Muôn kiểu tận diệt chim trời

GD&TĐ - Chưa bao giờ cơn sốt săn chim làm món nhậu và làm cảnh lại diễn ra rầm rộ như hiện nay. Chỉ tính riêng địa bàn Nghệ An đã có đến hàng ngàn tay bẫy, mỗi ngày bắt được hàng chục tấn chim các loại.  

Muôn kiểu tận diệt chim trời

Tận diệt chim sẻ vì tin đồn thần dược cường dương

Chỉ vì tin đồn thịt, tiết chim sẻ đồng là "thần dược" cường dương và chữa được bách bệnh mà hiện nay ở Nghệ An đang rộ lên cơn sốt săn sẻ đồng chưa từng có. Nhiều người đã bỏ ruộng nương sắm đồ nghề đi bắt "thần dược" đem bán…

Chưa bao giờ ở vùng quê huyện Yên Thành các tay súng đi săn lùng chim sẻ lại nhiều như vậy. Trên đường tỉnh lộ 538, chúng tôi chứng kiến hàng chục tay súng đang lom khom chĩa nòng về phía những chú chim sẻ tội nghiệp bóp cò.

Điều kì quái là những tay súng này mang theo cả rượu và dao lam. Khi một con chim sẻ bị bắn hạ một người chạy nhanh đến nhặt và cho máu chim vào rượu, những con bị thương thì dùng dao lam để cắt tiết.

Những tay súng này vừa bắn vừa uống rượu tiết chim sẻ mặt ai cũng phừng phừng như gà chọi. Nguyễn B, một tay súng cho biết. " Bọn em nghe bảo tiết, thịt chim sẻ tốt hơn cả tiết hổ, tiết khỉ ăn vào cường dương, mạnh âm rứa là rủ nhau xách súng đi bắn".

Theo B thì bắn chim sẻ vào ban ngày được ít hơn, nhiều lắm cũng chỉ 30 - 40 con/ ngày. Còn cách hốt trọn ổ là buổi chiều đi thám thính thấy ổ chim sẻ về trú ngụ ở một cây nào đó kêu râm ran, thì đêm đến mang đèn xách súng đến tha hồ nhặt. Gặp ổ như vậy bắn mỏi tay, khoảng 200 - 500 con. - Trước đây thì về vặt lông rán thịt ăn nhưng bây giờ nhiều người tìm mua nên bọn em đem bán với giá 10.000 - 15000 đồng/con. Mỗi đêm bọn em cũng kiếm được tiền triệu.

Không những tận diệt bằng súng mà có "đội quân" hàng trăm người sắm đồ nghề để bẫy chim sẻ. Anh Châu quê Quỳnh Xuân - Quỳnh Lưu - một thợ bẫy chim sẻ cho biết, ở quê anh vào mùa này cả làng sắm đồ nghề đi bẫy chim sẻ. Họ đi khắp nơi vào tận cả Hà Tĩnh- Thanh Hóa - Quảng Bình.

Đồ nghề dùng để bẫy chim sẻ cũng không cầu kỳ, chỉ cần 2 tấm lưới được đóng khung lại, ràng với nhau bởi những sợi dây dù. Khi đặt bẫy, 2 tấm lưới sẽ trở thành 2 cái cánh, chim mồi được bỏ ở giữa, chân buộc vào vào một sợi dây.

Cách bẫy này còn có sự trợ giúp của công nghệ kỹ thuật số. Đó là chiếc máy phát âm thanh hình như một cái loa, có khe dắt thẻ nhớ chứa file tiếng kêu của chim sẻ. Cái máy này liên tục hoạt động để dụ chim sẻ sà xuống khu vực con chim mồi đang bị giật dây. Khi đàn chim sà xuống, người đặt bẫy sẽ kéo dây "cò" lập tức 2 cánh của cái bẫy sẽ sập xuống và con chim không thể nào thoát được vì mắt lưới rất nhỏ.

"Một phát úp lưới, bẫy được khoảng 5-10 con, nhưng cũng có khi hốt trọn bầy khoảng 60 - 70 con. Mỗi ngày như vậy trừ chi phí ăn uống, xăng xe em cũng còn vài triệu đồng bỏ túi mang về. Bây giờ chim sẻ bẫy được không cần phải đi nhập như trước đây mà có người đến mua hết luôn. Có mấy cũng bán hết, đắt mấy họ cũng mua, vì tin đồn chim sẻ là thần dược", anh Châu nói.

Sốt tận diệt chim sẻ đang lan trên diện rộng

Hiện nay không riêng gì huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu mà các huyện khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An người dân cũng đang bằng mọi cách bắn, bẫy chim sẻ để thịt và bán kiếm tiền.

Chỉ tính trung bình một tay bẫy 1 ngày bắt được 200 con chim sẻ thì trên địa bàn Nghệ An mỗi ngày sẽ có bao nhiêu con chim sẻ bị giết? Đây quả là một con số đáng báo động.

Ông Nguyễn Bằng một thầy thuốc Đông Y ở Yên Thành thở dài ngao ngán: "Chim sẻ cũng có tính chữa bệnh, nhưng không đáng kể. Tôi hơn 60 năm làm nghề y nhưng chẳng thấy ai dùng chim sẻ để chữa bệnh bao giờ cả. Tin đồn thần dược là tin đồn thất thiệt, làm cho loài chim sẻ ngày càng cạn kiệt.

Chim sẻ là loài chim ăn côn trùng mạnh nhất. Với đà tận diệt chim sẻ trên diện rộng như thế này thì nạn cào cào châu châu sẽ phát triển phá hoại mùa màng. Hủy diệt môi sinh làm mất cân bằng sinh thái, rồi đây thảm họa khó lường".

Cơn sốt săn “sơn kê” nơi đại ngàn xứ Nghệ

Sơn kê là tên dược liệu của thịt gà rừng. Hiện nay nhậu gà rừng và nuôi gà rừng làm cảnh đang là “mốt” của nhiều người, nhất là các “đại gia” lắm tiền, nhiều của. Chính vì vậy mà loài lâm cầm này hiện đang bị con người lùng sục khắp các cánh rừng để săn bắt.

Vượt hơn 10 km đường rừng chúng tôi tìm đến nhà Hà, một tay săn gà có tiếng ở xã Tây Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Nhà Hà bé tin hin tựa lưng vào chân núi, xung quanh bạt ngàn cây nguyên liệu như tràm, keo, bạch đàn.

Theo giới thợ săn thì Hà hiện đang sở hữu con gà trống “đỉnh” nhất vùng bởi tiếng gáy của nó rất hay có thể dụ được cả gà trống , gà mái rừng từ xa đến.

Hà đưa bàn tay bụm miệng kêu mấy tiếng , bỗng nhiên con gà rừng ngũ sắc trên cành cây trước sân sà xuống đậu vào vai. Hà âu yếm vuốt nhẹ trên lưng con gà bảo: Con mồi “Thần kê” này giúp tôi kiếm tiền triệu đó. Nó được nhiều người gạ mua với giá 5 triệu đồng nhưng tôi không bán”.

Tính Hà xởi lởi và phóng khoáng, anh tự tay nướng con gà rừng mới bẫy được và lôi chai rượu ngâm chân gà rừng mời khách. Hà nói: Thịt gà rừng nhắm rượu ngâm chân của nó thì tuyệt cú mèo. Nó là thần dược tăng sinh lý cho các quý ông, quý bà. Hũ rượu này tôi đã ngâm hơn 200 chiếc chân gà rừng đó.”.

Chúng tôi có nhã ý muốn đi xem cách bẫy gà rừng. Hà đồng ý ngay và cho biết: Gà rừng trước đây, ở xung quanh nhà anh rất nhiều, buổi sáng nó gáy râm ran nhưng nay nhiều người bẫy nên hiếm rồi, muốn bẫy phải đi xa hơn một chút.

Sau chầu nhậu, Hà mang theo đồ nghề tót lên chiếc mink nổ đoành đoạch đèo chúng tôi vượt hơn 7 km đường rừng khúc khuỷu để đến dãy Bồ Bồ, nơi tiếp giáp giữa Yên Thành, Tân Kì, Quỳnh Lưu để thực nghiệm chuyến săn gà rừng.

Đồ nghề Hà mang theo khá đơn giản: Con mồi “thần kê” và 10 chiếc bẫy giò. Nơi chúng tôi đến là một thung lũng có rất nhiều cây bụi rậm, gần nương rẫy của dân.

Hà tiếp tục dẫn tôi luồn sâu vào rừng chọn khoảng đất trống bên đồi tràm làm điểm đặt bẫy giò. Những chiếc bẫy này làm bằng dây phanh xe đạp nối với sợi dây dù làm thòng lọng. Đồng loạt 10 chiếc bẫy này được Hà cột với gốc cây rừng, vít đinh cắm xuống đất, phủ là khô lên trên. Sau đó đặt gà mồi ở giữa.

Hà bảo: Gà rừng rất tinh khôn, nên phải đi nhẹ, tránh tiếng động, nếu có động chúng sẽ không đến. Đặt bẫy xong, chúng tôi núp vào một bụi rậm nín thở chờ đợi.

Không hổ danh là thần kê, khi Hà đặt bẫy, con gà mồi im thin thít, nhưng khi chúng tôi núp xong xuôi, Hà bụm tay lên mồm kêu ra hiệu, khi đó con thần kê mới nghe lời chủ nhân rướn cổ cất giọng gáy vang cả núi rừng.

Con gà mồi gáy vài đợt xong đứng im nghỉ ngơi. Cứ khoảng 5 phút nó lại cất giọng gáy khiêu khích. Khoảng 20 phút sau, chúng tôi nghe tiếng gà rừng phía rừng sâu đáp lại. Thật hồi hộp khi chúng tôi thấy con gà rừng trông rất đẹp mã vừa gáy vừa chuyền cây đáp xuống mặt đất.

Nó xù lông cổ nhìn chú gà mồi - kẻ xâm nhập lãnh thổ như muốn ra đòn nhưng nó vẫn giữ khoảng cách để thăm dò. Lúc đó con gà mồi, cũng rướn cổ gáy khiêu khích. Không chịu đựng được, chú gà rừng điên tiết lao vào. Bỗng , “phựt”, nó bị treo giò giãy phành phạch, kêu quang quác. Hà nháy mắt cười rồi chạy ra gỡ con gà rừng cho vào lồng.

Nhìn “chiến lợi phẩm” Hà reo lên: Gặp may rồi anh ơi, con này thuộc hàng ngũ sắc bán phải hơn 500 ngàn đồng. Hà cho biết thêm. Gà ngũ sắc thì nhiều nhưng gà ngũ sắc tai trắng, nay cực hiếm. Nếu như bẫy được giá mỗi con phải trên 1 trệu đồng.

Hơn 4 tiếng đồng hồ mai phục, cuối cùng Hà cũng bẫy được 2 con gà trống. Với giá bán gà rừng thịt hiện nay là 300 ngàn đồng/1kg. Gà Trống làm cảnh 500-1000 000 đồng/ con thì 2 con gà trống vừa bẫy được nếu đem bán cũng gần 1 triệu đồng. Đó quả là một ngày may mắn của một anh thợ săn gà.

Hà tâm sự: “Trước đây gà rừng nhiều, có ngày tui mần được cả chục con nhưng bây giờ lắm người bẫy quá nên hiếm rồi. Xóm tui có hơn chục người đi bẫy gà chuyên nghiệp. Còn nghiệp dư thì không kể hết. Người dân ở khu vực này nhà nào cũng biết bẫy gà rừng.” Đi tắt qua cánh rừng khác trở về, chúng tôi nghe tiếng gà rừng gáy râm ran, nhưng theo Hà thì đó là gà mồi và tiếng gà trong castsete của các tay bẫy gà rừng.

Để tìm hiểu thêm về nạn săn gà rừng, chúng tôi ngược lên các huyện miền núi: Tân Kì, Đô Lương, Anh Sơn ...Ở các địa phương này nạn bẫy gà rừng còn nhiều hơn ở các vùng rừng ở miền xuôi. Bẫy gà giăng la liệt, nhiều người còn vào cả khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và vườn quốc gia Pù Mát để bẫy gà rừng. Không những bẫy mà nhiều người con mang cả súng kíp, súng thể thao để đi săn gà rừng.

Phương, một thợ săn ở đây cho biết: Bọn tui, đi vô rừng một ngày đêm như vậy cũng bắn được khoảng trên dưới vài chục con. Chiến lợi phẩm này nhập cho các quán ăn đặc sản cũng được trên 200 ngàn đồng/ con (gà chết).

Tôi hỏi người đi săn gà ở Con Cuông nhiều không? Phương bảo: Đếm không xuể, riêng xóm anh cũng có vài chục tay bẫy, tay súng chuyên nghiệp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, săn bắn gà rừng không chỉ là nghề kiếm cơm của những người nông dân mà còn có một số “đại gia” cưỡi xe hơi, xách súng thể thao đi săn gà rừng làm thú tiêu khiển. Những đại gia này còn mang theo cả rượu Tây, bếp nướng điện từ và nhiều thứ khác cho một cuộc đi săn vài ba ngày...

Gà rừng cũng tuyệt chủng

Hiện nay, nạn săn gà rừng đang gia tăng như một cơn sốt khắp các cánh rừng xứ Nghệ. Theo một cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Tương Dương thì vấn nạn săn gà rừng không những làm cho loài “lâm cầm” này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, làm mất cân bằng sinh thái,  mà nó còn kéo theo nhiều nguy cơ không an toàn cho các khu rừng.

Nhiều đối tượng lợi dụng việc săn gà đã kết hợp săn bắn các loại động vật quý hiếm khác và khai thác trái phép lâm sản. Tiếp nữa, săn gà rừng cũng là một nghề nguy hiểm, bởi đã có nhiều trường hợp bị rắn độc cắn hay bắn nhầm người khi đi săn gây tử vong ở các địa phương: Kì Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu..

Được biết, trước nạn săn bắn gà rừng, Ban quản lý các khu rừng cũng đã phối hợp với ngành kiểm lâm Nghệ An có nhiều biện pháp ngăn chặn.

Thế nhưng trên thực tế, nạn săn bắn gà rừng vẫn diễn ra ngày một gia tăng, nhiều chợ, nhiều quán ăn trên địa bàn Nghệ An vẫn công khai bày bán gà rừng...

Mặc dù gà rừng không nằm trong danh mục động vật hoang dã đặc biệt, cấm săn bắn nhưng thiết nghĩ, Ban quản lý các khu rừng và kiểm lâm Nghệ An cần có biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn ngay nạn săn, bắn gà rừng để loài “lâm cầm” không bị tuyệt chủng và đảm bảo hệ môi trường sinh thái.

Trước sự quý hiếm và giá cả tăng vọt , một số người đã nhanh nhạy mua gà rừng bẫy được về thuần hóa thành công như anh Nguyễn Vinh ở xã Hợp Thành, Yên Thành. Hiện nay, anh đã nhân giống hàng chục con gà rừng để bán giống và bán gà trống làm cảnh thu lãi mỗi năm hàng chục triệu đồng. Đây được coi là hướng đi mới của mới của một nông dân nhằm nhân rộng giống gà rừng quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng và là con xóa đói , giảm nghèo và làm giàu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.