TS Ngô Thị Minh – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT dự và phát biểu tại Hội thảo. Cùng dự có PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT); lãnh đạo Sở GD&ĐT, CBQL thuộc 63 tỉnh thành; đại diện của 196 cơ sở GDMN điển hình trong triển khai thực hiện Chuyên đề...
Thay đổi diện mạo GD Mầm non
Báo cáo kết quả sau 5 năm thực hiện cho thấy: Toàn quốc có 18.970/31.375 cơ sở GDMN triển khai thực hiện Chuyên đề. Trong đó, có 15.461/15.461 trường MN và có 3.509/15.914 cơ sở GDMN độc lập tư thục triển khai thực hiện Chuyên đề. Một số địa phương còn khó khăn về cơ sở vật chất nhưng đã triển khai được tại hầu khắp các cơ sở GDMN.
Các tỉnh có số cơ sở GDMN thực hiện điểm Chuyên đề cao như: Hải Dương, Nam Định. Lạng Sơn, Khánh Hòa, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình, Lâm Đồng,... Một số địa bàn còn nhiều khó khăn cũng nỗ lực trong triển khai điểm như: Quảng Nam, Gia Lai, Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang…
Căn cứ các tiêu chí và cụ thể hóa tiêu chí Chuyên đề, các địa phương đã lựa chọn những cơ sở GDMN điển hình tiêu biểu cho toàn tỉnh về xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm (LTLTT). Các sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, thao giảng, hội thi, hội thảo... tại các cơ sở GDMN thực hiện mô hình điểm để rút kinh nghiệm, đồng thời tạo cơ hội cho CBQL và GV bậc học tham quan hoạt động thực tế, chia sẻ kinh nghiệm về triển khai Chuyên đề tại mô hình điểm.
Các sở và phòng GD&ĐT đã tích cực tổ chức các hoạt động đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai thực hiện mô hình điểm để điều chỉnh kế hoạch sau mỗi năm học đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng cho các cơ sở GDMN thực hiện Chuyên đề tại địa phương.
PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Mầm non khẳng định: Với sự tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện của các cấp, Chuyên đề đã có kết quả tác động góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở GDMN. Làm thay đổi diện mạo các cơ sở GDMN...
Làm tốt công tác truyền thông đã nâng cao nhận thức, ý thức của CBQL, GVMN, cha mẹ trẻ và xã hội về quan điểm giáo dục LTLTTvà việc xây dựng trường mầm non LTLTT nhằm giúp trẻ được phát triển toàn diện.
Các cơ sở GDMN đã thay đổi nhiều mặt tích cực rõ rệt, từ việc tạo dựng môi trường GD hướng đến trẻ; năng lực thực hiện Chương trình của CBQL, GVMN được cải thiện rõ rệt; Việc xây dựng kế hoạch GD linh hoạt, phù hợp với thực tế; phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ được đổi mới; việc đánh giá sự phát triển của trẻ được nhận thức và thực hiện đúng mục đích, yêu cầu vì sự tiến bộ của trẻ; sự phối hợp giữa cơ sở GDMN với gia đình và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ được nhận thức và thực hiện theo đúng định hướng “tất cả vì trẻ em.
Cuộc thi Xây dựng môi trường giáo dục LTLTT được các địa phương tổ chức triển khai theo Kế hoạch 739/KH-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đã tác động tích cực làm thay đổi diện mạo về điều kiện cơ sở vật chất, tạo môi trường GD trong sự an toàn, thân thiện cho trẻ. Các địa phương thực hiện tốt công tác khen thưởng các cơ sở GDMN thực hiện tốt nội dung, yêu cầu của Cuộc thi.
Quá trình triển khai thực hiện Chuyên đề đã huy động được sự ủng hộ về vật chất và đồng thuận về tinh thần trách nhiệm, tăng thêm sự gắn kết trách nhiệm gia đình với cơ sở GDMN trong chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trẻ em được quan tâm đúng mức trong việc tạo cơ hội “học mà chơi, học bằng chơi” để được phát triển toàn diện theo quan điểm giáo dục LTLTT.
Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý chỉ đạo như công tác bồi dưỡng, hỗ trợ CBQL, GVMN; việc chỉ đạo điểm và truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm; kết quả thực hiện các tiêu chí của Chuyên đề...
Hướng đến phát triển trẻ MN giai đoạn mới
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Thực hiện đổi mới GDMN theo tinh thần Nghị Quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch 56/KH-BGDĐT chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016- 2020 với mục tiêu:
Bảo đảm tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập qua chơi và bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ; môi trường giáo dục trong các cơ sở giáo dục MN đáp ứng yêu cầu cho trẻ hoạt động chơi và trải nghiệm đa dạng; CBQL, GV mầm non được nâng cao nhận thức và năng lực về quản lý, tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ, thực hiện Chương trình GDMN theo quan điểm giáo dục LTLTT phù hợp điều kiện cụ thể của trường, lớp, địa phương; tăng cường sự phối hợp, gắn kết giữa cơ sở GDMN với gia đình và xã hội, tạo sự thống nhất cùng quan tâm xây dựng trường mầm non LTLTT.
Các địa phương đã tích cực trong công tác xây dựng kế hoạch ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chuyên đề; quan tâm tổ chức hướng dẫn chuyên môn; kiểm tra, đánh giá và tư vấn hỗ trợ cho các cơ sở GDMN theo các tiêu chí của Chuyên đề.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận: Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm không chỉ thực hiện ở những nơi có điều kiện tốt mà cả ở những nơi vật chất còn thiếu thốn. Nếu biết dựa vào những lợi thế và khai thác đặc điểm riêng của địa phương, nhà trường thì việc triển khai thực hiện Chuyên đề vẫn rất hiệu quả.
Nhiều địa phương đã làm tốt công tác xây dựng, nhân rộng mô hình điểm để chỉ đạo, bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Chuyên đề cho các cơ sở GDMN trong quận, huyện, cụm...
Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định: Kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Chuyên đề đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo các cơ sở GDMN, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giáo dục trẻ trong các cơ sở GDMN. Các cơ sở GDMN đã thay đổi nhiều mặt tích cực rõ rệt từ việc xây tạo môi trường giáo dục hướng đến trẻ; năng lực thực hiện Chương trình GDMN của CBQL, GDMN được cải thiện rõ rệt; Việc xây dựng kế hoạch giáo dục linh hoạt; Trẻ em được quan tâm đúng mức trong việc tạo cơ hội “học mà chơi, học bằng chơi” để được phát triển toàn diện theo quan điểm giáo dục LTLTT...
Trong quá trình thực hiện chuyền đề, các địa phương, các cơ sở GDMN gặp không ít khó khăn, có nhiều tấm gương sáng tạo, vượt khó thực hiện chuyên đề phù hợp với điều kiện của nhà trường, của địa phương...
Theo gợi ý của Thứ trưởng, hội thảo bên cạnh tập trung thảo luận một số nội dung như: Kết quả đạt được về công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện chuyên đề, tác động của chuyên đề đối với các cơ sở GDMN; Khó khăn trong triển khai thực hiện các tiêu chí của chuyên đề đối với các vùng, miền và điều kiện khác nhau... - đã chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm bài học, đề xuất các giải pháp để triển khai Chuyên đề trong thời gian 2.
Cụ thể như việc xây dựng, thực hiện các tiêu chí mới khi LTLTT ở giai đoạn mới. Để LTLTT thì vấn đề đầu tư của nhà nước, vấn đề xã hội hóa giáo dục, vấn đề tạo sức mạnh tổng lực... cần ra sao; Xã hội cần có nơi vui chơi, nuôi dưỡng chăm sóc trẻ thế nào; Trẻ phải phải được quan tâm, nuôi dạy khỏe mạnh, phát triển toàn diện, không béo phì, được sống trong môi trường an toàn không bạo lực, không bị mua bán, bắt cóc, không bị tai nạn thương tích; Đặc biệt, trẻ phải được sống trong môi trường không bị ô nhiễm về nước sạch, vệ sinh...