Tạo kẽ hở, không còn hiệu quả
Từ năm 2007, Chính phủ quyết định điều hành giá bán lẻ xăng dầu trên cơ sở giá thị trường. Ðến đầu năm 2008, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng Đề án Thành lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhằm bình ổn mặt bằng giá xăng dầu, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định tăng trưởng và an sinh xã hội.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 234/2009/TT-BCT hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NÐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Từ ngày 15/12/2009, khi mua xăng dầu, người tiêu dùng phải góp thêm 300 đồng/lít (kg) vào quỹ. Mức trích lập chỉ được Bộ Tài chính điều chỉnh trong trường hợp cần thiết khi có biến động của thị trường.
Thông tư 234 quy định việc trích lập, sử dụng, hạch toán, quyết toán quỹ do doanh nghiệp đầu mối thực hiện. Việc trích lập Quỹ Bình ổn giá và chỉ sử dụng quỹ cho mục đích ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu trong nước theo quy định của pháp luật.
Quỹ Bình ổn giá được thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hạch toán riêng bằng một tài khoản mở tại ngân hàng nơi thương nhân đầu mối có giao dịch. Thương nhân đầu mối là chủ tài khoản, thực hiện các thủ tục liên quan để mở tài khoản, trích lập, thực hiện các nghiệp vụ thu, chi từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá; đồng thời, có trách nhiệm công bố thông tin theo quy định tại Khoản 3 Điều 39 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá hỗ trợ không hoàn lại một phần hoặc hỗ trợ toàn bộ phần chênh lệch giá phát sinh của giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành từ 3% trở lên khi các thương nhân đầu mối phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá theo chỉ đạo của liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Tại Hội thảo “Góp ý dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu” diễn ra vào ngày 14/5, các góp ý cho rằng, trong thời gian qua và tới nay đã có nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, có những lúc quỹ hoạt động thiếu minh bạch đã tạo kẽ hở để một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường.
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nằm trong tay doanh nghiệp, có những trường hợp “tự tung tự tác”, muốn làm gì thì làm. Thậm chí, kẹt tiền thì doanh nghiệp rút quỹ ra xài. Những vụ án liên quan đến sai phạm trong sử dụng quỹ như: Xuyên Việt Oil, Hải Linh, Hải Hà, Thiên Minh Đức… trong thời gian vừa qua cho thấy rõ điều đó.
“Đứng về phía doanh nghiệp xăng dầu, Quỹ Bình ổn giá không phát huy hiệu quả phòng ngừa rủi ro về giá trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, sử dụng, quản lý quỹ, cơ quan chức năng có những lúc có hiện tượng để cho quỹ âm. Điều này ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp”, vị chuyên gia cho biết.
Thị trường đã ổn định
Tại hội thảo, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết, cơ quan quản lý nên mạnh dạn bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Lý do, thời gian qua quỹ không trích, chi nhiều kỳ, nhưng thị trường vẫn ổn định.
Trong khi đó, việc quản lý quỹ tại các doanh nghiệp đầu mối đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc kiểm tra sản lượng xuất bán, đảm bảo tính minh bạch trong việc quản lý và sử dụng quỹ, cũng như trong việc cung cấp số liệu thống kê khi bị thanh tra, kiểm tra.
“Để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, chúng tôi đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp can thiệp vào việc quản lý quỹ, đặc biệt là những quỹ hình thành từ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhằm ngăn chặn việc sử dụng quỹ sai mục đích như các vụ việc gần đây của Xuyên Việt Oil, Hải Hà...”, ông Năm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOil, cũng đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Hiện nay, giá thị trường xăng dầu biến động khó lường, khiến doanh nghiệp luôn lo lắng mỗi kỳ điều chỉnh giá, không biết quỹ sẽ được sử dụng ra sao và trích lập như thế nào... Bên cạnh đó, quỹ bình ổn là nguồn lực của người dân đóng góp vào thì bản chất không phải là bình ổn.
“Nhà nước xây dựng quỹ với thiện chí hỗ trợ người dân nhưng hiện nay thiện chí đó người dân không cảm nhận được, người dân phản đối kịch liệt thì duy trì quỹ để làm gì? Do vậy, tôi kiến nghị nếu được thì bỏ quỹ bình ổn. Nếu vì nhiều lý do mà chưa thể bỏ thì chỉ khi nào giá lên mức quá cao mới sử dụng quỹ. Như thế để chúng tôi bớt hồi hộp, không phải đoán định điều hành của Nhà nước”, ông Dương nhấn mạnh.
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là quỹ ngoài ngân sách, được hình thành từ tiền trích trên mỗi lít xăng dầu khi mua của người dân. Bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không phải là đề xuất mới.
Trước đó, không ít ý kiến của các chuyên gia đã đề xuất bỏ quỹ này sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt bất cập, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, trong đó có tình trạng doanh nghiệp đầu mối chiếm dụng quỹ.
Chuyên gia Ngô Trí Long lưu ý rằng, hiện thị trường kinh doanh xăng dầu trong nước còn hơn 30 doanh nghiệp đầu mối, gần 400 doanh nghiệp phân phối và nhất là có sự tham gia của 2 nhà máy lọc dầu trong nước.
Từ đó có thể thấy nguồn cung bước đầu được bảo đảm và hệ thống lưu thông phân phối đã được củng cố, thúc đẩy cạnh tranh. Vì vậy, vai trò của công cụ quỹ không còn cần thiết như giai đoạn trước đây.
Bỏ quỹ cũng đồng thời khắc phục được một số khó khăn, hạn chế từ trách nhiệm trong quản lý, sử dụng của doanh nghiệp đầu mối.