Lão nông ở Vĩnh Long 16 năm làm… 'chuyện lạ'

GD&TĐ - Ròng rã 16 năm, ông Lê Văn Chìa (ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) ra sức bảo vệ chim trời.

Ông Hai Chìa dùng cách riêng để nhận biết khi có người đến săn bắn chim, cò, vạc.
Ông Hai Chìa dùng cách riêng để nhận biết khi có người đến săn bắn chim, cò, vạc.

Làm “nhà” cho chim trời ở

Đến ấp Gia Kiết hỏi thăm nhà “lão nông khùng” Lê Văn Chìa, ai cũng biết. Ông Chìa năm nay đã 77 tuổi, dáng người nhỏ, gương mặt khắc khổ. Các con đều đi làm ăn xa, lão nông cùng vợ sống trong căn nhà nhỏ cạnh vườn.

Khu vườn nhà của ông Chìa rộng gần 2ha, chuyên trồng các loại cây ăn quả như nhãn, măng cụt, dâu... Mỗi năm, mảnh vườn cho ông thu nhập gần 100 triệu đồng. Nhờ vườn trái cây này, nhà ông có của ăn của để, các con đều được ăn học thành tài.

Năm 2006, một đàn vạc vài chục con bay về đậu trên vườn nhãn. Về sau, số lượng ngày càng tăng. Cứ vậy, đến năm 2015, khu vườn nhà ông Chìa trở thành nơi trú ngụ của hàng nghìn con chim, cò... Đặc biệt, cuối năm 2018, có đàn cò ốc (còn gọi là cò nhạn) - loài có trong Sách Đỏ Việt Nam cũng đến khu vườn nhà ông để “dựng nhà”.

Đến đầu năm 2020, số lượng chim, cò về rất đông, chim cồng cộc khoảng 1.000 con, vạc 2.000 - 3.000 con, cò trắng cũng 3.000 - 4.000 con, cò ốc còn khoảng trên 1.000 con. Có lúc cò ốc còn về trên 4.000 con.

Thăm vườn của ông Hai Chìa, chúng tôi cảm nhận được tình cảm của ông dành cho đàn chim trời, lúc nào ông cũng chăm lo bảo vệ, tìm mồi cho đàn chim.

“Ngày xưa, khi chưa có chim trời bay về đây trú ngụ, vườn trái cây sum suê đã nuôi gia đình, nuôi các con tôi ăn học. Hơn 13 năm qua, vì đàn chim trời này mà gia đình tôi thất thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Nhưng nếu đàn chim về đây ngày càng đông hơn, chúng tôi mãn nguyện lắm. Ngày ngày, hai vợ chồng tôi ở nhà ngắm đàn chim trời và canh giữ không cho ai quấy phá, tiền thì các con chu cấp mỗi tháng, hưởng niềm vui tuổi già”, ông Hai Chìa chia sẻ.

Vì yêu quý các loài chim cò và nhận thấy việc chăm sóc cũng như thu hoạch các loại trái cây sẽ làm lũ chim sợ bay đi, ông Chìa bàn với vợ để luôn khu vườn làm “nhà” cho chim.

Như hiểu được tấm lòng của ông, chim bay về trú ngụ ngày càng nhiều hơn và cứ thế ngày càng sinh sôi nảy nở, hiện theo ước lượng có thể lên đến hàng nghìn con.

Cứ khoảng 5 - 6 giờ sáng mỗi ngày, ở khu vườn của ông, có từng đàn, từng đàn vạc bay về. Mỗi đàn có vài chục con đến cả trăm con biểu diễn. Lần theo bước chân nhè nhẹ của ông Hai Chìa đi vòng quanh khu vườn nhãn, chúng tôi thấy trên những nhánh nhãn, san sát những tổ chim lớn.

Vào giữa khu vườn, ông Hai vỗ tay vài cái thì ào ạt hàng trăm con chim lớn bay ra kêu “oạc… oạc…”. Ông Hai Chìa khẳng định, đây là loài vạc cùng họ với cò nhưng khác màu và thân mình to hơn, chân và mỏ cũng có vẻ ngắn hơn cò.

Con vạc bị thương được ông Hai đem về chăm sóc.

Con vạc bị thương được ông Hai đem về chăm sóc.

Nỗi lo tuổi già không cứu được đàn chim trời

“Ngày 5/5/2023, UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định mở rộng quy mô diện tích vườn chim từ khoảng 1,8ha như hiện nay lên 4 - 5ha nhằm duy trì và phát triển quần thể vạc cũng như một số loài chim nước khác”.

Mấy năm gần đây, gia đình ông Hai Chìa lại càng vất vả hơn khi khu vườn vạc của gia đình thường xuyên bị người khác vào bắn phá, bắt vạc. Con lớn thì bị bắn, ổ thì bị họ dùng cây chọc lấy trứng và bắt chim ra ràng (chim con vừa búp lông).

Nhiều lúc ông ra vườn, thấy xác của những con vạc gãy cánh, nằm chết thối rất thảm thương. Vì vậy, ngày đêm ông Hai Chìa không ngại nắng mưa, tuổi già canh giữ quyết tâm bảo tồn đàn vạc. Những người săn trộm gièm pha, cạnh khóe rằng “chim trời cá nước…”, thậm chí ghét bỏ, nhưng hai ông bà vẫn nặng lòng với đàn chim.

Để bảo vệ đàn chim khỏi bị săn bắt, ông Hai Chìa dựng một căn chòi trên nóc nhà của người cháu bỏ lại để tiện việc quan sát. Còn ở cuối bìa khu vườn, ông cũng dựng một căn chòi và mắc võng để mỗi đêm đến đây canh trộm.

Không quản ngại tuổi tác, trời mưa hay nắng, nghe tiếng trộm ông Hai Chìa ngay lập tức xách đèn, ná ra bắn đuổi trộm đi. Trong lúc đi thăm vườn, có những con vạc bị người xấu bắn bị thương, ông nâng niu mang về nhà nuôi dưỡng đến khi chúng bay được.

Cũng giống như nhiều loài khác, loài vạc đang ngày càng vắng bóng trên bầu trời miền Tây. Với ông Hai Chìa, đây là loài vật hoang dã và số lượng ngày càng ít dần, dù thiệt hại kinh tế và khó khăn nhưng ông quyết bảo vệ đàn vạc.

Ông bà Hai Chìa chỉ mong cơ quan chức năng sớm có phương án bảo tồn. “Giờ còn khỏe, còn bảo vệ được lũ chim, nhưng không biết được bao lâu. Sợ đến lúc tôi không còn bảo vệ nổi thì đàn vạc này biết đi về đâu”, ông Hai Chìa bùi ngùi.

Ông Ngô Vĩnh Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết: “Khi tận mắt nhìn thấy khu vườn với hàng nghìn con vạc, cò, còng cọc… của ông Hai Chìa, ai cũng lấy làm lạ và không hiểu vì sao chim lại kéo về đây ở nhiều. Thời buổi bây giờ, kiếm được khu vườn vài trăm con chim thật sự đỏ con mắt vì nạn săn bắt hoành hành quá dữ dội.

Hiện phía UBND tỉnh cũng đã lập dự án, đề án bảo tồn khu vườn của ông Hai Chìa như một khu sinh thái tự nhiên. UBND xã Tân Mỹ cũng coi hành động của ông Hai Chìa là một hành động đẹp bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ loài vật trước nạn săn bắt tận diệt. Do đó, UBND xã yêu cầu phía công an hỗ trợ ông Hai chống lại nạn săn bắt trộm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.