Lầu & thơ

GD&TĐ - Trong lịch sử văn học, có những ngôi lầu đã đi vào thơ và tồn tại trong thơ còn bền vững hơn cả ngôi lầu ngoài đời thực. Thơ hay làm cho tên tuổi ngôi lầu được nhiều người biết đến. Du khách đến thăm lầu thì lại nhớ đến thơ. Bài viết ngắn dưới đây xin giới thiệu về sự gặp nhau của hai bài thơ cùng hai ngôi lầu nổi tiếng trong lịch sử văn học của hai đất nước Hoa – Việt.

Lầu & thơ

Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu và ngôi lầu Hoàng Hạc

Thôi Hiệu sinh vào khoảng 704 và mất 754 - là thi nhân thời nhà Đường, người Biện Châu (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), đỗ Tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 11 (723), làm quan đến chức Tư Huân viên ngoại lang. 

Đương thời, Thôi Hiệu rất nổi tiếng, đến nay thơ của ông chỉ còn lại hơn 40 bài, trong đó, Hoàng Hạc lâu được coi là một trong những bài thơ hay nhất thời Đường đến mức Lý Bạch cũng phải khâm phục: “Tiền mục hữu cảnh đạo bất đắc / Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu” (Trước mắt có cảnh mà nói không được vì đã có thơ Thôi Hiệu ở trên đầu).

Nguyên văn Hoàng Hạc lâu như sau:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ

Thử địa không dư Hoàng hạc lâu

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Tạm dịch: Người xưa đã cỡi hạc vàng bay đi mất, chỉ còn trơ lại lầu Hoàng Hạc tại mảnh đất này. Hạc vàng một đi không trở lại, ngàn năm mây trắng vẫn bay dằng dặc, hàng cây đất Hán Dương rực rỡ bên dòng sông tạnh, cỏ thơm bãi Anh Vũ vẫn tốt tươi. Lúc trời chiều đứng trông về làng cũ tự hỏi: quê hương ở chốn nào? Khói sóng mịt mờ trên sông nước khiến cho người nổi mối ưu sầu.

Bài thơ mang cái không khí âm u, cô tịch. Tác giả đặt tâm hồn mình vào khoảng thời gian và không gian vô tận. Nỗi sầu từ sự ý thức giữa cái hữu hạn của kiếp người và cái vô cùng của tạo vật đã thành mạch chảy suốt bài thơ.

Người xưa đi mất, quanh đây chỉ còn mây trắng bay. Ý thức về sinh ký tử quy của tác giả như hòa vào khói sóng đìu hiu và rồi tất cả chỉ còn đọng lại trong một chữ “sầu” trĩu nặng ở cuối bài thơ. Vì bài thơ quá hay, sức ám ảnh quá lớn, khiến người yêu bài thơ cũng yêu lầu Hoàng Hạc.

Và hơn ngàn năm nay ngôi lầu này như một chứng nhân của lịch sử văn học, nó là một phần không thể thiếu trong việc thưởng thức thơ ca và thưởng lãm kiến trúc cổ.

Lầu Hoàng Hạc được xem là một trong bốn tứ đại danh tháp của Trung Quốc. Lầu đầu tiên được xây dựng ở trên ghềnh đá thuộc huyện Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc vào năm Hoàng Vũ thứ II đời nhà Ngô - 223 Tây Lịch.

Lầu đã trải qua 12 lần bị thiêu hủy và xây cất lại, nhưng mỗi lần xây cất lại cao hơn và có nhiều tầng hơn. Và tại sao ngôi lầu này lại có tên là “Lầu Hoàng hạc”?

Nó bắt nguồn từ truyền thuyết Phí Văn Vi, “ông là một đạo sĩ đắc đạo thành tiên thường cưỡi hạc vàng ngao du sông thủy. Một hôm, tiên và hạc bay ngang Vũ Hán và dừng chân lại trên “Đồi Rắn” để nhìn ngắm, một bên là cảnh đẹp hùng vĩ của Trường Giang và bên kia là Ngũ Hồ trong khói sương diễm lệ. Người đời sau đã - từ nơi tiên cưỡi hạc vàng bay đi, xây lên một tháp lầu và đặt tên là Hoàng Hạc lâu”.

