Nếu như bệnh lao nói chung thường gặp ở người lớn thì lao sơ nhiễm thường chỉ gặp ở trẻ em. Bệnh có thể phòng tránh được nhờ tiêm phòng vắc-xin BCG.
Lây qua nhiều đường
Lao sơ nhiễm còn được gọi là bệnh lao khởi đầu hay bệnh lao nguyên phát. Đây là tình trạng của cơ thể “phản ứng” lại với vi khuẩn gây bệnh lao sau lần bị xâm nhập đầu tiên. Do đó, bệnh hiếm khi gặp ở người lớn mà chủ yếu chỉ gặp ở trẻ nhỏ từ 1 - 5 tuổi.
Thủ phạm gây bệnh lao là loài vi khuẩn có tên Mycobacterium Tuberculosis. Đây là một loài trực khuẩn (do có hình que) hiếu khí, lây chủ yếu qua đường hô hấp, các giọt nước bọt nhỏ li ti mang vi khuẩn phát tán vào không khí khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi hay nhảy mũi.
Riêng bệnh lao sơ nhiễm, đường lây còn có thể là đường tiêu hóa do trẻ uống sữa tươi của những con bò bị lao vú nhưng chưa được tiệt trùng tốt. Trong trường hợp hiếm hơn, lao sơ nhiễm bẩm sinh là do thai nhi nuốt nước ối hay dịch âm đạo của người mẹ bị lao nội mạc tử cung hoặc lao âm đạo trong quá trình nằm trong bụng mẹ và khi được sinh ra.
Ngoài ra còn có đường lây khác, tuy hiếm là lây qua da và niêm mạc. Vi khuẩn lao có khả năng “đột nhập” vào cơ thể qua các vị trí da, niêm mạc họng, mắt bị tổn thương.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn lao phát triển và gây tổn thương (gọi là tổn thương sơ nhiễm) tại những nơi xâm nhập như phế nang, niêm mạc ruột, mắt, họng hoặc da... Tại những nơi này, xuất hiện ổ loét sơ nhiễm. Từ đó, vi khuẩn theo đường bạch huyết xâm nhập vào các hạch lân cận tạo thành phức hợp sơ nhiễm.
Có những trường hợp, vi khuẩn “không vội” gây bệnh mà ở trong trạng thái ngủ trong một thời gian dài. Đây chính là giai đoạn ủ bệnh. Trong giai đoạn này, người mang trùng không có bất cứ biểu hiện nào và cũng không làm lây cho người khác. Trường hợp nghi ngờ có thể làm xét nghiệm - phản ứng Tuberculin để xác định. Người có phản ứng
Tuberculin dương tính được xác định đã nhiễm lao hay bị lao sơ nhiễm tiềm tàng. Nếu được dự phòng ngay trong khoảng thời gian này thì nguy cơ mắc bệnh lao trong tương lai sẽ giảm một cách đáng kể. Các nghiên cứu đã xác định, cứ 100 người nhiễm lao, sẽ có 10 người mắc bệnh.
Biểu hiện bệnh không rõ ràng
Nói chung, các biểu hiện của bệnh lao sơ nhiễm ở trẻ em thường không rõ ràng và cũng không điển hình nên các bậc cha mẹ gần như bỏ qua. Một số biểu hiện mang tính “chung chung” cho nhiều loại bệnh khác như nhác ăn, chậm lên cân hoặc sụt cân, ra mồ hôi trộm, sốt lặt vặt hoặc sốt kéo dài như các trường hợp sốt nhiễm siêu vi khác.
Một số biểu hiện ở đường hô hấp có thể gây sự chú ý và lo lắng hơn như ho kéo dài, tái diễn nhiều lần, thở khò khè và thậm chí thở khó. Các biểu hiện này do hạch bạch huyết trong khu vực trung thất bị sưng to gây chèn ép.
Ngoài ra, còn có thể có các biểu hiện sau đây: Nốt loét ở da, tiêu chảy kéo dài, viêm kết mạc bọng nước, hồng ban ở da, các hạch ổ bụng lớn. Các biến chứng nặng nề của bệnh lao sơ nhiễm gồm: Lao phổi, giãn phế quản, xẹp phổi, lao màng não, lao thận, lao xương...
Dấu hiệu nghi ngờ trẻ mắc lao sơ nhiễm: Sốt lặt vặt hoặc sốt kéo dài, ra mồ hôi trộm nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc nuôi mãi không thấy lớn, ho hay thở khò khè kéo dài hoặc tái diễn nhiều lần, trẻ có bệnh lý đường hô hấp (như viêm long hô hấp trên, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản cấp, hen phế quản...) nhưng điều trị dài mà kết quả không như ý muốn.
Đặc biệt lưu ý, nếu trẻ có một trong các biểu hiện trên mà gia đình có người mắc bệnh lao thì cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa lao và bệnh phổi để được chẩn đoán xác định và điều trị sớm để tránh các biến chứng nặng nề.
Ảnh minh họa: ITN |
Hướng điều trị và phòng ngừa
Khi được chẩn đoán xác định lao sơ nhiễm, trẻ cần dùng thuốc đặc trị bệnh lao hằng ngày, trong khoảng thời gian ít nhất 6 tháng, tùy theo quyết định của bác sĩ điều trị. Thuốc kháng lao là thuốc có khá nhiều tác dụng phụ nên người nhà cần chú ý các tác dụng phụ có thể xảy ra đối với trẻ. Việc tuân thủ lời dặn của các nhà chuyên môn, tái khám và xét nghiệm định kỳ mang tính chất quyết định kết quả điều trị tốt và hiệu quả lâu dài cho trẻ.
Phòng bệnh cho trẻ bằng cách tiêm vắc-xin BCG. Đây là mũi tiêm có tính chất bắt buộc trong Chương trình tiêm chủng quốc gia dành cho trẻ em. Mũi tiêm BCG cần được thực hiện cho trẻ sơ sinh càng sớm càng tốt.
Thực hiện vệ sinh nhà cửa và môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng. Gia đình có người mắc bệnh lao mới cần có phòng sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ và vệ sinh riêng.
Đeo khẩu trang, không ho khạc bừa bãi, vệ sinh tay thường xuyên để tránh lây lan cho gia đình và cộng đồng. Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng tốt để bồi bổ cơ thể, tăng cường sức chống đỡ sớm vượt qua bệnh tật và phục hồi sức khỏe.
- Khám xét nghiệm tầm soát bệnh lao: Thực hiện cho những gia đình có người mắc bệnh lao hoặc những người đã từng tiếp xúc với người mắc bệnh lao mà không được phòng vệ tốt.