàng năm đều huy động được trên 20 học sinh khuyết tật đến trường…

Theo Bộ GD&ĐT, giáo dục hòa nhập được đẩy mạnh trên phạm vi cả nước đã giúp số lượng trẻ khuyết tật đi học tăng nhanh. Năm học 2008-2009 đã có gần 390.000 trẻ khuyết tật đi học hòa nhập và 7500 trẻ học trong 106 cơ sở giáo dục chuyên biệt. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho giáo dục trẻ khuyết tật ngày càng có quy mô lớn. Trung bình mỗi năm có gần 800 giáo viên cốt cán được đào tạo chính quy về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tại các trường sư phạm. Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho giáo dục trẻ khuyết tật cũng được cải thiện từng bước…

Nói chung, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã từng bước đưa công tác giáo dục trẻ khuyết tật đi vào nền nếp bằng hệ thống các văn bản chỉ đạo sát sao. Các địa phương cố gắng thực hiện công tác này trong điều kiện khó khăn thiếu thốn về mọi mặt và thu được những thành công bước đầu. Trẻ em khuyết tật có cơ hội được bình đẳng và được tạo điều kiện học tập, vui chơi, được bảo vệ, được chia sẻ và phát triển phù hợp với khả năng. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay nước ta có trên 4 triệu người khuyết tật, trong đó có trên 1 triệu trẻ em khuyết tật.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển trao bằng khen cho các cá nhân
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển trao bằng khen cho các cá nhân

Tuy nhiên, cũng theo Bộ GD&ĐT, dù đã có những bước tiến nhưng vẫn còn những bất cập trong chính sách cho công tác giáo dục trẻ khuyết tật; chỉ tiêu huy động trẻ khuyết tật đi học chưa cao và nguồn nhân lực cho giáo dục trẻ khuyết tật còn thiếu; cơ sở giáo dục, chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu; hệ thống dịch vụ hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật và sự tham gia, hợp tác liên ngành còn nhiều hạn chế.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, chủ trương lấy giáo dục hòa nhập là giải pháp chính trong giáo dục trẻ khuyết tật của Bộ GD&ĐT đã góp phần tích cực đạt được mục tiêu giáo dục khuyết tật; thúc đẩy đổi mới giáo dục khuyết tật; tạo hiệu quả giáo dục cao với chi phí thấp. Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật giúp ngành Giáo dục thực hiện tốt Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em Việt Nam và cam kết của Chính phủ với các tổ chức quốc tế, đồng thời phát huy tác dụng ưu thế của xã hội hóa trong giáo dục trẻ khuyết tật.
 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