Phiên họp bàn thảo những giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, cho biết: Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi là chủ trương lớn của Đảng nhà nước, đã hoàn thành vào tháng 4/2017. Kết quả đạt được là rất lớn, 10 năm qua phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, các cấp ủy Đảng chính quyền địa phương. Đã đảm bảo trẻ 5 tuổi ở các vùng miền được chăm sóc, được giáo dục đầy đủ về thể chất, thẩm mỹ.
Tuy nhiên năm học vừa qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động đến đối tượng trẻ 5 tuổi, ít nhiều có những ảnh hưởng khi là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cho dù chúng ta đã có những cố gắng lớn, nhưng việc đổi mới xã hội còn chưa thấm nhuần hết.
Thứ trường Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Cần phải nhìn nhận, đánh giá chất lượng công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, tìm ra những hạn chế và đưa ra giải pháp góp phần nâng cao chất lượng. Nếu chúng ta không nhìn nhận được những hạn chế đó, chương trình mới sẽ gặp nhiều khó khăn. GDMN phải phát triển vững chắc, phải làm nền móng chắc để liên thông với giáo dục phổ thông.
Để thực hiện điều đó, Thứ trưởng nêu yêu cầu: rà soát mạng lưới ở các địa phương đã phù hợp chưa; quy hoạch mạng lưới là quan trọng, chương trình giáo dục mầm non 10 năm phải chỉnh sửa liên thông với chương trình giáo dục phổ thông thế nào và cần phải có sự chỉnh sửa liên thông với GD phổ thông ra sao.
Thứ trưởng cũng đặc biệt quan tâm đến việc các địa phương đã dành quỹ đất cho phát triển GD mầm non thế nào. Hệ thống trường lớp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có những bất cập gì. Cùng với đó là một số địa phương còn chưa quan tâm, sâu sát, chỉ đạo chưa quyết liệt để hỗ trợ GV mầm non.
Từ thực tế các địa phương, Thứ trưởng yêu cầu, các báo cáo tham luận cần nêu ý kiến, đưa ra những giải pháp củng cố nâng cao chất lượng trong thời gian tới, cần có giải pháp khắc phục; định hướng thời gian tới thế nào để tham mưu cho các cấp thẩm quyền có quyết sách phù hợp.
Việc huy động nguồn thu từ cha mẹ học sinh, thu học phí sao cho hợp lý khi các GVMN phải làm việc từ 10 – 12h, theo quy định thu học phí thế nào. Thu dịch vụ tính vào học phí có đảm bảo hay không, việc đón trẻ ngoài giờ, trường có được phép thu ngoài giờ hay ko. Cần có sự hướng dẫn gì của Bộ GD&ĐT. Với vai trò cơ quan tư vấn, Tiểu ban giáo dục MN – Hội đồng quốc gia giáo dục cần xem xét đề ra giải pháp để triển khai thực hiện.
Tham luận tại phiên họp, bà Trương Thị Hạnh – Trưởng Phòng GD mầm non, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo về việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDMN đáp ứng yêu cầu phổ cập GDMN 5 tuổi. Đồng thời đề xuất về vấn đề thiếu GV, chưa đảm bảo quy mô phát triển, đặc biệt là bãi ngang ven biển. Để nâng cao hiệu quả Nghị định 105 cần có văn bản liên bộ hướng dẫn thực hiện.
Bà Châu Hoài Thu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đưa ra chính sách cho trẻ em và GV mầm non góp phần hoàn thành công tác phổ cập ở địa phương này. Bà Châu Hoài Thu đề xuất giải pháp cho việc thiếu GV, kiến nghị cần cho hợp đồng phù hợp với các điều kiện phát triển của địa phương.
Đại diện cho Sở GD&ĐT Hưng Yên, ông Đỗ Tiến Hùng – Phó Giám đốc Sở, nêu ý kiến về việc tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Liên quan đến vấn đề xã hội hóa giáo dục, bà Lương Thị Hiền – Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh đưa ra bài học kinh nghiệm về công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuồi.