“Bay” theo những cánh chim trời

GD&TĐ - Hơn 20 năm lội rừng, leo núi, Tăng A Pẩu - người chưa bao giờ nhận mình là nhiếp ảnh gia đã sở hữu gia tài “khủng” là hàng nghìn bức ảnh về hơn 500 loài chim quý của Việt Nam.

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu.
Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu.

Ảnh của ông không chỉ khiến người xem trầm trồ trước vẻ đẹp lộng lẫy của các loài chim quý trong thiên nhiên mà còn khiến nhiều người nức nở trước những “tiếng kêu cứu từ rừng”.

Kẻ đi rừng nhiều hơn ở nhà

Tăng A Pẩu (SN 1959) là người Nùng. Ông sinh ra ở ngôi làng nhỏ Lương Sơn, gần Sông Lũy, thuộc xã Suối Nhuôm, quận Hoà Đa, tỉnh Bình Thuận. Khác với thú vui nhàn nhã của mọi người ở tuổi 61, người ta thấy A Pẩu như một thanh niên khi ông hăm hở vác “đồ chơi” - máy ảnh, những chiếc len khủng đi săn ảnh chim rừng.

Lần nào gọi hỏi Tăng A Pẩu cũng thấy ông khoe mình đang ở rừng. Những cuộc nói chuyện cũng cứ liên tục ngắt quãng khi ông phải tập trung tuyệt đối vào từng nhất cử nhất động của loài chim mà ông đang theo dõi để chụp.

Từ rừng Nam Cát Tiên (Ðồng Nai) đến Tràm Chim (Ðồng Tháp), Bidoup (Lâm Ðồng), Hòn Bà (Nha Trang), Kon Ka Kinh (Kon Tum), Lò Gò (Tây Ninh), Bạch Mã (Huế), Cúc Phương (Ninh Bình)... đâu đâu cũng có dấu chân của Tằng A Pẩu. Ông vui sướng khi khoe mình chụp được ảnh con nhím, con bò tót, lúc lại khoe ảnh chụp được loài chim quý.

“Đừng để đến khi những loài chim rừng mất đi ta mới biết tiếc nhớ. Chụp ảnh các loài chim không phải là nghề mà đó là niềm vui không ngờ và vô tận của đời tôi”, Tăng A Pẩu nói. Ông miệt mài kiếm tìm những dấu vết dù ít ỏi của những loài sinh vật nhỏ bé, thơ ngây mang tiếng hót, sức sống cho những cánh rừng già.

Từ cậu sinh viên chuyên ngành Lâm nghiệp nhưng không theo ngành, sau mấy chục năm mưu sinh, khi quay lại rừng, Tăng A Pẩu đã ngỡ ngàng, xót xa trước sự chết mòn của rừng, của động vật. Cuối cùng cái duyên với những cánh rừng già vẫn buộc ông lại, vừa như là trách nhiệm, vừa là niềm say mê bạc tỉ đầy vất vả mà hiếm người chọn lựa chứ chưa nói đến khả năng để duy trì.

Chim mỏ rộng đỏ thường xuất hiện vào giữa tháng 8.
Chim mỏ rộng đỏ thường xuất hiện vào giữa tháng 8. 

Ông Pẩu chia sẻ, thiên nhiên đẹp đẽ, kỳ diệu, chứa đựng những triết lý sâu sắc hơn cả những gì con người biết. Cứ thế, ông đã gắn bó với máy móc, ống kính, lang thang khắp cánh rừng này đến cánh rừng kia để chụp lại chim chóc, động vật.

Ông không quản ngại leo núi, băng rừng, phục kích chờ đợi ròng rã hàng chục tiếng, thậm chí “nằm gai, nếm mật” mấy ngày trời để chụp một con chim, nhiều người không hiểu nghĩ rằng ông “hâm” thật. Ông đã từng gặp chụp một đàn bò tót ở khoảng cách có 10m, khi cả người và vật nghe được hơi thở của nhau.

Trong suốt những hành trình ấy, ông phát hiện những phẩm chất đáng quý, ngôn ngữ riêng của động vật, đặc biệt là chim - loài sinh vật bé nhỏ. “Không biết bao nhiêu lần tôi đã run rẩy, thổn thức khi nhìn vẻ đẹp của chúng qua ống kính”.

