Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn góp sức phát huy văn hóa truyền thống

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với người dân Đồ Sơn, lễ hội chọi trâu đã ăn vào máu thịt và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần.

Lễ thượng cờ ngày 1 tháng 8 âm lịch. Ảnh: Nguyễn Dịu
Lễ thượng cờ ngày 1 tháng 8 âm lịch. Ảnh: Nguyễn Dịu

Với người dân Đồ Sơn, lễ hội chọi trâu đã ăn vào máu thịt và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần.

Từ tâm huyết góp sức phát huy văn hóa truyền thống của các chủ trâu, lễ hội năm nay được kỳ vọng sẽ đem đến những ấn tượng tốt đẹp về tinh thần thượng võ của người dân miền biển.

16 “ông trâu” “thi tài”

Ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn thông tin, năm 2023, UBND quận tiếp tục tổ chức lễ hội, nhằm đúng ngày 9 tháng 8 âm lịch (23/9), để bảo tồn, phát huy, khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

16 “ông trâu” sẽ tham gia “thi tài”, trong đó mỗi phường trên địa bàn được đăng ký 2 suất; 4 chủ trâu đã đạt giải Nhất, Nhì và đồng giải Ba năm 2022, mỗi người được đăng ký tham gia 1 suất.

Ông Hoàng Gia Cường - Phó Chủ tịch UBND phường Bàng La, quận Đồ Sơn cho hay, năm 2022, phường có 2 “ông trâu” đạt giải Nhất và Ba, theo quy chế của ban tổ chức thì năm nay phường được thêm 2 ông trâu tham dự lễ hội.

Lãnh đạo phường cũng đã 3 lần kiểm tra tại các điểm chăn dắt, hỗ trợ điểm huấn luyện và động viên các chủ trâu. Trước một ngày diễn ra hội chọi trâu, ban tổ chức sẽ kiểm tra, xét nghiệm nước tiểu với các “ông trâu” đảm bảo đủ sức khỏe và không có biểu hiện lạ, mới được tham gia chọi.

Anh Đinh Xuân Chiến, người dân phường Vạn Hương chia sẻ, ngay từ ngày còn nhỏ anh đã theo ông, theo cha đi xem chọi trâu. Và cứ thế, mỗi đầu tháng 8 âm lịch lòng anh lại rộn ràng tiếng trống, tiếng chiêng. Ngày nào anh cùng bạn bè cũng đến chuồng trâu để thăm, ngắm và phụ chủ cho trâu ăn.

Anh Chiến bày tỏ mong muốn lễ hội ngày càng phát triển để người miền biển được cùng nhau vui vầy, hội ngộ.

Ông Hoàng Đức Tiến vuốt ve trâu 05 trước ngày ra sới chọi. Ảnh: Nguyễn Dịu.

Ông Hoàng Đức Tiến vuốt ve trâu 05 trước ngày ra sới chọi. Ảnh: Nguyễn Dịu.

“Món ăn tinh thần” không thể thiếu

Theo ông Nguyễn Quang Trung, cán bộ văn hóa phường Bàng La, việc chọn trâu và chăm sóc trâu chọi không đơn giản. Cứ mỗi mùa lễ hội kết thúc, chủ trâu ở khắp các phường trong quận lại bắt đầu công cuộc đi tìm mua và huấn luyện trâu chọi.

Trâu chọi phải là những con trâu đực khỏe mạnh với các tiêu chí: To lớn, lông đen, ức rộng, háng to, cổ cò, đuôi trai, đít nhót, độc khoang, tứ khoáy… Việc chăm trâu khá công phu. Ngoài ăn cỏ, trâu được ăn mía, uống mật, uống dinh dưỡng. Khi ngủ phải mắc màn, có quạt để tránh muỗi đốt.

Huấn luyện trâu chọi cần có kĩ năng và tỉ mỉ. Trâu được bơi sông, lội bùn, kéo lốp xe, luyện đánh để có sức dẻo dai, lì đòn khi tham chiến. Đặc biệt, trâu phải quen với không khí ồn ào, sôi động của lễ hội… Vì thế, trước ngày thi đấu khoảng 10 ngày, các ông chủ thường dẫn trâu ra sân vận động để làm quen.

