Những nỗi ám ảnh
Nhìn con bạn phải trải qua nỗi đau về thể xác và tinh thần khi bị bắt nạt hoặc bắt nạt trên mạng thật đau lòng. Nhiều trẻ bị ám ảnh đến mức sợ hãi mà không thể vượt qua được.
Trẻ em trai dễ bị bắt nạt về thể chất, trong khi bé gái dễ bị bắt nạt về tâm lý hơn. Điều này khiến trẻ ảnh hưởng lớn đến cảm xúc, nhất là sự sợ hãi. Thậm chí, mức độ có thể nghiêm trọng hơn khi chúng bị dọa dẫm là không được nói với ai.
Theo đại diện UNICEF Việt Nam, bắt nạt có thể gây ra những hậu quả có hại và lâu dài cho trẻ em. Bên cạnh những ảnh hưởng về thể chất của việc bắt nạt, trẻ em có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần và cảm xúc. Bao gồm trầm cảm và lo lắng, có thể dẫn đến lạm dụng chất kích thích và giảm hiệu suất học tập ở trường.
Không giống như bắt nạt trực tiếp, bắt nạt trên mạng có thể tiếp cận nạn nhân ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Nó có thể gây ra tác hại sâu sắc, vì nhanh chóng tiếp cận nhiều đối tượng.
Trẻ em có quyền được hưởng một môi trường học an toàn, được nuôi dưỡng và tôn trọng phẩm giá của chúng. Công ước về Quyền trẻ em quy định rằng, tất cả trẻ em đều có quyền được học hành và được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực, thương tích hoặc xâm hại về thể chất hoặc tinh thần. Bắt nạt cũng không ngoại lệ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ bị bắt nạt thường rất sợ hãi, lo lắng, thậm chí ám ảnh lâu dài ảnh hưởng đến thần kinh. Nếu cha mẹ không phát hiện sớm để phòng ngừa có thể gây ra hậu quả đáng tiếc.
Người lớn hãy quan sát và để ý kĩ. Quan sát ở đây là trạng thái cảm xúc của trẻ vì không phải trẻ nào cũng bày tỏ mối quan tâm của mình bằng lời nói. Các dấu hiệu cần chú ý bao gồm dấu hiệu vật lý như vết bầm tím không rõ nguyên nhân, vết trầy xước, gãy xương và vết thương đang lành.
Bên cạnh đó, trẻ thường sợ đi học hoặc tham gia các sự kiện của trường. Trẻ có thể đang lo lắng, căng thẳng hoặc rất cảnh giác. Dấu hiệu của sự sợ hãi, cô đơn thể hiện cả khi trẻ có ít bạn bè trong trường hoặc ngoài trường. Mất bạn bè đột ngột hoặc trốn tránh các tình huống xã hội.
Ngoài ra, cần để ý quần áo, đồ điện tử hoặc đồ dùng cá nhân khác bị mất hoặc bị phá hủy hoặc thường xin tiền, học lực thấp. Trẻ cũng có thể ngủ không ngon hoặc gặp ác mộng. Trẻ hay than phiền về nhức đầu, đau dạ dày hoặc các bệnh thể chất khác.
Dùng ngôn ngữ để giải quyết
Theo chuyên gia, bước đầu tiên để giữ an toàn cho con bạn, dù gặp trực tiếp hay trực tuyến, là bảo đảm các con biết và hiểu đúng vấn đề. Vì vậy, cha mẹ cần giáo dục trẻ về hành vi bắt nạt. Một khi các con biết bắt nạt là gì, trẻ có thể dễ dàng xác định và tự vệ.
Bà Nguyễn Hồng Liên, Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý, Kỹ năng trường học (Trung tâm Giáo dục Hà Nội), cho rằng, cha mẹ cần nói chuyện cởi mở thường xuyên với con cái. Càng nói nhiều với con mình về hành vi bắt nạt, trẻ sẽ càng cảm thấy thoải mái hơn nếu nhìn thấy hoặc trải nghiệm nó.
Người lớn cũng cần kiểm tra với trẻ hàng ngày và hỏi về thời gian của các con ở trường và các hoạt động của các con trên mạng. Không chỉ hỏi về các lớp học và hoạt động của các con, mà còn về cảm xúc của các con.
“Cha mẹ cần giúp con xây dựng sự tự tin. Khuyến khích con bạn ghi danh vào các lớp học hoặc tham gia các hoạt động mà các con yêu thích trong cộng đồng. Điều này cũng sẽ giúp trẻ có nhóm bạn bè có chung sở thích và không đơn độc”, bà Liên khuyên.
Cũng theo chuyên gia này, người lớn hãy là một phần của trải nghiệm trực tuyến với các con. Làm quen với các nền tảng mà con sử dụng, giải thích cho trẻ cách thế giới trực tuyến và ngoại tuyến được kết nối và cảnh báo các con về những rủi ro khác nhau mà các con sẽ gặp phải khi trực tuyến.
“Nếu bạn biết con mình đang bị bắt nạt, hoặc trải qua sự sợ hãi từ bắt nạt, hãy lắng nghe con bạn một cách cởi mở và bình tĩnh. Tập trung vào việc khiến các con cảm thấy được lắng nghe và được hỗ trợ, thay vì cố gắng tìm ra nguyên nhân của việc bắt nạt hoặc cố gắng giải quyết vấn đề. Hãy chắc chắn rằng các con biết rằng đó không phải là lỗi của các con. Hãy nói với con rằng bạn tin con, rất vui vì con đã nói với bạn. Sau đó, hãy cố gắng hết sức để tìm kiếm sự trợ giúp bằng cách nói chuyện với giáo viên hoặc nhà trường để tìm ra biện pháp chấm dứt triệt để”, bà Liên nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, việc giúp con vượt qua nỗi sợ hãi khi bị bắt nạt hoặc hậu bắt nạt, hãy cố gắng trấn an các con mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Trong thời gian đó, hãy quan sát và đồng hành cùng con để vượt qua cả những nỗi sợ, ám ảnh mà con phải chịu đựng từ trước đó. Bởi nhiều trẻ, không phải sự việc đã được giải quyết là có thể quên ngay được.
Có những nỗi sợ lâu dài khiến trẻ đeo bám mãi không dứt mà chỉ cần nhìn thấy kẻ xấu là con lại hốt hoảng, lo lắng. Vì vậy, người lớn hãy khéo léo dùng ngôn ngữ của mình để giải quyết, đồng hành, làm bạn để cùng con vượt qua những sợ hãi.