Lập sàn giao dịch xăng dầu?

GD&TĐ - Theo đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, thời gian qua, giá xăng dầu biến động bởi nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do giá thế giới.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hiện, cơ cấu giá xăng dầu thế giới chiếm khoảng 65 - 77% giá trong nước. Các yếu tố còn lại trong cơ cấu giá như chi phí, thuế chiếm khoảng 12 - 29%, chi phí kinh doanh định mức chiếm 7,5 - 11%...

Giá xăng dầu được điều hành bằng các công cụ như giá cơ sở, thuế và quỹ bình ổn, thế nhưng nhược điểm của cơ chế này là giá phải theo thế giới. Mặt khác, việc điều hành vẫn mang tính chất sử dụng công cụ hành chính, Nhà nước áp đặt giá cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Bởi vậy, sau khi Chính phủ có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng dầu, đã có nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này, nếu được là rất tốt và cần thiết để tạo công khai, minh bạch, giảm độc quyền; tạo cơ hội đầu tư, quản lý rủi ro, thúc đẩy cạnh tranh, giảm giá thành và có lợi cho người tiêu dùng.

Phân tích rõ hơn về điều này, một chuyên gia cho biết, hiện có 39 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, trong đó 6 doanh nghiệp lớn, chiếm khoảng 88% thị phần tương đối lớn.

Phần lớn các doanh nghiệp này đều có vốn của Nhà nước nên khi có sàn giao dịch, thị phần sẽ được “chia” lại, các khu vực tư nhân sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường, mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên, người tiêu dùng và nền kinh tế sẽ được hưởng lợi.

Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực là vậy, nhưng để thành lập được sàn, có rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Cụ thể, theo một đại biểu Quốc hội, để thành lập, quản lý, vận hành sàn giao dịch một cách hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu và mục đích đặt ra thì phải xác định tính chất của sàn như thế nào?

Nếu tổ chức một sàn giao dịch xăng dầu như thế giới thì phải có liên thông giữa sản phẩm của chúng ta với các sản phẩm của các nhà cung cấp thế giới. Do đó, phải coi đây như là sàn giao dịch cho thế giới chứ không phải chỉ cho vài nhà sản xuất, nhà cung cấp cho Việt Nam.

Vấn đề nữa cũng cần phải giải quyết là khi đã có sàn giao dịch xăng dầu thì mặt hàng này có chịu sự chỉ đạo của cơ quan Nhà nước theo cơ chế thị trường hay không? Nhà nước can thiệp vào thị trường xăng dầu ở mức độ nào? Định kỳ cơ quan Nhà nước có phải công bố giá điều hành, giá trần không hay để doanh nghiệp tự quyết định? Cơ quan nào sẽ quản lý giá bán lẻ xăng dầu?

Ngoài những vấn đề trên, để thành lập được sàn giao dịch xăng dầu cần phải đầu tư về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực. Công tác quản lý, giám sát cũng cần phải chú trọng để bảo đảm không có hiện tượng thao túng thị trường.

Các mô hình, phương thức hoạt động kinh doanh cũng như phương thức vận hành cũng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Khâu đào tạo cho các doanh nghiệp tham gia sàn cũng phải bài bản, được cung cấp thông tin đầy đủ để tham gia giao dịch. Các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động cũng phải tương thích với các quy định của quốc tế.

Để khắc phục những bất cập trong quản lý, điều hành, đồng thời tăng tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 83/2024, trong đó quy định, ngoài hình thức kinh doanh xăng dầu theo phương thức tổng đại lý, đại lý hiện đang quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP còn bổ sung thêm phương thức phân phối xăng dầu mới là phương thức mua đứt bán đoạn và nhượng quyền thương mại...

Thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối, được quyền quy định giá bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình theo nguyên tắc, trình tự như thương nhân đầu mối… Đây có thể là những tiền đề để các cơ quan chức năng xem xét đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện vì xăng dầu là mặt hàng đặc thù, liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia cũng như mọi mặt của đời sống xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