Vụ "Đường cong lạ" quanh Homestay của lãnh đạo huyện Bắc Yên: "Phá luật" cấp… sổ đỏ?

GD&TĐ - Không thuộc đối tượng được cấp sổ đỏ, song gia đình nguyên Phó Chủ tịch huyện Bắc Yên vẫn được cấp. Hơn 2 năm sau ngày “thụ hưởng” sổ đỏ nhờ phá luật, vị này mới hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước

Bất chấp nguy hiểm, nhiều hộ vẫn dựng lên những căn nhà tạm để “săn mây”.
Bất chấp nguy hiểm, nhiều hộ vẫn dựng lên những căn nhà tạm để “săn mây”.

Biết sai vẫn cấp?

Tại khoản 54, Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định các trường hợp mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua hình thức văn bản bằng hợp đồng viết tay không có công chứng, chứng thực vẫn được đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

– Một là, hộ gia đình, cá nhân hiện sử dụng đất do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ hộ gia đình, cá nhân khác trước ngày 1/1/2008;

– Hai là, hộ gia đình, cá nhân hiện sử dụng đất do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ hộ gia đình, cá nhân khác từ 1/1/2008 đến trước 1/7/2014 dù không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã có một trong các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Như Báo GD&TĐ đã phản ánh ở bài viết, “Bắc Yên (Sơn La): “Đường cong lạ” quanh homestay của Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy”, ngày 24/5/2017, UBND huyện Bắc Yên ban hành Quyết định 695/QĐ-UBND “về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc các bản, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên”.

Ông Lê Văn Kỳ - Chủ tịch UBND huyện là người ký Quyết định này. Theo danh sách đính kèm Quyết định 695/QĐ-UBND, ở ô thứ tự số 145, bà Nguyễn Thị Hồng Xuyến (vợ ông Thịnh – Chủ nhiệm UBKT huyện ủy Bắc Yên, năm 2016 giữ chức vụ: Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên) là chủ sở hữu của thửa đất số 3, tờ bản đồ số 32, có diện tích 3.570,2 m2 (400m2 đất ở nông thôn; 3.170,2m2 đất trồng cây lâu năm) tại địa chỉ bản Tà Xùa A, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên.

Cũng trong ngày 24/5/2017, ông Lê Văn Kỳ ký duyệt GCNQSDĐ cấp cho bà Nguyễn Thị Hồng Xuyến và ông Nguyễn Đức Thịnh tại thửa đất có cùng vị trí nêu trên. Thửa đất này lại có tổng diện tích là 2.194,8m2 (thiếu 1.375,4m2 so với Quyết định 695). Trong đó, đất ở nông thôn lâu dài là 400m2, đất trồng cây lâu năm (50 năm) là 1.794,8m2.

Dù GCNQSDĐ của gia đình ông Thịnh được Chủ tịch UBND huyện “phê chuẩn” vào ngày 24/5/2017, song mãi hơn 2 năm sau (tháng 7, 8/2019) thì giữa bên bán (ông Giàng A Sê – Tà Xùa, thị trấn Bắc Yên) và bên mua (bà Xuyến) mới hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Trước đó, ngày 15/1/2017, ông Giàng A Sê và vợ là Lầu Thị Pai (đại diện cho bên bán) cùng bà Nguyễn Thị Hồng Xuyến (bên mua) thực hiện một hợp đồng chuyển nhượng thửa đất có diện tích khoảng 3.500m2 tại bản Tà Xùa A, xã Tà Xùa, cộng thêm đường đi lên khu đất và một phần nương chè. Hai bên nhất trí chuyển nhượng cho nhau với giá 385 triệu đồng.

Đối chiếu với các quy định của Luật thì rõ ràng trường hợp gia đình bà Xuyến – ông Thịnh sau khi nhận chuyển nhượng thửa đất nói trên (thời điểm 15/1/2017) không thuộc đối tượng áp dụng để cấp GCNQSDĐ.

“Không phải cái gì cũng lôi Chủ tịch ra kỷ luật”

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, UBND tỉnh Sơn La đã ra Quyết định 38/2021/QĐ-UBND ngày 29/10/2021. Trong đó nêu rõ trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã về nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Quyết định nêu rõ: UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định pháp luật và theo phân cấp. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND cấp huyện phải xử lý theo quy định với Chủ tịch UBND cấp xã và những công chức thuộc quyền quản lý được phân công quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm mà không xử lý kịp thời hoặc dung túng, bao che cho hành vi vi phạm trật tự xây dựng…

Sau khi xem xét hồ sơ liên quan, Luật gia Trần Ngọc Tuyên – Hội Luật gia tỉnh Điện Biên cho rằng: Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên có dấu hiệu bao che, cố ý làm trái quy định.

Ông Tuyên phân tích: Theo quy định của Luật, tất cả các giao dịch liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất thì bên chuyển nhượng phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khi đó, người có tài sản mới có quyền chuyển nhượng cho người khác. Theo quy định của Luật Đất đai 2013, thì ông Giàng A Sê là chủ sử dụng thửa đất. Ông Sê chưa thực hiện việc đăng ký để được cấp GCNQSDĐ.

Nghĩa là, ông Sê chưa đủ điều kiện để thực hiện quyền chuyển nhượng. Bởi vậy, khi ông Sê đã cùng bà Xuyến viết hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (khi ông Sê chưa có GCNQSDĐ) thì hợp đồng trên được coi là vô hiệu.

Điểm thứ 2, ông Tuyên cho rằng: Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Sê và bà Xuyến chưa có chứng nhận, chứng thực của phòng công chứng hoặc công chứng tại UBND cấp xã. Do đó, về mặt hình thức cũng là vô hiệu. Theo quy định của pháp luật, các bên sẽ phải trả cho nhau những gì đã nhận.

“Hợp đồng vô hiệu, kéo theo đó là các văn bản, giấy tờ khác liên quan do cơ quan có thẩm quyền ban hành cũng trái pháp luật. Đặc biệt, việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước như: Thuế trước bạ, thuế chuyển quyền, thuế thu nhập... thực hiện sau thời điểm UBND huyện Bắc Yên cấp GCNQSDĐ cho bà Xuyến là trái quy định. Lẽ ra, nghĩa vụ thuế với Nhà nước phải thực hiện cùng hoặc trước thời điểm được cấp GCNQSDĐ”, ông Tuyên phân tích.

Gần đây, dù có nhiều vi phạm về quản lý đất đai, song đến nay mới chỉ có ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng TN&MT huyện Bắc Yên bị khiển trách về mặt Đảng và Khiển trách về mặt Chính quyền; nguyên Chủ tịch UBND xã Tà Xùa và cán bộ địa chính xã Tà Xùa bị phê bình. Khi được hỏi về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu thì ông Lê Văn Kỳ - Chủ tịch UBND huyện cho rằng: “Không phải cái gì cũng “lôi” Chủ tịch ra kỷ luật được”.

“Không phải cái gì cũng lôi Chủ tịch ra kỷ luật được. Phải xét mức độ đúng, sai. Các ông tham mưu lên, một ngày tôi phải ký bao nhiêu văn bản. Có ông bị cách chức, hạ chức thì tôi phải bị nhẹ hơn một tý. Chuyên môn mình không có, thế nên tất cả là anh em tham mưu lên”, ông Kỳ nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.