Suốt 12 năm khi thì ra Bắc, lúc lại vào Nam, cuộc phiêu lưu với những cánh chim trời đã giúp người nghệ sỹ chỉ cần nghe tiếng của chúng là biết loài nào, đang gọi bạn tình hay đang có tổ nuôi con.

Ông kể, có lần, trong một chiều mưa mùa hè, may mắn gặp được một đôi chim cụt đuôi cánh xanh đang tìm mồi nuôi đàn con nhỏ. Đây là loài chim đẹp, di cư từ xứ lạnh về Việt Nam mỗi năm, có tập tính làm tổ ở dưới đất. Ông lặng lẽ đứng quan sát đôi chim bố mẹ bới giun cho con ăn suốt cả một buổi chiều mưa tầm tã, chiếc mỏ của nó ngậm đến 5, 7 con giun mỗi lần mang về tổ bón cho con.

Nếu như lúc “son rỗi”, nó lộng lẫy đẹp đẽ bao nhiêu thì bây giờ nó gầy rộc, khô héo bấy nhiêu. Lúc phát hiện ra có người theo dõi, nó kêu toáng lên, thất thanh như báo động với đàn con rằng “Có thích khách”.

Nhưng A Pẩu lại chậm rãi, bình tĩnh mà “giải thích” với chúng bằng ánh mắt hiền lành, an toàn như những người bạn. Thế là việc ai nấy làm, nghệ sỹ đã lưu giữ được khoảnh khắc hiếm có ấy, những bức ảnh tuyệt vời về tình cảm gia đình của loài chim này.

Mùa nào chim ấy, cuộc phiêu lưu của ông cứ gắn liền với những cánh chim như thế.

Sếu đầu đỏ là phân loài chim quý hiếm lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu tại Vườn quốc gia Tràm chim.
Sếu đầu đỏ là phân loài chim quý hiếm lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu tại Vườn quốc gia Tràm chim. 

Thế giới đâu chỉ dành cho loài người

Ngày xưa có gã Bần Tăng/ Lên non tìm nguyệt… vầng trăng khuất chìm/ Xưa rằng có gã yêu chim/ Rừng xanh đã mất bóng chim nơi nào/ Một mình cô quạnh núi cao/ Nghe cây lá kể giọng sao tủi hờn... Tăng A Pẩu nói, chim trời là động vật mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho con người. Chúng không những làm cho ta thỏa mãn về thị giác bằng các vũ điệu cùng sắc màu mà còn có tiếng hót với những sắc điệu rất riêng của từng loài.

Không chỉ giới nhiếp ảnh mà cả những phóng viên khi cần ảnh về chim hay muốn tìm hiểu về chim đều liên hệ với ông. Không chỉ nổi tiếng trong nước, nhiều nhiếp ảnh gia nước ngoài cũng biết đến và thường xuyên nhờ ông dẫn vào rừng chụp ảnh hoặc học hỏi thêm kiến thức về các loài chim ở vùng nhiệt đới.

Người ta gọi Tăng A Pẩu là người con của rừng bởi ông biết chính xác được loài sếu đầu đỏ ở Việt Nam còn bao nhiêu con; Hạc cổ trắng - Loài chim trong Sách Đỏ cần bảo vệ khỏi sự tuyệt chủng tại Việt Nam nay đã biến mất khỏi vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ còn rất ít ở rừng Tây Nguyên và Đông Nam bộ”; “Khứu Ngọc Linh - Loài đặc hữu cực kỳ quý hiếm, sống trên đỉnh núi Ngọc Linh.

Khoảnh khắc chim đuôi cụt cánh xanh đang kiếm mồi về cho con ăn được A Pẩu ghi lại.
Khoảnh khắc chim đuôi cụt cánh xanh đang kiếm mồi về cho con ăn được A Pẩu ghi lại. 

