Công ty Cổ phần Giống Lâm nghiệp T.Ư chi nhánh Điện Biên:

Lấy quyền Giám đốc cấp 'bừa' sổ đỏ

GD&TĐ - Không thuộc thẩm quyền được giao đất, song nguyên Giám đốc xí nghiệp Lâm nghiệp vùng Tây Bắc vẫn ngang nhiên 'xẻo' đất để cấp cho công nhân làm nhà.

Trụ sở UBND thành phố Điện Biên Phủ.
Trụ sở UBND thành phố Điện Biên Phủ.

Chính quyền thành phố Điện Biên Phủ cũng “hào phóng” cấp đất ở đô thị, trong khi nguyện vọng của người dân là để trồng cây hàng năm...

Giám đốc xí nghiệp cấp bừa sổ đỏ...

Theo tài liệu chúng tôi có được, ngày 25/9/2001, UBND tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên) ban hành Quyết định 1343/QĐ-UB thu hồi đất lâm nghiệp của Lâm trường Điện Biên tại địa bàn phường Him Lam và xã Noong Bua, thị xã Điện Biên Phủ, giao cho Công ty Giống Lâm nghiệp Trung ương, nay là Công ty Cổ phần Giống Lâm nghiệp Trung ương Chi nhánh Điện Biên (CTCP Giống Lâm nghiệp T.Ư). Diện tích đất được giao là 650.000m2 đất để xây dựng các công trình lâm sinh.

Thực hiện Quyết định 1343, CTCP Giống Lâm nghiệp T.Ư đã thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng được 16.984,3m2 tại thời điểm năm 2001. Phần diện tích này được sử dụng xây dựng Trụ sở và vườn ươm, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Đối với diện tích đất thuộc khu vực vườn thực vật nhận bàn giao từ Lâm trường Điện Biên 381.540m2 không phải bồi thường giải phóng mặt bằng. Hai bên đã ký biên bản bàn giao song chưa được cắm mốc giới trên thực địa.

Còn 251.475,7m2, công ty chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa được bàn giao mốc giới trên thực địa.

Từ năm 2003 đến đầu năm 2021, đã có 9 lần cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định và thực hiện thu hồi 211.710,4m2 (trong tổng số 650.000m2). Diện tích được giao còn lại sau thu hồi là 461.108m2 (đã được số hóa), tăng gần 23.000m2.

Qua kết quả rà soát, diện tích đất được giao theo Quyết định 1343, ngày 25/9/2001 của UBND tỉnh Điện Biên, thời điểm đầu năm 2021, CTCP Giống lâm nghiệp T.Ư đang quản lý là 263.509,4m2.

Trong đó, diện tích đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là 16.984,3m2. Khu đất này được CTCP Giống Lâm nghiệp T.Ư đã thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và được Sở TN&MT cấp GCNQSDĐ vào ngày 31/12/2006.

Năm 2021, phần diện tích này CTCP Giống Lâm nghiệp T.Ư sử dụng để xây dựng trụ sở và vườn ươm. Một phần còn lại được ông Nông Văn Bình – nguyên Giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp vùng Tây Bắc ban hành 15 quyết định giao đất không đúng thẩm quyền và sai mục đích cho 15 cá nhân.

Họ nguyên là cán bộ và công nhân của công ty. Mục đích cấp đất để làm nhà ở tại Tổ dân phố 6, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ. Trong số 15 thửa đất nói trên, có 1 thửa giao cho ông Nguyễn Văn Thăng, do chuyển công tác, Công ty đã thu hồi lại, 14 thửa đất còn lại với diện tích 1.837,3m2 (13 thửa đã có nhà trên đất, 1 thửa đất trống).

Ngoài ra, công ty này còn có 246.525m2 đất đang quản lý tại tổ dân phố 6, phường Him Lam và bản Tân Quang, xã Thanh Minh (theo bản đồ kết quả đo đạc, kiểm tra, rà soát của Sở TN&MT) song chưa được cấp GCNQSDĐ.

Tổng diện tích đất nằm trong quyết định thu hồi của UBND tỉnh vào năm 2001 (do các gia đình, cá nhân đang sử dụng) là: 197.598,7m2. Trong đó, 146.604m2 đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ (cấp lần đầu 65 hồ sơ), gồm: 7.789m2 đất ở, 116.223m2 đất trồng cây hàng năm, 3.975m2 đất nông nghiệp, 17.909m2 đất lâm nghiệp và 698m2 đất thủy sản.

