101 kiểu bắt nạt
Theo một khảo sát quy mô lớn về bắt nạt học đường trên thế giới cho thấy, tỷ lệ nạn nhân của bắt nạt học đường là từ 9 – 32%, tỷ lệ trẻ bị bắt nạt là từ 3 – 27%. Nhiều trẻ tỏ ra sợ đến trường do bị bắt nạt hoặc chứng kiến sự việc.
Ở thời đại bùng nổ mạng xã hội với đội quân “anh hùng bàn phím” đông đúc, tỷ lệ thanh thiếu niên bị bắt nạt đến mức mắc các chứng bệnh tâm thần như rối loạn lo lắng, rối loạn trầm cảm cũng theo đó mà gia tăng. Rất nhiều trường hợp, các em bị “bắt nạt từ xa”, bị “đánh hội đồng trên mạng” rồi bị cô lập trong lớp học.
Hành vi bắt nạt trong trường học thường xuất hiện từ rất sớm, kể cả ở độ tuổi mầm non. Cô Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên Trường Mầm non Thành Công (Hà Nội) cho biết, đôi khi, trong lớp có một bé nào đó muốn làm đại ca để sai vặt các bạn, bắt các bạn phải nộp đồ chơi, thức ăn cho mình. Những bé này thường là bé trai, và to khỏe, bạo dạn hơn các bạn khác. Thậm chí các bé gái cũng có thể bắt nạt nhau, nhưng mức độ ít hơn. Các bé bị bắt nạt thường tỏ thái độ e dè và sợ sệt, nhiều khi không dám đến lớp. “Bởi vậy trong quá trình dạy, chúng tôi luôn chú ý nhằm phát hiện những hành vi không hay này để chỉnh đốn các bé ngay từ đầu” - cô giáo nói.
Thông thường, khi thấy con bị đánh, với những vết bầm tím, chảy máu… nhiều phụ huynh rất xót xa, nhiều người đã xúi con phải chống trả quyết liệt, hoặc tìm cơ hội “trả thù”. Có không ít các vụ việc phải xử lý hình sự khi cha/anh của nạn nhân đến trường và đòi công bằng cho con em mình bằng nắm đấm. Điều này có thật sự hữu ích và đem lại công bằng cho con trẻ?
Thực chất, việc người nhà can thiệp vào câu chuyện của trẻ không những không ổn mà còn có thể làm mâu thuẫn trầm trọng hơn nhiều. Có cậu bé, khi bị bắt nạt, mẹ đến mách cô, ngày hôm sau con đã bị bạn bè tạt cả ca nước nóng vào người. Bọn trẻ không phục và thực sự tức giận nếu như nạn nhân cậy nhờ người lớn để giải quyết câu chuyện mà chúng cho là của riêng chúng.
Cần dạy con một số kỹ năng cần thiết
Trong trường hợp con bị bắt nạt hay bị đánh, ThS Phan Lan Phương, thuộc bộ môn Tâm lý - Giáo dục học Trường Đại học Cần Thơ, đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh: “Khi con đã bị tổn thương do bị bắt nạt, bị đánh… cha mẹ nên dành thời gian quan tâm đến con hơn. Đa số những trẻ bị bắt nạt đều do bố mẹ có ít thời gian chăm sóc nên không hiểu con, không ngăn chặn được vụ bắt nạt… vì con không dám nói với bố mẹ. Nếu theo sát con hàng ngày, cha mẹ có thể thấy những biểu hiện bất thường để hỏi ngay và can thiệp sớm”.
Theo ThS Phan Lan Phương, nếu dạy con đánh lại bạn nghĩa là cho trẻ thấy dùng vũ lực để giải quyết vấn đề. Cách này chỉ làm tăng thêm tính nguy hiểm của bạo lực, gây thêm nhiều rắc rối không lường trước được. Do đó, phụ huynh hãy dạy con một số kỹ năng cần thiết khi gặp các tình huống bất lợi (như dạy con bình tĩnh, cương quyết để thể hiện tâm lý vững vàng để “chiến đấu tâm lý” với bạn bắt nạt mình; Dạy bé phát biểu quan điểm của mình khi bị trêu trọc, bắt nạt như: Nhìn thẳng vào họ và dõng dạc yêu cầu các bạn không trêu mình. Nếu bị tái diễn hãy khuyên con thông báo cho thầy cô giáo, bố mẹ biết tình trạng của mình...).
ThS Lan Phương cũng cho rằng, cha mẹ nên khuyến khích con tham gia chơi các môn thể thao để năng động, hoặc cho tham gia lớp học võ để học cách kiềm chế, tự tin vào bản thân, cũng như phòng vệ chính đáng và có một thể lực tốt. Thường xuyên cho con tham gia các hoạt động tập thể, tới nơi công cộng để trẻ dạn dĩ hơn khi tiếp xúc, bắt đầu ở môi trường mới tốt hơn. Không dạy bé chống trả bằng bạo lực, thiếu văn hóa mà dạy con phản kháng bằng bản lĩnh, dũng cảm và hành động đúng mức độ cần thiết.