Ở Việt Nam có khoảng hơn 900 loài chim, trong đó chụp được khoảng 300 loài là khá phổ biến, còn chụp được 500 loài như nghệ sỹ Tăng A Pẩu thì khá hiếm. Ông đã bỏ công sức, đổ tiền bạc của mình vào niềm đam mê chụp ảnh chim rừng. Nhìn bộ ảnh chim của rõ từng cọng lông, màu sắc, điệu bộ, ánh mắt của chim rừng, đủ hiểu ông tâm huyết thế nào với  cái “nghiệp” này.

Năm 2015, triển lãm ảnh với tên gọi “Chim rừng mùa kết bạn” do Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) và Nhà văn hóa Thanh niên phối hợp tổ chức trưng bày ảnh của Tăng A Pẩu là lần đầu công chúng biết đến ông.

Là tay máy nổi tiếng, đóng góp lớn vào sách ảnh về các loài chim hoang dã ở Việt Nam và tham gia nhiều diễn đàn bảo vệ chim trời, người nghệ sỹ già vẫn luôn đau đáu cho số phận của loài sinh vật bé nhỏ khi luôn trong trạng thái “nơm nớp” khi bị kẻ xấu lăm le bắt đi.

Ông cho biết, những năm gần đây, trên thị trường Việt Nam và nhiều nước lân cận như Lào, Thái Lan, Campuchia, SriLanka, Myanmar… đều đồng loạt “du nhập” loại lưới bắt chim của Trung Quốc, họ bán với giá siêu rẻ và cung ứng bằng mọi hình thức, vì thế, lưới giăng kín các cánh đồng, tầng cao tầng thấp, quây ba bề bốn bên; lưới như thiên la địa võng ở cửa sông cửa biển, đầm phá ao hồ. Chim lớn, chim bé, cứ như thế mà bỏ đi, nghe thật xót xa!

Nạn phá rừng, săn bắt và buôn bán trái phép các loài chim quý hiếm, hủy hoại sinh cảnh của các loài động vật như hiện nay ở Việt Nam không chỉ là sự đau buồn của loài chim mà còn là nỗi đau của rừng, của đất.

Cú cá đồng hung - loài chim cực kỳ quý hiếm ở Việt Nam được Tăng A Pẩu chụp tại Cà Mau.
Cú cá đồng hung - loài chim cực kỳ quý hiếm ở Việt Nam được Tăng A Pẩu chụp tại Cà Mau.

Chim là bạn và là loài cộng sinh cùng con người. Thế nên, những bức ảnh của Tăng A Pẩu dù không lời nhưng lại như tiếng kêu cứu của cho loài sinh vật bé bỏng đáng yêu của tự nhiên. Ông còn tạo dựng cộng đồng những người yêu chim như mình nhằm lan toả ý thức, trách nhiệm, cảm hứng trân trọng và bảo vệ thiên nhiên.

Từ tháng 6 đến tháng 11/2021, dịch Covid-19 bùng phát khiến nghệ sĩ nhiếp ảnh phải ở lại vườn Quốc gia Cát Tiên 5 tháng, trở thành vị khách trải nghiệm lâu nhất tại đây trong lịch sử 30 năm của vườn. Ông đã được Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên tặng chứng nhận danh hiệu Hiệp sĩ xanh của vườn.

“Chúng ta phải làm gì đó trước khi chúng biến mất. Hãy chân thành lắng nghe thiên nhiên quanh mình, mẹ thiên nhiên sẽ không bao giờ bội bạc với con người chúng ta”. Gần đây, ông đã rao bán ảnh của mình nhằm góp quỹ cho Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam vừa ra mắt.

Đây là một dấu mốc cho sự ra đời của một tổ chức đầu tiên bảo vệ loài chim tại nước ta. Sắp tới, ông cùng những cộng sự của mình sẽ tiếp tục con đường tìm giải pháp kịp thời và cần thiết để giải cứu, bảo vệ những loài chim quý của Việt Nam. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ.

'Không có chuyện S-400 đến Kiev'

GD&TĐ - Theo Forbes, cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều vừa tái khẳng định, không có chuyện họ gửi những hệ thống phòng thủ S-300 và S-400 cho Ukraine.
Minh họa/INT

Đạo đức của cầu thủ

GD&TĐ - Ngày 9/5, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ra thông báo về việc cấm thi đấu đối với 5 cầu thủ Hà Tĩnh vừa liên quan đến việc sử dụng ma túy hôm 4/5.