50.994,7m2 còn lại (trong tổng diện tích 197.598,7m2) được các hộ gia đình sử dụng khi chưa được cấp GCNQSDĐ.

Công ty Cổ phần Giống Lâm nghiệp Trung ương Chi nhánh Điện Biên – nơi bê bết những sai phạm.

Công ty Cổ phần Giống Lâm nghiệp Trung ương Chi nhánh Điện Biên – nơi bê bết những sai phạm.

Xin đất trồng cây hàng năm, được... đất ở đô thị

Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (BCĐ) tỉnh Điện Biên được tổ chức ngày 21/9, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, Trưởng BCĐ yêu cầu chuyển vụ việc vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước tại Công ty Cổ phần Giống Lâm nghiệp Trung ương Chi nhánh Điện Biên và Hợp tác xã Him Lam – thành phố Điện Biên Phủ đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đầu năm 2021, Thanh tra tỉnh Điện Biên đã tiến hành Thanh tra về công tác quản lý, sử dụng diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho CTCP Giống lâm nghiệp T.Ư. Trong cuộc Thanh tra này, nhiều vi phạm của công ty và cả sai phạm trong quá trình cấp GCNQSDĐ của UBND TP Điện Biên Phủ (đối với diện tích đất UBND tỉnh đã giao cho CTCP Giống lâm nghiệp T.Ư) đã được chỉ ra.

Dù rằng việc UBND thành phố Điện Biên Phủ cấp GCNQSDĐ (cấp lần đầu) cho các hộ gia đình đều nằm trong Quy hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt và Quyết định về việc xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 nhưng việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình khi chưa có Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh (đối với diện tích đất UBND tỉnh Điện Biên đã giao cho CTCP Giống Lâm nghiệp T.Ư) là sai trình tự, thủ tục quy định.

Đáng chú ý, trong số 65 hồ sơ được UBND thành phố Điện Biên Phủ cấp cho các hộ gia đình có liên quan, có 3 giấy được cấp với tổng diện tích 54.414m2 (giai đoạn 1998 - 2001). Trong đó, 2/3 giấy được UBND thị xã Điện Biên Phủ cấp trước khi có Quyết định 1343 của UBND tỉnh. 1 giấy còn lại được cấp sau khi có Quyết định 1343, song lại trước thời gian bàn giao đất cho CTCP Giống Lâm nghiệp T.Ư.

Thật lạ, cũng không hiểu vì sao mà chính quyền thành phố khi đó lại có thể cấp được GCNQSDĐ cho người dân khi hồ sơ chưa được hoàn thiện. Đơn cử như việc thiếu dấu, không ghi rõ tên người thẩm định, người phê duyệt hồ sơ; ngày ký cấp GCNQSDĐ trước ngày thẩm định hồ sơ; cấp GCNQSDĐ không đúng với mục đích sử dụng trong hồ sơ xin cấp. Có trường hợp đơn xin cấp giấy, mục đích sử dụng là đất trồng cây hàng năm. Song giấy chứng nhận lại cấp đất ở đô thị và không thực hiện thu tiền sử dụng đất.

Cũng có trường hợp “may mắn” được công nhận đất ở vượt hạn mức. Điển hình như gia đình bà Phạm Thị Hạnh ở tổ dân phố 1, phường Him Lam. Bà Hạnh được cấp 2 GCNQSDĐ với diện tích 27.223,5m2, vượt so với nguồn gốc đất kê khai của gia đình là 3.923,5m2.

Không những thế, một số GCNQSDĐ vẫn được UBND thành phố Điện Biên Phủ cấp cho các hộ gia đình. Trong khi chính quyền chỉ dựa trên cơ sở xác nhận của cá nhân, đơn vị không phải là đơn vị Chủ quản. Họ chỉ là đơn vị sử dụng, xác nhận không đúng thẩm quyền.

Đó là trường hợp ông Nông Văn Bình – nguyên Giám đốc và bà Trần Thị Phương – Giám đốc CTCP Giống Lâm nghiệp T.Ư (thời điểm bấy giờ) ký xác nhận cho 7 trường hợp. Ông Nguyễn Trọng Toàn, nguyên Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự thành phố xác nhận cho 1 trường hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.