'Lập trình' mùa Xuân

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mùa xuân đã về trên quê hương yêu dấu của cháu. Không gì tuyệt vời hơn nếu chú đến Hà Nội và du xuân cùng cháu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chú Gennady Korotkevich (tourist) thân mến!

Khi nhận lá thư này, chắc chú không khỏi băn khoăn tự hỏi: Tại sao một thằng nhóc ở tận Hà Nội (Việt Nam) - cách hàng ngàn cây số lại biết tới mình? Ấy là vì, từ ngày bắt đầu tự học lập trình, cháu đã tìm hiểu về những gương mặt xuất chúng nhất trong lĩnh vực lập trình giải toán - và trong đó có chú.

Cháu đã vô cùng ngưỡng mộ khi biết chú được mệnh danh là một “quái kiệt”, người cứ thi là lại chiếm vị trí dẫn đầu và cũng là người trẻ duy nhất giành huy chương khi mới 11 tuổi.

Chú biết không, cháu đã bắt đầu hứng thú với lập trình từ năm học lớp 5. Chính cháu bây giờ cũng tự hỏi, tại sao khi ấy lí do cháu thích lập trình thật là “vớ vẩn” và “dở hơi”. Ấy là khi nhìn những lập trình viên viết code trên mạng, cháu không quan tâm đến sự điêu luyện mà chỉ là… màu chữ.

Các dòng chữ lập trình được phân biệt bởi các màu khác nhau như xanh, đỏ, vàng…, điều mà cháu chưa từng thấy ở một văn bản Word lúc nào cũng là một màu đen chán ngắt. Vì thấy đẹp và thích quá nên cháu đã lên mạng tải phần mềm lập trình về để bắt đầu tự học. Khi ấy, cháu mơ ước sẽ lập trình giỏi như chú hay những người xuất chúng khác như Benjamin Qi (Benq), Riku Kawasaki (maroonrk),…

Ban đầu, cháu học về những câu lệnh trong ngôn ngữ lập trình C++. Những câu lệnh như using, namespace, int, long long, map, vector… làm cho cháu đôi lúc cảm thấy nhàm chán và định từ bỏ.

Những lúc ấy, cháu lại tự hỏi: “Mình học lập trình để làm gì? Mình muốn “sánh vai” với những người giỏi nhất thì phải kiên trì học tập chứ!”. Việc đi tìm câu trả lời cho chúng giúp cháu có động lực để tiếp tục tìm tòi về lập trình.

Sau thời gian khó khăn để học những kiến thức cơ bản ấy, cháu lên các trang mạng lập trình nổi tiếng và uy tín như Codeforces, Codechef, Atcoder… để bắt đầu với lập trình cạnh tranh (competitive programming). Lúc này, cháu mới thực sự cảm nhận rõ hơn về sự biến hóa tuyệt vời của ngôn ngữ lập trình khi được ứng dụng vào giải toán.

Cháu đã say mê biết bao! Cháu luôn quyết tâm lập trình với tinh thần không được chùn bước. Chính với tinh thần ấy, nhiều khi cháu phá bỏ được giới hạn bản thân để tiến lên một tầm cao mới. Cháu cũng thường xuyên tham dự các cuộc thi lập trình trực tiếp và thường giải được hai bài toán với thời gian cần để giải dần dần rút ngắn lại.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thậm chí những cuộc thi ở mức độ dễ (Division 4), cháu còn có thể giải từ 3 - 5 bài. Nếu như những cuộc thi đầu tiên, cháu mất 30 phút, thậm chí một tiếng chỉ để giải một bài thì cuộc thi gần đây nhất, cháu đã chớp nhoáng giải xong hai bài chỉ trong 15 phút.

Nhưng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, cháu đã vượt qua được sự khô khan của lí thuyết lập trình nhưng lại gặp trở ngại khác: Đó là sự lắt léo và những ẩn ý của các bài toán lập trình. Nhiều khi mọi người đều nhìn ra cách giải một cách dễ dàng thì cháu lại không thể nhìn ra.

Kết quả là, chắc chú cũng đoán được, cháu đã “góp mặt” trong top đầu từ… dưới lên của bảng xếp hạng và bị trừ rất nhiều điểm. Những lúc ấy, cháu cảm thấy rất buồn, nhưng cháu lại nghĩ tới ước mơ của mình và tiếp tục luyện tập để có kết quả tốt hơn.

Hoặc là khi chơi trái bóng tròn và bị ngã gãy tay, cháu đã không chấp nhận nghịch cảnh mà tiếp tục lập trình chỉ với một tay. Tuy cháu lúc ấy có thể gõ bàn phím chậm đi, nhưng khả năng tư duy và ý chí của cháu vẫn vậy nên những nỗ lực ấy được đền đáp xứng đáng khi sau những cuộc thi lập trình tổng điểm tăng dần.

Cháu tự thấy mình còn nhiều khuyết điểm và cần thêm một khoảng thời gian rất dài nữa mới có thể bằng chú được. Cháu rất ngưỡng mộ bảng thành tích của chú. Chú đã đạt được Huy chương Bạc kì thi IOI (International Olympiad in Informatics) từ năm 11 tuổi, mà sang năm mới này cháu đã bước sang tuổi 13 rồi.

Cháu sẽ quyết tâm đào sâu, học hỏi nhiều hơn để một ngày không xa có thể lập trình giỏi giống chú. Ngoài ra cháu cũng đang học tập những lối sống tốt đẹp của chú. Chú đã chia sẻ là chỉ nhìn màn hình vi tính 3 - 4 tiếng một ngày, phần còn lại để chơi các môn thể thao khác như bóng đá hay bóng bàn. Cháu một ngày cũng chỉ nhìn vào màn hình máy tính không quá 3 tiếng. Cháu hiểu được về sự quan trọng của sức khỏe, nhất là đôi mắt trong lập trình.

Nếu chú là một con robot hay phần mềm máy tính như Stockfish 15 (phần mềm chơi cờ vua) thì cháu không tính đến và chắc chắn sẽ không có ai đuổi kịp chú.

Thực tế thì, chú cũng là con người, chẳng lẽ nào cháu không thể đuổi kịp? Chú đã từng học tại Trường Đại học Tổng hợp ITMO (Nga), vậy tại sao sau này cháu lại không học tại đó nhỉ? Biết đâu khi đó cháu được học tại căn phòng mà chú đã từng học, hay trong một dịp thăm trường của chú chúng ta gặp nhau? Đó thật là một vinh hạnh rất lớn đối với cháu!

Mùa xuân đã về trên quê hương yêu dấu của cháu. Không gì tuyệt vời hơn nếu chú đến Hà Nội và du xuân cùng cháu. Khi ấy, cháu sẽ đãi chú món phở Bát Đàn và nhất định chú nhớ chỉ cho cháu vài chiêu lập trình nhé!

Tạm biệt và hẹn gặp chú!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