Hơn 10 năm tham gia lễ hội, cũng là chủ trâu giải Nhất mùa chọi năm 2022, ông Hoàng Đức Tiến, chủ trâu 05 sẽ tham gia lễ hội 2023 tâm đắc nói: “Với người dân Đồ Sơn, lễ hội chọi trâu là “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Dân làng chài háo hức mong chờ.

Từ ngoài đường, đến quán nước, hay góc chợ, người dân cùng kể những câu chuyện về lễ hội, đều mong ngóng đến ngày được xem trâu chọi.

Thậm chí, khu vực tôi thuê chăm trâu, hàng ngày có rất nhiều thanh niên đam mê trâu chọi đến ngắm nghía, vuốt ve. Rồi những cháu học sinh mỗi chiều tan học lại đạp xe quanh chuồng trâu để chơi, nô đùa và cho trâu ăn”.

Ông Tiến cũng cho biết, người dân Đồ Sơn thích chọi trâu và không ít người đam mê trâu chọi nhưng không phải ai cũng nuôi và huấn luyện được. Phần vì chi phí để “tậu” trâu, nuôi trâu, thuê người chăm sóc trâu rất lớn.

Trâu số 5, ông Tiến mua với giá 290 triệu cách đây 3 năm, mỗi tháng bỏ ra gần 10 triệu để thuê người chăm sóc và mua thức ăn cho trâu. Tính chi phí cho đến khi đưa trâu ra sới chọi, ông Tiến phải chi tầm 550 triệu đồng.

Nhưng đó cũng chưa phải chi phí lớn nhất, vì theo ông Tiến có những chủ trâu xuống tay lớn, chi tận 380 triệu mua trâu và tổng chi phí đến lúc tham gia lễ hội lên đến 600 triệu đồng.

Ông Tiến phân trần, nói như vậy không phải để hạch toán kinh tế và bản thân ông cũng như các chủ trâu khác tham gia lễ hội là thể hiện đam mê, trách nhiệm của người địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của quê hương. Phải người có tâm mới tham gia chơi trâu chọi.

Ngoài những tiêu chí chung để chọn trâu chọi, ông Tiến quan tâm đến đức tính của trâu. Trâu chọi phải hiền lành, dễ gần, thân mật với con người, có như vậy mới huấn luyện được.

Với ông Đoàn Văn Thọ, chủ trâu 04 (phường Bàng La), đây là năm đầu tiên ông có trâu tham gia lễ hội, dù đã nhiều năm có kinh nghiệm chọn và huấn luyện trâu. Lý do ông Thọ quyết định tham gia lễ hội là vì muốn lan tỏa những giá trị tích cực của lễ hội đến với người dân trong và ngoài thành phố.

“Trước đây, thời ông cha, lễ hội chỉ gói gọn trong phong tục địa phương nhưng nhiều năm gần đây, lễ hội được tổ chức quy mô rộng hơn, nhiều hoạt động hay, ý nghĩa thu hút sự quan tâm của du khách gần xa. Để phát huy những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của người dân địa phương, tôi cũng muốn đóng góp một phần”, ông Thọ cho hay.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2023 có nhiều nét mới. Ban tổ chức nâng mức giải thưởng đối với tất cả các giải so với năm 2022, cụ thể: Giải Nhất là 100 triệu đồng; giải Nhì thưởng 60 triệu đồng; đồng giải Ba, mỗi giải 30 triệu đồng.

Để thu hút khách du lịch đến với địa phương, Đồ Sơn tổ chức tour du lịch trải nghiệm và hoạt động ẩm thực với sự tham gia của Hiệp hội Du lịch Hải Phòng và Công ty Âm nhạc Việt Thành.

Ngoài ra, lễ hội còn có các gian hàng ẩm thực với đặc sản địa phương và tỉnh thành bạn cùng nhiều hoạt động giải trí như: Ngày hội khinh khí cầu Đồ Sơn 2023; đêm nhạc dân gian sân đình, đêm nhạc Ngọc Sơn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