Đời nhà Đường (618 - 907), các thi nhân thường đến lầu Hoàng Hạc để thưởng ngoạn phong cảnh sơn thanh thủy tú và uống rượu ngâm thơ. Trải qua các thời, chiến tranh đã phá hủy kiến trúc của lầu Hoàng Hạc nhưng sau đó lại được tái thiết. Ngôi lầu được xem là cuối cùng xây năm 1868 và bị hủy hoại năm 1884.

Năm 1957, khi chiếc cầu đầu tiên bắc qua sông Dương Tử thì vị trí cũ của lầu Hoàng Hạc bị trưng dụng và các kiến trúc Hoàng Hạc lâu được dời ra cách đó một ngàn thước. Vào tháng 10 năm 1981, Hoàng Hạc lâu được tái thiết lại và đến tháng 6 năm 1985 thì khánh thành. Nay lầu Hoàng Hạc là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của đất nước Trung Hoa.

Lầu Ông Hoàng và bài thơ Phan Thiết! Phan Thiết! của Hàn Mặc Tử

Nếu ở Trung Hoa có lầu Hoàng hạc nhờ bài thơ của Thôi Hiệu làm cho nổi tiếng, thì ở Việt Nam cũng có một ngôi lầu nhờ thơ mà nhiều người trong cả nước biết đến. Đó là lầu Ông Hoàng qua thơ của Hàn Mặc Tử.

Hàn Mặc Tử (1912–1940) là một thi sỹ tài hoa và cô đơn. Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân nhận xét: “Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử, ta không hiểu được và chắc cũng không bao giờ ai hiểu được. Nghĩ thế ta bỗng thương con người cô độc. Đã cô độc ở kiếp này và e còn cô độc đến muôn kiếp”.

Bài thơ Phan Thiết! Phan Thiết! được in trong tập Xuân như ý. Đây là bài thơ nhuốm màu sắc đau thương, thể hiện thần trí hoảng loạn của Hàn trong giai đoạn bị cơn bệnh nan y hoành hành dữ dội. Ngoài những câu không thể hiểu nổi thì bài thơ cũng có nhiều câu hay và làm cho độc giả say đắm đến ngất ngư:

Ta la thang tìm tới chốn Lầu Trăng

Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang

Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết

Ôi trời ôi! là Phan Thiết! Phan Thiết

Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi

Ta đến nơi Nường ấy vắng lâu rồi

Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ

Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ!

Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng

Và một câu thơ trong bài (Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ!) sau này được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đưa vào ca khúc Hàn Mặc Tử, làm cho bài thơ thêm nổi tiếng, để “lầu Ông Hoàng đó thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua” cũng nổi tiếng theo.

Lầu Ông Hoàng là một di tích tọa lạc trên một ngọn đồi sát biển có tên Bài Nài, nay thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đây vốn là một biệt thự do Công tước De Montpensier, cháu nội vua Louis-Philippe I của Pháp bỏ tiền ra xây, làm nơi ngắm trăng lên từ phía biển.

Ngôi lầu này gắn liền với tên tuổi thi sĩ Hàn Mặc Tử trong giai đoạn ông đến thăm Phan Thiết. Theo một số tài liệu cho biết thì tòa biệt thự này được khởi công xây dựng ngày 21 tháng 2 năm 1911.

Tòa nhà lớn gồm 13 phòng rộng cùng nhiều tiện nghi. Khi xây xong, biệt thự được xem là công trình hiện đại nhất Bình Thuận lúc bấy giờ. Và cái tên gọi lầu Ông Hoàng xuất phát từ cách gọi dân dã của người dân về sự sang trọng của vị công tước người Pháp cư ngụ ở đây.

Đến khoảng tháng 7 năm 1917, Công tước De Montpensier bán lại biệt thự cho một chủ khác cũng là người Pháp có tên là Prasetts. Sau này, vua Bảo Đại mua lại nó… Sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam năm 1945, quân Pháp đã xây dựng một hệ thống đồn bót với nhiều lô cốt để canh giữ toàn vùng Phan Thiết.

Lầu Ông Hoàng trở thành nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Kể từ đó trở đi, lầu Ông Hoàng không còn được ai chăm nom và dần trở nên xuống cấp, hoang phế cho đến ngày hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.